Tháng 5, triệu trái tim hướng về Bác Hồ kính yêu
Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 19/5 là một ngày đặc biệt, ngày kỷ niệm thiêng liêng có ý nghĩa trọng đại. Đó là Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và cách mạng Việt Nam, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước lại tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng, nhằm tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến Người; đồng thời tuyên truyền, vận động toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo Bác.
Bác Hồ sống mãi trong nhịp đập của Thủ đô
Đối với Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc, giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của nơi mà “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần.
Những ngày tháng 5, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đều được trang hoàng cờ hoa, áp phích, băng rôn, hướng đến chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lá cờ đỏ tung bay phấp phới, những khẩu hiệu trang trọng trên nhiều tuyến đường khiến mỗi người dân Thủ đô càng thiết tha nhớ Bác, biết ơn công lao của vị Cha già vĩ đại đã hiến dâng trọn cuộc đời mình vì độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Các dòng băng rôn, cờ phướn với dòng chữ: "Nhiệt liệt chào mừng 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".
Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện đồng loạt diễn ra để kỷ niệm Ngày sinh của Bác. Trong đó, 5 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, vào 20 giờ, các ngày từ 17 đến 19/5, các đơn vị nghệ thuật gồm: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội sẽ tổ chức các đêm diễn tại một số quận, huyện, thị xã. Với các chương trình được dàn dựng công phu, nội dung phong phú ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đó thực sự là món quà tinh thần ý nghĩa mà các đơn vị nghệ thuật dành tặng cho đông đảo nhân dân Thủ đô trong dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề “Theo dấu chân Người”, Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động vào 2 ngày 18 và 19/5, nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, góp phần thực hiện đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại không gian của Làng trong tháng 5. Các hoạt động có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc và 11 địa phương, cùng với 25 nghệ nhân người Gia Rai, tỉnh Gia Lai.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là chương trình dân ca, dân vũ “Tây Nguyên với Bác Hồ, Bác Hồ với Tây Nguyên”. Các tiết mục trong chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ thể hiện tình cảm của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Trong chương trình, du khách còn được nghe những câu chuyện kể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tình cảm của Bác Hồ với mảnh đất này cũng như từ tấm gương của Bác để đồng bào noi theo và học tập.
Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày sinh của Bác, trong đó, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng tổ chức hoạt động với chủ đề “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” - kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Đây là dịp để mỗi học sinh bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu và cùng nhau phấn đâu, tiếp tục tiến bước trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời, Bác hằng mong muốn.
Tâm điểm là Lễ hội Làng Sen
Trong dịp này, cùng với Thủ đô Hà Nội, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đó, tỉnh Lai Châu triển khai các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày sinh của Bác gắn với việc thực hiện lời dạy của Người trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Nổi bật là huyện Tân Uyên tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024. Trong 2 năm qua, toàn huyện có 488 tấm gương điển hình trong việc học tập và nêu gương của Người, đứng đầu các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả. Các địa phương, đơn vị thuộc thành phố Lai Châu cũng tổ chức sinh hoạt khoa học như hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh...; chú trọng thảo luận các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo trong điều kiện hiện nay.
Tại khu vực phía Nam, nhiều tỉnh, thành phố cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động hướng về Bác Hồ kính yêu. Tại Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Triển lãm ảnh với chủ đề "Cuộc sống đời thường của Bác Hồ" đã chính thức mở cửa từ ngày 15/5 phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân và du khách.
Triển lãm tập trung giới thiệu hơn 40 ảnh tư liệu về những hình ảnh đời thường, những khoảnh khắc bình dị lúc sinh thời của Người như: Chủ tịch Hồ Chí Minh chia kẹo cho các cháu thiếu nhi trong buổi gặp mặt đầu năm mới tại Phủ Chủ tịch năm 1955; Chủ tịch Hồ Chí Minh chẻ củi ở Chiến khu Việt Bắc; Chủ tịch Hồ Chí Minh bón cơm cho cháu bé tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951; Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở giàn hoa Phủ Chủ tịch năm 1957...
Các ảnh tư liệu đã minh chứng cho cuộc đời giản dị, thanh bạch, gần dân, trọng dân, chứa chan tình yêu thương con người, yêu lao động, thiên nhiên của Người. Hình ảnh Bác vẫn luôn thân thương và dung dị trong bộ quần áo sờn vai, với đôi dép cao su khiến người xem không khỏi bồi hồi, xúc động.
Tâm điểm của các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Bác chính là Lễ hội Làng Sen 2024, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/5, với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa tập trung tại thành phố Vinh, huyện Nam Đàn và thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Các hoạt động tiêu biểu như: Lễ dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ, Lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác và đền Chung Sơn, khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, Lễ hội Làng Sen năm nay có nhiều hoạt động mới, trong đó, Bộ Công an phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật, biểu diễn Cảnh sát cơ động kỵ binh, nhạc kèn tại lễ khai mạc. Đây là chương trình có ý nghĩa, lần đầu tiên được Bộ Công an phối hợp tổ chức để phục vụ nhân dân và du khách thập phương về với Kim Liên, Nam Đàn quê Bác trong những ngày tháng 5 lịch sử.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta không chỉ hướng về Người với lòng kính yêu, biết ơn vô hạn, mà còn ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.