Tháng 4 'hỏa ngục' ở Ấn Độ
Ông Zarir Udwadia, bác sĩ và là nhà nghiên cứu về lao phổi ở Mumbai, ví khung cảnh Ấn Độ như 'hỏa ngục' trong thời gian qua, sau sự lây lan mạnh của đại dịch.
Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, thời điểm ông Udwadia hạnh phúc nhất là 8h sáng 20/1. Bước chân vào khu điều trị Covid-19 trong một bệnh viện ở Mumbai, ông bắt đầu ngày làm việc bằng thói quen quá đỗi quen thuộc: Mặc đồ bảo hộ.
"Sau đó, người y tá phụ trách cho tôi biết rằng hôm đó Ấn Độ không có đợt nhập viện mới do Covid-19. Một sự nhẹ nhõm dâng tràn", ông Udwadia chia sẻ trên Financial Times.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Sau 245 ngày liên tục chống chọi với dịch bệnh, khoảnh khắc đó mang đến niềm hạnh phúc hiếm có cho ông Udwadia.
Ông và các đồng nghiệp mỉm cười nhẹ nhõm khi trên khắp Ấn Độ, số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm xuống dưới mức 15.000 người. Dấu hiệu đáng mừng này cũng tương đồng với thực tế Covid-19 đang suy giảm được ghi nhận tại bệnh viện thời điểm đó.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang: Mùa hè chào đón Ấn Độ bằng một tháng 4 khủng khiếp.
Các con số đáng lo ngại không ngừng nhích lên cao. Ngày 26/4, Ấn Độ lập kỷ lục toàn cầu với 352.991 ca mắc mới trong vòng 24 giờ.
"Trên các giường bệnh, cảnh tượng dường như được cắt ra từ phần 'Hỏa ngục' trong Thần khúc của nhà thơ Dante", ông Udwadia nói.
Bằng nguồn dưỡng khí ít ỏi, từng hàng dài bệnh nhân giành giật sự sống với tử thần.
Trong khi đó, vang vọng trong không gian là những lời kêu cứu. Nỗi mong chờ của bệnh nhân dường như vô vọng giữa sự tất tả của các nhân viên y tế, vốn cũng đang căng mình trước sức ép quá lớn của sứ mệnh cứu người.
Ở trong kho, oxy cạn dần, trong khi nhiều dược phẩm thiết yếu thiếu hụt. Thậm chí, bệnh nhân ở các bệnh viện sẽ chẳng thể cầm cự lâu một khi nguồn dưỡng khí cạn kiệt.
Tại các chợ đen, bình oxy được rao bán với giá 670 USD, gấp 8 lần mức thông thường.
Cho dù vậy, các bệnh nhân vẫn mua về tích trữ, chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra.
Những sai lầm
Mọi dấu hiệu tích cực đều mất dần sau ba tháng. Hồi tháng 1, bộ trưởng Y tế Ấn Độ tự hào tuyên bố: “Ấn Độ đã bình ổn biểu đồ Covid”. Sự tự tin này chẳng thể giúp Ấn Độ che mờ một thực tế đau đớn: Virus corona đang bao vây đất nước 1,4 tỷ dân.
Thay vì tận dụng khoảng thời gian quý báu trong tháng 1 để tăng cường triển khai vaccine, đảm bảo nguồn cung dưỡng khí và thắt chặt giãn cách xã hội, Ấn Độ lại cho phép nhiều địa phương tổ chức vận động tranh cử và 3,5 triệu tín đồ chen chúc dọc đôi bờ sông Hằng trong dịp lễ hội Kumbh Mela.
"Virus bị lãng quên vì chúng tôi tự tuyên bố mình là người chiến thắng", ông Udwadia nói.
Sau đó, như một lẽ tất yếu, làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến như đợt thủy triều dữ dội, khiến tác động của chính nó hồi năm 2020 chỉ như một gợn nước tăn lăn.
Nhiều người tin rằng làn sóng này do biến thể B.1.617 của Ấn Độ gây ra. Biến thể này có hai đột biến đáng sợ là E484Q và L452R.
Sức sát thương của loại biến thể mới khiến các quốc gia đua nhau đóng cửa biên giới với Ấn Độ.
"Với tư cách là một bác sĩ, tôi đảm bảo rằng chủng virus này có vẻ dễ lây lan hơn, thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến người trẻ thường xuyên hơn so với trước đó", ông Udwadia nói.
Hiện tại, các bệnh nhân trong độ tuổi từ 26 đến 44 chiếm khoảng 40% số ca bệnh và gần 10% số ca tử vong ở Ấn Độ.
Trong khi đó, câu chuyện về vaccine còn đó những khúc mắc riêng. Thay vì kêu gọi 1,7 tỷ liều vaccine dự trữ từ các nhà sản xuất đáng tin cậy, Ấn Độ phó mặc tất cả cho cái mác "siêu cường vaccine" của mình.
Những tính toán sai lầm ban đầu giờ đây nhường chỗ cho nỗi tuyệt vọng. Người chờ tiêm vaccine chen chúc hàng dài ở Mumbai chỉ nhận được câu trả lời rằng hầu hết địa điểm phân phối đều không còn hàng.
Với tình hình hiện tại (khoảng 5% dân số Ấn Độ được tiêm phòng), viễn cảnh đáng mơ ước về khả năng miễn dịch cộng đồng (khi 70% dân số có kháng nguyên virus) sẽ cần ít nhất 700 ngày nữa để thành hiện thực.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thang-4-hoa-nguc-o-an-do-post1210098.html