Tháng 6 nhuận có phải tháng 'cô hồn' như nhiều người vẫn lo sợ mang lại nhiều không may, chuyên gia lên tiếng
Năm 2025 âm lịch có tháng 6 nhuận, tức là trong năm có hai tháng 6 âm lịch. Nhiều người lo ngại tháng nhuận, đặc biệt là tháng 6 nhuận có thể mang tới những điều không may, thậm chí lo sợ rằng đó là 'tháng cô hồn'.
Tháng 6 nhuận có phải 'tháng cô hồn’?
Khác với dương lịch dựa theo chu kỳ Trái đất quay quanh Mặt Trời (365 hoặc 366 ngày), âm lịch được tính theo chu kỳ Mặt trăng quay quanh trái đất. Mỗi tháng âm lịch sẽ kéo dài khoảng 29,5 ngày và một năm âm lịch có khoảng 354 ngày, ngắn hơn dương lịch khoảng 11 ngày.
Chính vì sự lệch pha giữa hai lịch này, âm lịch sẽ dần lệnh xa các mùa trong năm khi không có điều chỉnh. Người xưa vì vậy đã quy ước ‘tháng nhuận’ để khắc phục điều này, tức thêm một tháng thứ 13, thay vì chỉ 12 tháng như mọi năm. Cứ sau 3 năm sẽ là năm nhuận và có tháng nhuận trong năm.
Tính theo dương lịch, năm nhuận thường chỉ thêm một ngày vào tháng 2, còn âm lịch sẽ có một tháng lặp lại vào năm nhuận. Năm 2025 âm lịch có tháng nhuận là tháng 6 âm lịch. Thay vì có 1 tháng 6 như mọi năm sẽ có hai tháng 6 âm lịch. Và năm nay có 13 tháng, không phải 12 tháng.

Vậy tháng 6 nhuận có phải là 'tháng cô hồn’ như nhiều người đang lo ngại khi có thể mang tới những điều không may hay không?
Trong quan niệm của dân gian, 'tháng cô hồn’ để làm các nghi thức cầu siêu cho các ‘vong linh’ đã khuất mà không người thờ cúng. Đây là truyền thống tâm linh của người Việt xuất phát từ lòng thương người mà sinh ra.
Hơn nữa, như đã phân tích, tháng nhuận trong âm lịch dùng để bù vào những ngày trong năm bị thiếu. Người ta sử dụng tháng nhuận để bù vào những chỗ còn thiếu để cân bằng giữa tháng với mùa. Tháng nhuận năm nay hoàn toàn không phải là ‘tháng cô hồn’, nên dù có giao dịch vào tháng này thì cũng không có gì phải lo lắng.
TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, không có cơ sở nào để cho rằng tháng 6 nhuận là tháng không may mắn hay cần kiêng kỵ gì đặc biệt.
Tại sao tháng 7 âm lịch còn gọi là tháng ‘cô hồn’
Theo TS Vũ Thế Khanh cho rằng, tháng 7 âm lịch theo lý học Việt là thời điểm âm khí vượng nhất trong năm. Đây cũng là tháng có ngày Rằm tháng 7, còn gọi lễ xá tội vong nhân, lễ Vu Lan.
Vì tính thể hiện âm khí vượng nên nó được mô tả bằng ‘địa ngục’ và được dựng thành những truyền thuyết liên quan tới tháng cô hồn, với những ‘ma quỷ’ từ địa ngục chui lên hoành hành trên thế gian.
Người Việt xưa vẫn quan niệm, con người có phần hồn và phần xác. Sau khi mất đi, nếu không được siêu thoát, phần hồn sẽ lang thang, dễ gây ảnh hưởng tới người sống. Việc cúng cô hồn là để xoa dịu, an ủi, giúp những linh hồn đó bớt khổ đau và hướng thiện.
Lễ cúng cô hồn không chỉ mang tính tâm linh mà còn phản ánh tinh thần nhân đạo trong văn hóa Việt "thương người như thể thương thân". Đây là một nét đẹp mang tính nhân văn, không nên hiểu theo chiều hướng mê tín cực đoan.
Theo chuyên gia, tháng nhuận hoàn toàn không liên quan đến các yếu tố xui xẻo hay ‘ma quỷ’. Dù là tháng nào trong năm được chọn là tháng nhuận thì cũng chỉ là cân bằng chu kỳ thời gian, hiện tượng bình thường trong chu kỳ điều chỉnh lịch âm.
Mọi người không nên vì quan niệm rằng tháng nhuận là ‘tháng cô hồn’, tháng không may mà lo sợ, bỏ lỡ những cơ hội. Thay vào đó, mọi người nên đón tháng nhuận như một phần tự nhiên của thời gian với một tâm thế tích cực, an yên.