Tháng 7 trên hành trình về Pò Hèn

Tháng 7 về, các cựu binh Biên phòng Quảng Ninh lại cùng về thăm Di tích lịch sử Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) 209 Pò Hèn anh hùng ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nơi này, trên đài liệt sĩ Pò Hèn còn khắc ghi: 'Tận trung với nước lấy sơn hà xã tắc là thiêng/ Tận hiếu với dân lấy độc lập tự do làm quý…'.

Cựu binh Lê Văn Thứ và cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh đi khảo sát để xác định vị trí đồng đội Nguyễn Văn Hiện hy sinh. Ảnh: Hải Ninh

Cựu binh Lê Văn Thứ và cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh đi khảo sát để xác định vị trí đồng đội Nguyễn Văn Hiện hy sinh. Ảnh: Hải Ninh

Nơi khí thiêng đã thành bất tử

Pò Hèn không chỉ là bản anh hùng ca, mà còn là bài thơ về tình yêu, tình đồng đội của các chiến sĩ Đồn CANDVT 209 Pò Hèn. Đó là tuổi thanh xuân, tình yêu đẹp của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn, quê ở xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh (nay là phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái) và liệt sĩ Bùi Văn Lượng, sinh năm 1953, chiến sĩ của Đồn CANDVT 209 Pò Hèn; hay tình yêu của liệt sĩ Vũ Trọng Hiên, sinh năm 1960 và cô công nhân lâm trường Nguyễn Thị Thê, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Cuộc chiến khốc liệt ấy đã cướp đi tuổi thanh xuân của gần hết quân số Đồn CANDVT 209 Pò Hèn, của công nhân Lâm trường Pò Hèn, nhưng cũng không thể hủy diệt hết mầm sống nơi biên cương này. Vẫn còn đó, Vũ Trọng Hùng, sinh ngày 28-9-1979, hiện ở phường Hoành Bồ, thành phố Hạ Long - con trai liệt sĩ Vũ Trọng Hiên. Ngày đồng chí Hiên hy sinh thì Hùng vẫn còn trong bụng mẹ. Nay Hùng và các con thường xuyên ra Pò Hèn thắp hương cho các ông, các bác, các cô, chú đã hy sinh cùng ngày với bố tại đài liệt sĩ Pò Hèn. Và mỗi lần như thế, anh đều gặp gỡ các cựu binh Biên phòng ở đây.

Những người chiến sĩ may mắn sống sót sau chiến tranh ấy, họ xúc động vô cùng khi nhìn thấy trên gương mặt Hùng nét gần gũi thân thương của hạ sĩ Vũ Trọng Hiên - người đã sát cánh cùng họ chiến đấu trên trận địa năm xưa. Với họ, liệt sĩ Hiên đã hy sinh, nhưng hình ảnh người đồng đội này còn mãi vẫn hiển hiện quanh đây qua ánh mắt, nụ cười, qua nghị lực sống và tình cảm, sự tri ân của con trai anh. Chính Vũ Trọng Hùng cũng coi các đồng đội của cha như ruột thịt, có chuyến đi nào tri ân các liệt sĩ, anh cũng xin được đi theo.

Ông Hoàng Như Lý, người lính của Đồn CANDVT 209 Pò Hèn còn sống sót trong cuộc chiến đấu đã kể với chúng tôi câu chuyện cảm động. Các anh đã tổ chức đám cưới cho 2 liệt sĩ, là đồng đội của mình, chính họ chứng kiến tình yêu đó, nhưng khi còn sống chưa kịp cưới nhau. Đó là một “đám cưới độc nhất vô nhị” vào ngày 6-8-2017, gia đình nhà trai đưa lễ và di ảnh chân dung liệt sĩ Bùi Văn Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. “Xin dâu” xong, nhà trai gửi lại nhà gái di ảnh của liệt sĩ Lượng và rước di ảnh chân dung của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận “cô dâu” Chiêm trở thành thành viên của gia đình.

Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội 2 liệt sĩ... trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên. Chỉ có điều khác biệt là hai họ đón dâu, rể bằng 2 tấm di ảnh chân dung của 2 liệt sĩ.

Vẫn còn đó một nỗi niềm trăn trở...

Hơn 5 năm trước, câu chuyện hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện, sinh năm 1958, tại xã Đức Chính (nay là phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), nhập ngũ tháng 11-1976, hy sinh ngày 17-2-1979, chưa xác định được phần mộ đang ở đâu.

Đau đáu nỗi niềm với đồng đội đã hy sinh, suốt 5 năm qua, các cựu binh Biên phòng tìm đến nghĩa trang Hà Tu ở thành phố Hạ Long, nghĩa trang Hải Hòa, Hải Yên ở thành phố Móng Cái để tìm kiếm, xác định phần mộ liệt sĩ Hiện. Trước đó, các cựu binh từng đưa hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh tại đồn, tại các chốt về khu Mả Phềnh dưới chân núi Mã Đầu Sơn an táng. Rồi cũng chính họ sau này làm các thủ tục di chuyển hài cốt các liệt sĩ từ nghĩa trang Mả Phềnh xuống Vày Kháy, gần trụ sở UBND thị trấn Hải Sơn, huyện Hải Ninh ngày đó (nay là thành phố Móng Cái) để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn.

Vào năm 1996, khi tiến hành quy hoạch xây dựng hồ thủy lợi Tràng Vinh, họ đã phải di chuyển các phần mộ liệt sĩ tại đây. Lúc đó, các liệt sĩ có quê từ Cẩm Phả trở về miền Tây của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương khác được di chuyển về nghĩa trang Hà Tu, thành phố Hạ Long. Còn các liệt sĩ có quê từ huyện Tiên Yên trở về khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh thì quy tập về nghĩa trang Hải Hòa, thành phố Móng Cái.

Cựu binh Lê Văn Thứ, ở đảo Vĩnh Thực, hiện sinh sống tại phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái là một trong số rất ít chiến sĩ còn sống sót trong trận chiến ác liệt trên đỉnh Pò Hèn. Anh kể, ngày ấy, lực lượng của trạm kiểm soát ban ngày ở cửa khẩu, đến tối thì rút vào chốt. Trận chiến hôm 17-2-1979, địch đã dùng hỏa lực mạnh, lực lượng đông tấn công khu vực chốt. Anh Thứ xác định anh Hiện đã anh dũng hy sinh tại trận địa của chốt.

Bà Nguyễn Lan Viên, giáo viên, bà Nguyễn Thị Trường, cán bộ tín dụng ngân hàng ở Pò Hèn từ trước tháng 2-1979, hiện sinh sống ở thành phố Móng Cái là những người đã có thời gian dài gắn bó mật thiết với cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT 209 Pò Hèn trong quan hệ công tác cũng thường xuyên lên Pò Hèn thắp hương cho các anh hùng, liệt sĩ. Cả bà Viên, bà Trường kể vẫn nhớ rõ dáng vóc của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện. Các bà tình nguyện tham gia cùng những cựu binh Biên phòng tìm kiếm, quyết tâm xác định phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện dẫu không còn nguyên vẹn để đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê hương cho gia đình thuận tiện hương khói...

Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn cũ có ghi dòng chữ: “Anh hùng tuy khuất mảnh gương sử sách vẫn còn nguyên/Dân tộc dõi truyền bia miệng công ơn khôn xiết kể” và: “Truyền thống muôn đời tạc tâm can/ Công đức nghìn năm ghi bia đá”. Tên liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện ghi ở dòng 22 trên tấm bia, còn tấm bia trong nhà lưu niệm thì ghi ở dòng thứ 42, nhưng phần mộ liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy.

Hải Ninh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thang-7-tren-hanh-trinh-ve-po-hen-post431179.html