Tháng 7 'ngọt ngào' của chứng khoán Việt Nam!

VN-Index vừa trải qua một tháng giao dịch với hiệu suất vượt trội! Trong nửa cuối năm 2023, cổ phiếu là kênh đầu tư được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Tháng 7 “ngọt ngào”!

Sau khi có những khởi đầu không mấy tích cực trong quí 1-2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bắt đầu xu hướng tăng trưởng và hồi phục mạnh mẽ kể từ đầu quí 2 đến nay. Đặc biệt, tính riêng trong tháng 7-2023, VN-Index có mức tăng trưởng ấn tượng 9,2%, qua đó dễ dàng vượt qua ngưỡng 1.200 điểm – mức điểm cao nhất trong 10 tháng qua.

Không những tăng mạnh về điểm số, những dữ liệu về thanh khoản cũng cho thấy sự sôi động và tích cực của thị trường. Cụ thể, thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 18.361 tỉ đồng trong tháng 7, tăng 8% so với tháng 6, và tăng đến 53,2% so với trung bình năm tháng trước đó.

Nhịp tăng điểm vượt trội của VN-Index trong tháng vừa qua cũng góp phần giúp tăng hiệu suất của TTCK Việt Nam kể từ đầu năm đến nay (+21,4%) vượt qua nhiều TTCK lớn khác như Mỹ (+19,3%), Hàn Quốc (+17,7%) và chỉ xếp sau Nhật Bản (+27,1%).

Cùng chung xu hướng với VN-Index, chỉ số HNX-Index cũng tăng 5,4% còn UpCom-Index tăng 3,9% trong tháng trước. Điều này cho thấy sự quan tâm và tham gia tích cực trở lại của các nhà đầu tư trên thị trường.

Mặc dù vậy, điểm trừ vẫn đến từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi khối này ghi nhận giá trị bán ròng 1.926 tỉ đồng trong tháng 7 (gấp 4,7 lần so với tháng 6), chủ yếu là do dòng vốn ngắn hạn có xu hướng rút ra khỏi thị trường trong bối cảnh lãi suất tại Việt Nam đang trong xu hướng giảm khá mạnh, qua đó trở nên kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất một số thị trường trong khu vực và các thị trường phát triển khác. Sau tháng 7, giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm 2023 của khối ngoại giảm còn 11 tỉ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại tiếp tục duy trì ở mức thấp (6,9%) trong bối cảnh dòng tiền nội quay trở lại mạnh mẽ những tháng vừa qua.

Song song với đó, diễn biến tích cực của chỉ số VN-Index trong tháng 7 đã tạo điều kiện cho nhiều quỹ mở cổ phiếu có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê, trong bảy tháng đầu năm 2023, hầu hết các quỹ cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng trên 10%. Đáng chú ý, có những quỹ đạt mức tăng vượt trội so với chỉ số VN-Index. Danh sách các quỹ dẫn đầu thị trường với hiệu suất trên 25% gồm VCBF MGF (29,6%), VESAF (29,5%), SSISCA (27,3%) và DCDS (27,3%). Trong đó, trong tháng 6 và tháng 7-2023, quỹ DCDS của Dragon Capital đã trở thành hiện tượng đáng chú ý khi liên tục dẫn đầu mức tăng trưởng. Chỉ riêng trong tháng 7, DCDS đã đạt mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng 11,04%. Nếu lấy mốc 12 tháng vừa qua, DCDS cũng là quỹ có hiệu suất tốt nhất thị trường với mức tăng trưởng 9,71%.

Kỳ vọng lạc quan trong trung hạn

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, đà tăng điểm của thị trường đến từ một số nguyên nhân sau: (1) Nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tạo đáy và tăng trở lại trong những quí tới; (2) Lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt nhanh giúp thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ sang TTCK; (3) Triển vọng “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu ngày càng khả quan.

Về bức tranh kết quả kinh doanh, theo thống kê của VNDirect, tính đến ngày 31-7-2023, đã có 972 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm 92% vốn hóa thị trường, công bố kết quả kinh doanh quí 2-2023 với tổng lợi nhuận ròng giảm 11,7% so với cùng kỳ. Các ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận cao đột biến là dịch vụ tài chính (+728% so với cùng kỳ); bất động sản (+96,1%, chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quí 2 vượt trội của VHM với lợi nhuận sau thuế đạt 9.652 tỉ đồng, tăng 1.348%). Ở chiều ngược lại là các ngành hóa chất (-64,1% so với cùng kỳ), dầu khí (-74,3%), kim loại (- 71,8%) gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường bởi giá các loại hóa chất (phốt pho), kim loại (thép xây dựng) đều giảm mạnh. Trong khi đó, biên lợi nhuận lọc hóa dầu co lại về mức trước cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine khiến lợi nhuận các công ty lọc hóa dầu suy giảm mạnh so với cùng kỳ.

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận quí 2-2023 tuy ảm đạm nhưng cũng đang cho thấy dấu hiệu dần tích cực hơn khi so sánh với mức giảm 21% của lợi nhuận trong quí 1-2023.

Trong trung hạn vẫn có nhiều kỳ vọng lạc quan về xu hướng TTCK do các yếu tố như: lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đi đến giai đoạn cuối; Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy thị trường bất động sản; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa sau năm 2023. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rủi ro giảm điểm có thể đến từ việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng biến động ngoài tầm kiểm soát sẽ kích hoạt đà rút vốn của nhà đầu tư.

Cụ thể hơn, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong hai quí cuối năm nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Theo đó, các chính sách tài khóa đang được triển khai như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ô tô, tăng lương cơ bản… sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng trở lại.

Trong ngắn hạn, TTCK đang cho thấy xung lực tăng điểm khá mạnh, thể hiện sự hưng phấn của dòng tiền. Tuy vậy, khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 qua đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn “vùng trũng” thông tin khiến đà tăng có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8. Do đó, nhà đầu tư cần tuân thủ kỷ luật dừng lỗ và chốt lời theo nguyên tắc với các giao dịch ngắn hạn. Còn với danh mục đầu tư dài hạn, việc nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu nhất định tùy theo khẩu vị rủi ro vẫn đang là chiến lược hứa hẹn sẽ mang lại mức sinh lời lớn cho nhà đầu tư trong nửa cuối năm 2023.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thang-7-ngot-ngao-cua-chung-khoan-viet-nam/