Tháng 7 tri ân - bài 2: Chuyện những người chăm sóc mộ phần
Không phải ngẫu nhiên, hầu hết những người quản trang, cán bộ ban quản lý nghĩa trang lớn là cựu chiến binh. Nhiều người là đồng đội, bạn bè thân thiết của liệt sỹ...
Chăm sóc phần mộ của bạn thân
Trong chuyến hành hương cùng Tập đoàn TNG (đã nêu ở bài trước), tôi được gặp bác Đinh Tân Tiến, quản trang ở Nghĩa trang Tân Ấp (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Đây là nơi yên nghỉ của 324 liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bác Tiến năm nay 74 tuổi, người gầy, nhỏ như những cựu TNXP chúng tôi thường gặp, nhưng bù lại, bác vẫn khỏe, đi lại thoăn thoắt, giọng nói nhanh và trong.
Chuyện trò một lúc về công việc dọn dẹp, chăm sóc mộ phần cho các liệt sỹ hàng ngày, bác Tiến mới cho biết bác từng là TNXP ở ngay Quảng Bình trong chiến tranh và rất nhiều người trong nghĩa trang này là đồng đội, trong đó có cô Hà Thị Khánh, cô Lê Thị Lợi là bạn thân, cùng quê với bác ở huyện Tuyên Hóa này.
Bác Tiến kể, cái chết xảy đến với cô Khánh, cô Lợi vào một buổi sáng của năm 1968. Lúc đó, bác Tiến, cô Khánh, cô Lợi mới 19, 20 tuổi, được điều động vào đại đội bảo vệ đoạn đường phía Bắc đèo Đá Đẽo. Đây là trọng điểm bắn phá ác liệt nhất của không quân Mỹ giai đoạn 1965 - 1972, nằm giáp ranh giữa huyện Minh Hóa và Bố Trạch ngày nay, cách nghĩa trang Tân Ấp hơn 70 km.
Hôm đó, cô Khánh, cô Lợi và bác Tiến cùng làm cạnh một con suối nhỏ cắt ngang qua đường
ô tô đi vào chiến trường miền Nam. Hai cô ở bờ phía Bắc con suối để cào đất, lấp hố bom. Còn bác Tiến ở bờ Nam để làm lại mố cầu. Bất thình lình, hai chiếc máy bay nhào tới thả bom. Chiếc thứ nhất cắt hai quả đúng vị trí hai cô. Chiếc thứ 2 bồi thêm 2 quả nữa, xới tung đất đá xung quanh, vùi lấp thi thể hai cô. “Cả đại đội hò nhau đào, xẻ rãnh để tìm, cứu hai cô cả đêm nhưng không tài nào thấy được. Sáng hôm sau, đơn vị phải gọi máy ủi đến mới thấy cả hai cô nằm sâu dưới một cái rãnh” - bác Tiến rưng rưng.
Về phần mình, bác Tiến kể, lúc hai chiếc máy bay trờ tới, chúng phải lượn 2 vòng mới cắm đầu xuống cắt bom. Nhưng khi phát hiện chúng lượn như vậy, người phía dưới đất rất khó chạy thoát. Nếu có chạy cũng rất dễ bị mảnh bom gây sát thương. Cách duy nhất lúc đó là tìm một hố sâu nào đó mà nhảy xuống. “Tôi chỉ cách chỗ cô Lợi, cô Khánh bị ném bom chừng 20 m nhưng chỗ tôi đứng là cạnh khe suối cạn nên tôi nhảy xuống đó và thoát chết”, bác Tiến nói.
Về đồng đội đã mất, bác Tiến nói, thời đó bác rất thân và quý cô Khánh vì cô là người cùng huyện, chịu khó và vui tính. Cô Khánh còn nhanh nhẹn, gan dạ khi đảm nhận luôn nhiệm vụ y tá của đơn vị. Như toàn bộ anh em trong đơn vị, cô Khánh, cô Lợi mất khi mới 18, 19 tuổi, chưa lập gia đình...
Một năm sau khi cô Khánh và cô Lợi mất, bác Tiến được chuyển ra Bắc học Đại học Hàng hải. Nhưng sau đó, anh trai bác Tiến lại hi sinh; nhà neo người, bác xin về ở quê. Khi chính quyền xã tìm người trông coi nghĩa trang Tân Ấp, bác xung phong nhận làm để được gần gũi, chăm sóc đồng đội. Kể đến đó, bác Tiến dẫn tôi vào trước mộ cô Khánh. Kỳ lạ thay, trên mộ ghi cô hi sinh ngày 15/7, đúng ngày mà chúng tôi đang đứng trước mộ cô.
Giữ “nhà” cho đồng đội
Cũng như người còn sống, mỗi một con người nằm xuống trong những ngôi mộ ở Trường Sơn có số phận, thăng trầm khác nhau. Trong chuyến hành hương, chúng tôi gặp rất nhiều ngôi mộ “Chưa xác định được thông tin”. Lại có những mộ đã xác định được thông tin nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ như ba trường hợp ở nghĩa trang TNXP Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Lại có rất nhiều trường hợp, hài cốt liệt sỹ đã hồi hương nhưng mộ phần vẫn giữ nguyên.
Ở Nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong Thọ Lộc (ở xã Vạn Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình) có người quản trang tóc đã bạc như cước. Ông là Lê Văn Cư, từng lái xe cho Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) trong chiến tranh. Vợ ông cũng là cựu thanh niên xung phong. Năm 1990, xã vận động ông ra quản lý nghĩa trang Thọ Lộc để thường xuyên hương khói cho các liệt sỹ khắp Bắc, Nam được quy tập về đây. Thương đồng đội của vợ, cũng là đồng đội của mình, trong đó có thể có những người ông từng gặp trên những cung đường vận chuyển đạn dược nên ông nhận lời ngay. Thoắt đã 33 năm ông cai quản nghĩa trang này.
Dẫn chúng tôi đi qua hết 561 mộ liệt sỹ, ông chỉ hết cho chúng tôi 30 ngôi mộ “Chưa xác định được thông tin”. Với các ngôi mộ còn lại, ông cho chúng tôi những “chỉ dấu” riêng mà nếu không nói ra, sẽ không ai có thể hình dung, phán đoán ra được. Theo đó, ngôi nào được ông gắn thêm một lọ hoa nhỏ phía đuôi ngôi mộ (ngoài lọ hoa cắm hoa nhựa có sẵn trên mộ) là những ngôi thường xuyên có người nhà đến hương khói, cắm hoa tươi. Những ngôi không có lọ cắm hoa tươi, hoặc là người nhà neo đơn, xa ngái hoặc đó là những ngôi mộ đã hồi hương - tức là gia đình đã đưa hài cốt liệt sỹ về quê.
Ở những nghĩa trang lớn như Nghĩa trang Đường 9 hay Nghĩa trang Trường Sơn, bộ phận quản lý đông và được chuyên môn hóa cao hơn. Về thăm, dâng hương tại hai nghĩa trang này, chúng tôi càng thấy rõ tính chất “công viên nghĩa trang” hiện hữu rõ hơn. Cơ sở vật chất được xây dựng, sắp đặt ngày càng ngăn nắp, thường xuyên được tu bổ. Quy trình thăm viếng ngày càng nghiêm trang, chu đáo đến từng chi tiết nhỏ.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, chúng tôi ấn tượng với giọng dẫn chương trình hành lễ vang, uy nghiêm của anh Trần Văn Nhân, Phó Trưởng phòng quản lý nghĩa trang. Anh Nhân tốt nghiệp ngành báo chí, có “biệt tài” dẫn một đoạn dài hàng phút với nhiều số liệu mà không cần nhìn vào giấy.
Ông Nguyễn Văn Quản, Phó Trưởng Ban quản lý nghĩa trang và đón tiếp thân nhân Quảng Trị, trực tiếp quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 sinh năm 1964 từng kinh qua môi trường quân đội. Từ khi về Nghĩa trang Đường 9 này làm nhiệm vụ cách nay 30 năm, ông đã dành nhiều tâm huyết để giữ gìn các các phần mộ luôn sạch sẽ, chữ viết trên mộ rõ ràng. Ông còn tổ chức nhân giống tại chỗ để trồng cây trong nghĩa trang. Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Nguyễn Văn Quản vinh dự là 1 trong 50 cá nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.
Nói về những chuyện làm ông nhớ nhất trong sự nghiệp làm quản trang của mình chính là những đợt người nhà tìm được một liệt sỹ. Vài ba năm ông lại chứng kiến đoàn vài chục người khóc nức nở khi tìm được mộ người thân.
Dần dà, số lượng liệt sỹ ở Nghĩa trang Đường 9 hồi hương tăng lên nhưng cũng như các nghĩa trang khác, phần mộ, ngôi nhà của các liệt sỹ vẫn được giữ nguyên để các liệt sỹ trở về với đồng đội. Nhưng, như ông Quản nói, nhiều gia đình vẫn muốn để liệt sỹ ở lại nghĩa trang, để họ “được ở giữa anh em, đồng đội”.