Tháng ba hoa bưởi
Tháng ba hoa bưởi nở song hành cùng với hoa nhãn. Mỗi loài hoa này tuy 'nở cùng năm tháng' nhưng lại khác nhau nhiều lắm, một đằng màu trắng, một đằng màu vàng, một đằng hoa như đốt ngón tay, một đằng nhỏ li ti.
Công bằng mà nói hoa bưởi và hoa nhãn tuy màu sắc, kích thước khác nhau, công dụng khác nhau nhưng cùng chung một phạm trù: làm đẹp cho đời, cho những vùng quê.
Ở nông thôn hầu như vườn nhà nào cũng trồng một vài cây bưởi, toàn là giống bưởi ngon có tiếng như bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Diễn (Nghệ An). Cả hai giống bưởi này đều to, thơm ngọt. Dù là giống bưởi nào thì cũng không gây ấn tượng bằng hoa của nó.
Hoa bưởi đều bắt đầu nở vào cuối tháng giêng âm lịch cho tới trung tuần tháng ba. Giữa bao nhiêu lộc non của các loài cây thả sức khoe màu xanh nõn nà, non tơ. Sau một mùa đông giá lạnh, vào thời khắc ấy khi cái nắng ấm giêng hai trở về.
Một buổi sáng tôi ra vườn nhà vào lúc sương vừa tan, mặt trời rọi những tia nắng long lanh, tôi nhìn lên cây bưởi đã lác đác xuất hiện những chùm hoa. Tôi dướn cao người, giơ tay vít một cành bưởi quan sát, mới thấy khi còn là nụ nó như một chấm xanh. Một tuần sau ra vườn thấy nụ ấy đã nở thành những cánh hoa.
Một hai ngày sau, những cánh hoa đó lại uốn cong vào như muốn ôm trọn lấy đài hoa. Bên trong đài hoa một "cây nấm" con con như đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh bé xíu được bao bọc xung quanh là nhị vàng - ít ngày sau sẽ lớn dần theo thời gian, quả bưởi chín như trăng vàng lơ lửng trên cây để chờ đón trăng rằm Trung thu và vui cùng với trẻ thơ.
Tháng ba về, mùi hương hoa bưởi thơm đến nồng nàn lan tỏa như nhắc nhở, như xui khiến nhà nhà làm bánh trôi. Bánh trôi dù bột nếp có ngon, nhân đường có ngọt, vê viên có tròn mịn đến mấy nếu thiếu hương bưởi thì cũng vô vị.
Vì vậy, trước khi làm bánh trôi: bột gạo nếp cái được phơi khô đem ướp hoa bưởi rồi được ủ trong giấy báo độ dăm ba ngày. Khi bột đã thấm đượm hương bưởi mới đem làm bánh. Bột được cho vào nước lạnh nhào nặn cho đến khi vừa đủ độ dẻo thì vê thành những viên bi to tròn. Bên trong "viên bi" là một "hạt" nhân bằng đường sau đó thả vào nồi nước sôi. Chúng "lặn" một hơi dài cho đến khi chín thì nổi lên trên mặt nước nên được gọi là bánh trôi. Chính vì thế trong dân gian mới có câu đố:
"Sông tròn vành vạnh nước đục lờ
Thằng lặn, thằng ngụp, thằng thò đầu lên"
Vì có mùi thơm đặc trưng rất riêng nên hoa bưởi ngoài ướp bột làm bánh, còn được ướp với bột sắn. Trong những ngày hè nóng nực chỉ cần uống một ngụm bột với hương hoa bưởi quyện vào khiến ta cảm giác thoải mái, mát mẻ như đang đứng dưới một gốc cây nào ở quê hương vậy. Phải chăng hương hoa bưởi có sự quyến rũ đến kỳ lạ nên từ xa xưa nó đã được ưa chuộng? Vì thế người ta muốn tận hưởng hết cái hương vị đậm đà của hoa. Điều đó chắc chắn nên nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi..."
Như chúng ta đã biết, người ta thường ướp hoa bưởi với bột làm bánh trôi để "ăn" hương bưởi và ướp hương bưởi với bột sắn để "uống" hương bưởi, muốn tận hưởng hết hương của hoa bưởi và cái mát của bột sắn nữa kia.
Thế cũng chưa đã, người ta còn "giấu" hương bưởi vào chiếc khăn tay để làm quà tặng người thân. Trong thơ bài "Hương Thầm" - Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã bày tỏ:
"...Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay..."
"...Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối..."
Tiễn người yêu lên đường nhập ngũ vào đầu xuân, cô gái ấy không chọn một thứ quà gì khác mà chỉ chọn một chùm hoa bưởi giản dị đặt trong chiếc khăn tay! Thì ra hoa bưởi còn là một thứ quà cho tình yêu đôi lứa! Ôi! Hoa bưởi trong trắng, hoa của tình yêu đầu đời tinh khôi, thủy chung quện với hương bưởi. Mùi hương đã theo anh tân binh trên con đường hành quân xa! Thơ mộng lắm, đẹp lắm, nồng nàn lắm hoa bưởi, hương bưởi ơi!
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thang-ba-hoa-buoi-633531/