Tháng 7 ở Quảng Trị

Tôi đã có chuyến đi về nguồn một mình tại tỉnh Quảng Trị cách đây tròn 7 năm, khi cả nước đang rộn rịp các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ. Và mỗi năm, cứ đến tháng 7 là ký ức về chuyến đi ấy lại trỗi dậy trong tôi nhiều cảm xúc khó quên.

Các nhà báo dâng hương tại di tích Thành cổ Quảng Trị tháng 4-2023. Ảnh: T.L

Các nhà báo dâng hương tại di tích Thành cổ Quảng Trị tháng 4-2023. Ảnh: T.L

Mọi hoạt động đều hướng về thành cổ

Tôi chọn một khách sạn nhỏ ở bên dòng sông Thạch Hãn để có nhiều thời gian ngắm nhìn con sông vốn là chứng nhân của một thời chiến tranh, trong đó có 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bên này sông là một bến thuyền và nhà hành lễ - nơi diễn ra các hoạt động thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Còn bên kia sông là cụm công trình tượng đài bề thế mới được xây dựng cách đó vài năm. Không đợi đến tháng 7 mà hàng tháng, thị xã Quảng Trị đều tổ chức hoạt động dâng hương, thả hoa đăng trên sông vào ngày rằm giữa tháng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Các cựu chiến binh đến từ nhiều miền của đất nước nhưng nhiều nhất vẫn là các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội.

Trong trận chiến 81 ngày đêm đánh, giữ thành cổ, dòng sông Thạch Hãn được ví như nghĩa trang mở vì trong quá trình đánh vào thành cổ cũng như rút ra khỏi thành cổ đã có nhiều chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông. Ước tính đã có khoảng 3 ngàn người thuộc bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân du kích đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn và nhiều người trong số họ chưa tìm thấy hài cốt.

Nhưng điểm thu hút đông khách về nguồn nhất vẫn là Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị nằm ngay trung tâm thị xã. Trời tháng 7 năm ấy mưa sụt sùi, trời trắng bệnh, nhìn ra ngoài sông bàng bạc mây nước một màu. Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị đón hết đoàn khách này đến đoàn khách khác đến viếng, khói hương nghi ngút nhòa trong trời mưa càng làm cho không khí về nguồn thêm đặc biệt. Từng lời nói của cô thuyết minh vì thế thêm da diết, xúc động. Tôi đã có dịp gặp, trò chuyện với các cô chú cựu chiến binh đến từ thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) là những người đã từng tham dự trận đánh Quảng Trị năm 1972. Mắt các cô các chú, ai nấy đều đỏ hoe khi nhớ về những ngày tháng oanh liệt ấy.

Trong ngày thứ hai lang thang bên bến sông, tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Quang Vinh, một Việt kiều Đức, vốn là sinh viên Hà Nội tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Anh bị thương (thương binh 2/4) và được rút về tuyến 2, đến năm 1974 giải ngũ, năm 1975 được đi học ở Nga trong khi đồng đội của anh, nhiều người đã vĩnh viễn yên nghỉ ở Quảng Trị này. Nhớ về đồng đội, anh vừa xuất bản cuốn hồi ký kể về những ngày tháng chiến đấu ở thành cổ, giành giật với địch từng tấc đất trong chiến hào chật hẹp. Anh đăm đăm nhìn ra mặt sông, đôi mắt đẫm lệ.

Khi đó, hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, địa phương tất bật cho công tác chuẩn bị khánh thành cây cầu bê tông bắc qua sông Thạch Hãn với tên gọi: Cầu Thành Cổ. Trước đó 10 năm, một công trình khác là tháp chuông thành cổ cũng đã khánh thành, đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu tâm linh của du khách hướng về anh linh các liệt sĩ.

Ký ức chiến tranh

Trong thời gian lưu lại thị xã, tôi đã tìm gặp được chú Nguyễn Thanh Bình (65 tuổi), một cựu chiến binh từng là lính trinh sát chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, được nghe chú kể về những trận đánh ác liệt ở ngã ba Long Hưng, ngã tư đường 1, nhà thờ Tri Bưu… khi địch tung 4 sư đoàn đánh chiếm lại Quảng Trị. Một ngày xung quanh thành cổ đánh vài chục trận, bên trên thì pháo địch bắn trung bình 10 ngàn quả/ ngày, cao điểm có lúc tới 35 ngàn quả/ngày và máy bay địch loại A37 thì liên tục bổ nhào có khi tới 120 lượt/ngày. Còn tại nhà thờ Tri Bưu, ta với địch đánh chiếm qua lại từng ngày, giành giật nhau từng tấc đất”. Lực lượng quân dù tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn đã bị ta đánh tê liệt và phải rút lui nhường chỗ cho lính thủy quân lục chiến thay thế, đồng thời thay đổi cách đánh và cộng với bất lợi về thời tiết mưa to, giao thông hào bị ngập khiến tình hình ngày càng bất lợi buộc ta phải rút về bên bờ Bắc sông Thạch Hãn vào đêm 15-9-1972…

Nhưng điểm đặc biệt mà tôi nhận ra trong mấy ngày ngắn ngủi ở Quảng Trị chính là các nghĩa trang. Không chỉ là nơi có 2 nghĩa trang quốc gia: Đường 9 và Trường Sơn với hàng chục ngàn ngôi mộ liệt sĩ mà ở các xã dọc quốc lộ 1, các nghĩa trang liệt sĩ cũng rất đông mộ chí, có khi bằng cả một nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện ở các tỉnh phía Nam.

Sự ác liệt lẫn sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh tôi cũng có thể cảm nhận rõ nhất ở Quảng Trị. Trong khi ở bến sông Thạch Hãn và nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị luôn tấp nập người đến viếng thì ở phía Tây quốc lộ 1, nghĩa trang liệt sĩ thị xã lại rất vắng vẻ. Có nhiều hàng mộ tập thể chưa biết tên được quy tập về đây trong suốt hàng chục năm sau ngày giải phóng. Trong quá trình tái thiết thị xã sau chiến tranh, khi làm đường, làm nhà, xây dựng công sở, người ta lại phát hiện thêm hài cốt bộ đội ta hy sinh tại Quảng Trị trong những năm chống Mỹ mà chủ yếu là trong xuân hè năm 1972-1973. Do nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị chật hẹp nên hầu hết được đưa về chôn cất ở đây. Toàn nghĩa trang có 601 mộ, trong đó có 6 mộ tập thể. Điều làm tôi chú ý chính là ở đây có đến 564 ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên (khuyết danh).

Trong những ngày lang thang ở thành cổ, cái duyên đã cho tôi được gặp gia đình anh Nguyễn Văn Bang, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Triệu Phong, nhà ở khu phố 1, phường 1, thị xã Quảng Trị. Duyên số đã khiến cho anh và chị đến với nhau khi cả hai đều thuộc gia đình có nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh với 7 liệt sĩ, 3 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, anh Bang có bố là cựu tù chính trị, hy sinh ở Phú Quốc. Ngôi nhà họ ở vốn là bệnh xá, là hầm phẫu thuật thương binh và vì nhiều lý do, khi rút lui bí mật sang bờ Bắc sông Thạch Hãn có nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại khi không đủ sức vượt sông. Trên diện tích đất chỉ khoảng 300m2 nhưng quanh nhà anh đã tìm được 23 hài cốt liệt sĩ. Vợ anh Bang kể rằng, cứ như có phép màu vì hễ nằm mơ thấy “các chú, các anh báo mộng đòi về”, ngủ mơ gặp người nói “đưa anh ra với” thì y rằng sau đó đào lên là tìm được hài cốt. Chị chủ nhà quả quyết: “Dưới nền nhà chị, trong khuôn viên nhà chị vẫn còn hài cốt liệt sĩ”… Cách nhà anh Bang 500m là nhà bà Thu. Trong khuôn viên nhà bà cũng đã đào được 4 hài cốt liệt sĩ…

Y Văn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202407/thang-7-o-quang-tri-0df4dc1/