Thằng đánh giày

Màn đêm tẩu thoát, nhường chỗ cho ánh bình minh. Bao giờ cũng vậy, sau khi bỏ bụng nửa ổ bánh mì là nó đi làm.

Nó là một đứa không cha không mẹ. Người ta không biết nó đến khu Việt kiều từ khi nào và họ cũng không cần biết đến tên nó. Họ chỉ gọi nó là thằng đánh giày, đơn giản như vậy. Những khi cần tới nó thì người ta hô: “Ê, thằng đánh giày” là nó lăng xăng chạy tới.

Nó kiếm sống bằng công việc đánh giày cho thiên hạ nên chỉ biết có tiền, vì không có tiền nó sẽ đói. Mục tiêu sống rất thực tế vì thế nó không bao giờ dám gây sự với ai. Kể cả con chó của lão Chưởng. Ông là người khách hào phóng nhất mà nó tìm thấy ở khu Việt kiều. Nó đánh giày cho lão hai lần một ngày. Lúc 7 giờ sáng, lão dẫn chó đi dạo trong công viên trước khi đi cà phê với mấy ông bạn vong niên và trước 18 giờ mỗi tối.

Tia nắng sớm chầm chậm xoáy vào những sợi lông măng trên mặt thằng bé khi mồ hôi bốc hơi. Hôm nay trời đẹp. Hy vọng sẽ có nhiều người cần đến nó. Bây giờ chỉ mới đầu tháng, nó sẽ làm lụng chăm chỉ để có dư chút đỉnh. Thằng đánh giày vừa mở hộp đồ nghề thì một con mèo phóng ra. Nó làm lão Chưởng giật bắn: “Oái… con gì vậy?”. Rồi con chó nằm dưới chân lão lồng lên dữ dội. Thấy lão ấn tay vào ngực, nó sợ mất vía liền nói ngay:

- A, con mèo ông ạ! Bữa trước cháu đi làm về thấy nó bơ vơ ngoài bãi rác nên đem về nuôi.

Lão bóp mõm con chó để nghe thằng đánh giày nói nhưng tiếng ồn giao thông làm lão chau mày:

- Mấy thằng quỷ sứ chạy đi đâu mà bóp kèn điếc đầu điếc óc - Rồi lão quan sát lớp xi đen sì mà nó bôi lên da giày - Trời đất ơi! Thân mày lo không xong còn đèo bòng nó chi?

Nó cười xòa:

- Cháu thấy nó tội quá nên mang về nuôi. Nó ăn ít xịu à!

Lão lắc lư mái đầu hói rồi thở dài:

- Thiệt hết chỗ nói. À, chiều nay gặp mày ở đâu?

Nó ngẩng mặt lên, cười:

- Dạ, chắc chắn rồi. Con sẽ đợi ông ở trước nhà hàng Củ Mì trên đường tỉnh lộ 8 như mọi khi nhé!

Lão chưa kịp trả lời thì con chó lại sủa:

- Whisky, im. Không ba đập chết! - Lão xoa đầu con chó rồi ngó xuống chân - À, không cần kỹ thế đâu…

Không chỉ riêng lão Chưởng mà với bất kỳ giày của ai, dơ hay sạch nó cũng đánh kỹ lưỡng. Có khi lão quát: “Mày đánh cẩu thả một chút có được không?”. Ðể chiều đến thằng đánh giày có việc để làm. Kiểu như tạo công ăn việc làm cho những người may mắn gặp được lão. Và, cái yêu cầu lạ đời này nó chỉ thực hiện riêng với lão. Xong xuôi lão đứng dậy, giậm chân, ưỡn ngực một lúc rồi dẫn con Whisky đi. Trước khi đi lão còn chúc nó “đắt khách nhé”. Mà đúng thật vậy, còn khối người chờ nó. Ðến khi ngước mặt lên thì trời đã chạng vạng tối. Nửa ổ bánh mì nó dở theo ăn trưa đã dẻo quẹo.

Như đã hẹn, nó ngồi bó gối đợi lão trước nhà hàng Củ Mì. Chả biết làm gì nó lấy cái mặt dây chuyền in hình hồi còn nhỏ ra xem. Nó thường làm thế, ngắm nghía cái mặt dây đã theo mình 16 năm nay. Nó luôn nghĩ đó là tặng vật của đấng sinh thành. Thằng đánh giày xoay trở cái mặt dây đủ kiểu trong lòng bàn tay nổi chai, nhưng hình như chẳng tìm ra sự mới mẻ nào. Ðã thèm nó mới cất vào túi, tiếp tục chờ đợi.

Quần quật cả ngày không mệt, nó ủ rũ khi không ai đánh động tới mình. Có lúc nó thấy đời mình đen như xi đánh giày. Nhưng nó tự nhủ cuộc đời này không có đường cùng, vì ông trời đã run rủi cho nó gặp lão Chưởng. Biết nghĩ như vậy nên nó tự khích lệ: “Mạnh mẽ lên nào anh bạn”. Như mọi ngày, nó ngồi bệt trên đôi dép tổ ong ố màu vàng xuộm như một cái bánh nướng quá lửa chờ lão. Chờ đợi người đàn ông hào phóng dắt con chó Whisky đi dạo trong công viên.

Con Whisky dữ dằn lắm. Nó sủa ầm lên khi thấy thằng đánh giày. Nó sợ ông chủ mở hầu bao đãi thằng đánh giày một đĩa mì xào trứng. Nếu con Whisky không tận dụng hết khả năng thì bà chủ đỏng đảnh hay hờn giận sẽ không tắm gội săn sóc nó mà thay vào đó là khẩu phần ăn bị cắn xén ít nhiều. Ðặc biệt đối với phụ nữ, con Whisky còn hung hơn nữa. Khổ nỗi mỗi khi gặp lão, thằng đánh giày đều mừng ra mặt. Nó vui lây khi có người khen đôi giày của lão đẹp: “Bàn tay nào đánh khéo thế, giới thiệu cho tôi với?”.

Nhưng sao hôm nay nó đợi mãi không thấy lão xuất hiện, chẳng phải hồi sáng lão đã hẹn nó 18 giờ chiều nay sao. Nó sốt ruột, ôm cái hộp đựng đồ nghề to sụ vào lòng. “Không biết lão có xảy ra chuyện gì không?”. Rồi nó thò tay sờ cái bụng rỗng rênh của mình, thở dài: “Ðói quá! Giờ này chắc ông ấy không đến rồi!”. Ðợi không được, nó bươn bả bước vào nhà hàng Củ Mì gọi một đĩa mì xào như mọi khi.

Ở Củ Mì có một điểm đặc biệt là cửa ra vào có gắn cái chuông. Nó kêu leng keng khi ai đó đẩy cửa bước vào. Rồi người hầu bàn sẽ chạy đến gập người kính cẩn lặp đi lặp lại câu nói nhàm chán: “Xin chào quý khách”. Thường vào giờ này nó vào cùng lão Chưởng và mấy cụ ông nữa, gã hầu bàn móm xều sẽ niềm nở “mời vào bàn” nhưng hôm nay gã không thấy họ liền trở mặt.

Gã “hứ” cái rốp, cố ý cho nó nghe thấy. Thằng đánh giày thừa biết gã móm không hề thích mình nên nó cũng chẳng ưa gì gã. Gã hay nói, thích tranh luận. Ðó là điều không bao giờ phù hợp với tay phục vụ bàn. Nó gọi gã móm là “cái máng xối”. Ðiều đó làm nó tự tin hơn khi đối diện gã.

Nó không có quyền khiến những người ăn mặc sang trọng phải nể trọng mình và cũng không ngăn nổi những ánh mắt dè bỉu đang ném về phía nó. Thằng đánh giày không hiểu vì sao họ lại làm thế trong khi con người này chỉ muốn no bụng. No bụng rồi nó sẽ ngồi bệt xuống đất làm đẹp đôi giày dính đầy cát đất của họ. Nhưng nó đứng im như tượng đá, cứ như vừa nhìn vào mắt nữ thần tóc rắn.

- Tưởng ai hóa ra thằng ăn mày! - “Cái máng xối” hô to sau khi nghe chuông cửa vang lên. Giọng điệu sặc mùi khinh bỉ rồi còn phảng phất tiếc nuối khi gã nghĩ rằng, chỉ những người giàu có mới đặt chân vào nhà hàng Củ Mì, nơi gã đang phục vụ.

Mặc dù bụng đói ngấu nhưng nó vẫn lên giọng đáp trả:

- Tôi không ăn mày, tôi có công việc hẳn hoi.

“Cái máng xối” cười như hú. Tiếng cười thu hút sự chú ý của khách ngồi trong sảnh:

- Nghèo mà chảnh!

Mặt thằng đánh giày đỏ nhừ, suýt khóc. Nó lúng búng:

- Tôi không chảnh!

- Thế mày làm nghề gì? - Gã hỏi tới.

- Công việc của tôi là đánh giày. Ðánh giày đó, anh biết mà!

Không cần phải nói, quan khách đã biết nó làm nghề gì. Họ nhìn nó chăm chú như xem ảnh khỏa thân của một cô người mẫu lành nghề. Lúc này nó cảm thấy ai đó đương nhấc bổng mình lên không trung, chơi vơi không điểm tựa, không biết cầu cứu ai và không biết phải làm gì.

- Giờ mày cần gì? - “Cái máng xối” hất cằm. Trông gã hăm hở như một đô vật vừa được trọng tài gọi vào sới.

- Cho tôi một đĩa mì xào.

- Biết ngay mà. Ăn quen rồi. Bữa nay không có lão Chưởng tao xem mày lấy gì trả. - Gã vừa nói vừa cười, giọng chát như bần. Nó ngồi chỗ bàn nhỏ gần cửa sổ. Từ đấy trông ra cây si to xù, rễ cây nổi trên mặt đất chằng chịt như bàn tay của người phụ nữ năng việc đồng áng.

Hơn nửa tiếng chờ đợi, “Cái máng xối” mới mang tới cho nó một đĩa mì xào. Hôm nay không có trứng, không có rau như mọi ngày. “Mì xào chay” gã nói. Nhìn cặp mắt rân rấn nước của thằng đánh giày, gã tủm tỉm cười ruồi.

- Bình thường ăn mì trứng quen miệng rồi, bữa nay ăn mì xào chay nuốt không trôi hả mày? - Gã phát mạnh vào vai nó một cái đau điếng.

Thằng đánh giày không kêu ca mà lặng im như bị á khẩu. Nó thò tay lấy đôi đũa gắp ít mì bỏ vào cái dĩa nhỏ cho con mèo: “Ăn đi nào!”. Vừa ăn nó vừa ngẫm. Nó biết hết thảy mọi việc. Nó hiểu nguyên do gã móm đối xử với nó như vậy, bởi thế nên nó gọi gã là “Cái máng xối” cũng vừa. Sau khi đánh giày xong, ông Chưởng trả nó năm chục ngàn kèm theo một đĩa mì xào. Tính tiền xong, “Cái máng xối” sẽ được lão boa cho hai chục ngàn. Bữa nay “mất mối” nên gã gắt với nó. Ăn xong, thằng đánh giày nhét tiền dưới hộp đũa rồi đứng dậy mang hộp đồ nghề đi ngay.

Chưa kịp đi thì “Cái máng xối” xuất hiện. Gã luồn tay vào áo gãi lưng trước quầy lễ tân, nói như hét. Dường như gã đợi lâu lắm rồi:

- Mì xào chay mười ngàn một dĩa, bỏ mười ngàn lại đó rồi phắn cho nhanh. Không ghi nợ ghi niết gì hết!

Nó không đáp trả, chỉ chĩa tay vào hộp đựng đũa rồi đẩy cái cửa có gắn cái chuông đi ra. Gã móm chạy đến đếm tiền. Trong chốc lát, chính gã bị những lời cay nghiệt vừa rồi ray rứt. Mặt gã co rúm lại, nước mắt phứa ra trong hạnh phúc như bác sĩ vừa gấp ra cái răng khôn đã làm gã khổ sở cả tháng trời. Gã nhớn nhác nhìn về phía thân hình gầy đét đang chìm vào màn đêm u tối. Con người cao giá nói không ra hơi, cứ như có một viên kẹo chắn ngay yết hầu. Giọng gã mềm như lửa, chẳng thể réo nổi thằng đánh giày quay lại.

- Ơ… đây là…

Ba ngươi ngàn! Gã cầm ba mươi ngàn trong tay mà rớm nước mắt.

V.C.N

Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/thang-danh-giay-a114284.html