Tháng 7 về, chúng con lại nhớ Mẹ!
Không có nỗi đau nào có thể diễn tả hết được thành lời khi lần lượt 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 con rể của Mẹ Thứ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cuộc đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, Mẹ lập gia đình với ông Lê Tự Trị. Mẹ lần lượt sinh được 12 người con, gồm 1 con gái và 11 con trai.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ lần lượt động viên 9 người con trai ra chiến trường. Người con gái lớn cùng Mẹ bám trụ với xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng.
Ở hậu phương, từ chống thực dân Pháp qua đánh đế quốc Mỹ, trong khu vườn của Mẹ luôn có 5 căn hầm bí mật - nơi Mẹ và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội, du kích. Bao đêm dài, Mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà. Lúc không có địch, hai mẹ con mở hé cửa hầm cho người ở dưới dễ thở, hễ có động lại giả vờ ra dắt bò, cắt cỏ để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.
Chồng con liên tiếp vào chiến trường, mẹ Thứ ở nhà tần tảo nuôi con và cháu khôn lớn. Suốt 30 năm, mẹ cần mẫn cùng các con đào hầm trong vườn để nuôi giấu chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật ngay trong lòng địch. Bao đêm dài mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà.
Không có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 con rể của Mẹ Thứ tiếp chân nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc.
Nấm mồ này cỏ chưa kịp xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ khác. Mỗi lần nghe tin một người con hi sinh, nỗi đau đớn khôn nguôi nhưng mẹ cũng chỉ dám cắn răng khóc thầm. Rồi những lần nhận giấy báo tử các anh con trai liên tiếp gửi về từ chiến trường, mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng. Đau thương không làm Mẹ gục ngã, Mẹ tiếp tục động viên những người con khác khác lên đường.
Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát tới tấp dội đến gia đình Mẹ với “chín đứa con ra đi không một đứa trở về”.
Ngày 17/12/1994, mẹ Thứ đã được Chủ tịch nước và Quốc hội trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bức tượng của mẹ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ngày 10/12/2010, người Mẹ Anh hùng ấy đã qua đời trong sự tiếc thương vô vàn của người thân và sự cảm kích của bao thế hệ. Mẹ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, Quảng Nam.
Trân trọng với những gì các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ. Công trình đã được khởi công vào ngày 27/7/2009. Tháng 3/2015, Tượng đài Mẹ Thứ đã được khánh thành tại tại Núi Cấm thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Cũng từ tháng 12/2011, tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn có con đường mang tên Mẹ Thứ.
Những đau thương, mất mát của mẹ cùng với sự hy sinh của 9 người con trai đã góp phần làm nên Tự do - Độc lập của nước Việt Nam ngày hôm nay.
Ba chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cũng là chính là tâm nguyện suốt đời Mẹ Thứ, cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác luôn khuyên răn, dặn dò cháu, con đời sau: luôn trân trọng, sống xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha ông; có trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình mà bất kỳ lúc nào Tổ Quốc cần cũng sẵn sàng dấn thân. Bởi đó là trách nhiệm, là vinh dự và cũng là niềm tự hào của thế hệ chúng ta viết tiếp những trang sử vẻ vang của một dân tộc Anh hùng.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thang-7-ve-chung-con-lai-nho-me-94369.html