Tháng Bảy về… lắng đọng những tri ân
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời với niềm hân hoan của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền. Vậy nhưng, thực dân Pháp vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ dã tâm xâm lược đối với đất nước ta. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam 'thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ'.
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, liệt sĩ. Đến tháng 6-1947, trong cuộc họp diễn ra tại Bắc Thái bàn về công tác thương binh, liệt sĩ, các đại biểu dự đã cùng nhau thống nhất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7-1955, Đảng, Nhà nước đã quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ.
Bác Hồ từng viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, tự do và luôn khát vọng độc lập. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hiến dâng mình để bảo vệ bờ cõi ông cha đã dày công gây dựng, vun đắp. Bởi đã là người Việt, có ai không “nằm lòng” câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Để có được độc lập, tự do là biết bao những máu xương của lớp lớp cha ông. Theo thống kê, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ.
Chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa, đã có hơn 55.000 liệt sĩ; trên 43.000 thương binh và gần 16.000 bệnh binh.
Để làm nên “nốt thăng” hào hùng của dân tộc Việt Nam là những máu xương, mất mát, hy sinh. Có người nói, muốn biết sự khốc liệt của chiến tranh, hãy nhìn vào đôi mắt bà mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha… hay những người vợ, người mẹ vẫn âm thầm chăm sóc con mình, chồng mình với cơ thể không còn lành lặn bởi một phần xương máu đã ở lại chiến trường.
Tôi nhớ đến bác mình. Ngày ấy, niềm vui của cô dâu về nhà chồng chưa được bao lâu thì bác tiễn người bạn đời yêu thương vào chiến trận với những hy vọng, ước hẹn ngày trở về. Vậy nhưng, khi người vợ ấy vẫn đang bụng mang dạ chửa thì nhận được tin báo chồng mình hy sinh. Nén nỗi đau mất chồng, bác tôi sinh con và nuôi dạy con trai nên người. Đất nước hòa bình, bác tôi không quản ngại những chuyến vào vùng đất phương Nam “thăm” chồng. Hơn 10 năm trước, khi hài cốt bác trai được đưa về an nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, bác tôi nói, cuối cùng ước nguyện lớn nhất của bác cũng đã được thực hiện.
Bố tôi, là bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ông trở về quê nhà với mảnh đạn pháo vẫn còn “găm” nơi cánh tay. Ngày nhỏ, hơn một lần sờ vào vết sẹo sần sùi của bố, tôi cứ hỏi: “Bố có đau không?”. Vậy nhưng, lần nào cũng vậy, ông luôn nói: “Bố quen rồi!”.
Chiến tranh đã lùi xa. Vậy nhưng, có những nỗi đau thì vẫn âm thầm âm ỉ khôn nguôi. Đó không chỉ là những nỗi đau cơ thể. Mà còn là sự mòn mỏi ngóng trông, chờ đợi của những gia đình liệt sĩ chỉ mong tìm được hài cốt người thân…
Trong không khí những ngày tháng bảy ân tình, trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, đến những làng quê, nơi phố thị, là những đoàn người nối dài đi dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì non sông, đất nước; những thăm hỏi đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ… Xin được gửi đến những Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã hiến dâng mình cho Tổ quốc lời tri ân sâu sắc.