Tháng 'củ mật', 6 người mất 20,6 tỷ đồng vì cài ứng dụng giả
6 người dân ở Hà Nội bị chiếm đoạt 20,6 tỷ đồng, trong đó người bị mất nhiều nhất là 15,3 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng dịch vụ công giả mạo. Công an liên tục cảnh báo người dân tích cực bảo vệ thông tin cá nhân và an ninh mạng trong tháng 'củ mật'.
6 người dân ở Hà Nội bị lừa đảo 20,6 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng giả
Công an Thành phố Hà Nội cho biết, tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ; người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng.
Theo đó, những trường hợp bị lừa đảo đều bị tội phạm sử dụng công nghệ cao để giả mạo các lực lượng chức năng, lừa đảo chiếm quyền sử dụng điện thoại, máy tính và các ứng dụng online để thực hiện chuyển tiền, thanh toán.
Cụ thể, đối tượng tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng cổng dịch vụ công. Sau đó, chúng giả danh là cán bộ công an phường/công an quận thông báo về cho người bị hại về việc giúp hướng dẫn đồng bộ/cập nhật dữ liệu về căn cước công dân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... và yêu cầu các đối tượng phải thực hiện ngay. Vì lo ngại do cơ quan công an yêu cầu gấp nên nhiều người đã phải thực hiện thao tác nhanh trên các ứng dụng, phần mềm do kẻ gian tạo ra.
Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công. Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Khi đã chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Tinh vi hơn, chúng thường nhằm vào những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Bảo vệ thông tin cá nhân và an ninh mạng: Những biện pháp cần lưu ý
Để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trước các mối đe dọa trực tuyến, việc nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp an ninh cơ bản là hết sức quan trọng. Trước hết, chúng ta cần cảnh báo với bản thân về các cuộc gọi và tin nhắn lạ, tránh trả lời từ số điện thoại không rõ nguồn gốc và không mở tin nhắn từ nguồn không xác định, đặc biệt là không bấm vào các đường link bên trong.
Không cung cấp thông tin cá nhân là một nguyên tắc cơ bản, không chia sẻ thông tin quan trọng như tài khoản ngân hàng hay mã xác nhận qua điện thoại một cách dễ dàng. Luôn kiểm tra và xác minh danh tính của người gọi trước khi chia sẻ thông tin quan trọng, đồng thời liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để xác minh thông tin nếu có bất kỳ nghi ngờ nào.
Đối với yêu cầu cài đặt phần mềm, quyết định chỉ tải từ các nguồn đáng tin cậy như Google Play Store hoặc Apple App Store sẽ giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, đọc kỹ thông tin ứng dụng và xác minh nguồn gốc nhà phát triển cũng là bước quan trọng.
Sử dụng các phương thức bảo mật mạnh mẽ như nhận diện khuôn mặt, vân tay để truy cập ứng dụng quan trọng là cách khác để bảo vệ thông tin cá nhân. Tránh lưu trữ thông tin tài khoản ngân hàng trên các ứng dụng di động giúp ngăn chặn tình trạng mất mát thông tin quan trọng. Tất cả những biện pháp trên đều là cách hiệu quả để duy trì an ninh cá nhân trong thế giới số ngày nay.