Tháng 7 rưng rưng…

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những ngày tháng 7 lịch sử, theo Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, chúng tôi về với mảnh đất miền Trung nắng gió, thành kính dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những ngày tháng 7 lịch sử, theo Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, chúng tôi về với mảnh đất miền Trung nắng gió, thành kính dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Mỗi người đều muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc!

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy thỉnh chuông tưởng niệm, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An) và Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); NTLS quốc gia Trường Sơn, NTLS quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị) không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là điểm đến hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”; là “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

NTLS quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh và NTLS quốc gia Đường 9, huyện Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị là nơi yên nghỉ của hơn 10 vạn liệt sĩ cả nước, trong đó có 578 liệt sĩ quê hương Nam Định. Trong tháp chuông nghĩa trang có Đại Hồng chung; trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: “Năm 2016, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Nam Định tại NTLS quốc gia Đường 9; khánh thành năm 2017. Công trình được xây dựng trên diện tích 96m2 với các hạng mục: Đài tưởng niệm, bia ghi danh các liệt sĩ. Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Nam Định được xây dựng với kiến trúc kiểu Tháp Phổ Minh, mang đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định. Tháp có 14 tầng, cao 8,54m được làm bằng đá khối điêu khắc. Bia ghi danh các liệt sĩ, bàn đặt lễ, lư hương cũng được làm bằng đá. Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Nam Định là một công trình văn hóa tâm linh mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với các liệt sĩ - những người con ưu tú của quê hương Nam Định đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập tự do của dân tộc, giáo dục các thế hệ sau về truyền thống yêu nước và sự hy sinh của cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc”.

Tranh cổ động của Nguyễn Trung Kiên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Quảng Trị là một trong những nơi khốc liệt nhất. Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) đã ghi dấu trong lịch sử như bản tráng ca hào hùng góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong cuộc chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hàng nghìn con em quê hương Nam Định đã tham gia chiến đấu thuộc 6 sư đoàn chủ lực, 6 trung đoàn độc lập và nhiều tiểu đoàn thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, góp phần to lớn vào chiến công chung. Hàng nghìn người con quê hương Nam Định đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch bảo vệ Thành Cổ. Trải qua tôi luyện tại “lò lửa” Quảng Trị năm 1972, nhiều người con Nam Định đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Quân đội. Tiêu biểu là Thượng tướng, Viện sĩ, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

Vinh dự nhiều lần được gặp và nghe Thượng tướng, Viện sĩ, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu kể về dặm đường chiến đấu. Trong ký ức của người “Anh hùng trận mạc” luôn in đậm những kỷ niệm cao đẹp về tình quân dân, nghĩa đồng bào ở mảnh đất một thời “túi bom, vựa đạn” quân thù trút xuống. Chính ở nơi đất thép “miền gió Lào cát trắng”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã chiến đấu và tham gia bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Mỗi tháng Bảy về, Chiến trường Quảng Trị những năm tháng khốc liệt với nhiều kỷ niệm bi tráng lại cháy rực trong ký ức của ông. Trong cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu viết: “Tôi nghĩ mãi phải bằng một cách nào đó có thể nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”. Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, có những trận đánh “thần tốc”, có trận đánh kéo dài vì phải đấu trí với kẻ thù… Trong những trận đánh đó, ba lần bị thương, nhưng chưa lần nào ông rời trận địa, vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Sau những trận đánh ở mặt trận này Trung đoàn 27 còn được mang tên Trung đoàn Triệu Hải và cá nhân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Nam Định có hàng triệu người tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước; hàng vạn người đã hy sinh anh dũng. Cứ đến những ngày tháng 7, khắp nơi trong tỉnh lại sôi nổi các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách giúp họ vơi bớt phần nào nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Đáp lại sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, các gia đình chính sách, người có công đã nêu cao truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình, đóng góp cho sự nghiệp phát triển quê hương./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/202207/thang-7-rung-rung-2551954/