Thang Duy: Sự trở lại của nàng Femme Fatale châu Á
Đạo diễn Lý An từng kể lại rằng, khi chuẩn bị làm 'Sắc, giới', ông đã dành nguyên một tháng chỉ để đi phỏng vấn những ứng cử viên cho vai nữ chính Vương Giai Chi. Vô số những minh tinh nổi tiếng được đề cử cho ông, từ Chương Tử Di, Từ Hy Viên đến Lưu Diệc Phi. Ông hy vọng rồi thất vọng, không có ai phù hợp cả.
“Vương Giai Chi không tồn tại”, Lý An chán nản nghĩ, rồi một ngày Thang Duy đến một buổi thử vai, ngay lúc cô mở cửa bước vào, ông đã thấy trong cô gái trẻ vô danh này hình bóng của Vương Giai Chi mà ông tưởng tượng. Tuổi trẻ của cô, nỗi buồn hồn nhiên và cũng thật khó đoán của cô, tất cả đều ở đó. Lý An đưa cho Thang Duy kịch bản – nhưng đều là kịch bản giả, đến khi cô nhận trong tay kịch bản thật, chính cô cũng bị sốc.
Nhờ “Sắc, giới”, Thang Duy nổi tiếng sau một đêm song cũng trở trở về điểm xuất phát cũng sau một đêm. Vương Giai Chi quá đẹp, bộ xường xám bó sát của nàng, thân hình mảnh mai của nàng, đôi mắt phượng, đôi môi đỏ thẫm, cái nhìn u uất luôn che giấu một điều gì chính nàng dường như cũng không rõ - chiếc máy quay thực sự yêu Thang Duy, tấm áp phích với nửa thân người cô trong bộ xường xám xanh lá cây cùng nụ cười nửa miệng là một kinh điển về áp phích phim, và phải là vẻ đẹp ấy mới đủ khiến ta tin rằng ngay đến một tay mật thám cáo già, lọc lõi và đa nghi như Dịch (Lương Triều Vỹ thủ vai) cũng phải sa hố tình.
Cảnh Vương Giai Chi ngồi bên bàn mạt chược len lén đưa mắt nhìn Dịch lần đầu tiên đã khai sinh ra một femme fatale của điện ảnh Á Đông. Femme fatale là một dạng nhân vật trong điện ảnh Tây phương - một người đàn bà nguy hiểm chết người, vẻ đẹp của nàng là thuốc mê, sự quyến rũ của nàng là thuật thôi miên, tình yêu của nàng là dây thòng lọng, những người đàn ông say nàng và cũng sợ nàng, vì nàng là một bí ẩn khôn nguôi. Nguyên mẫu của femme fatale chẳng gì hơn là nữ thần tình dục và chiến tranh Innana trong huyền thoại của người Sumer, nàng Lilith người vợ đầu bất tuân của Adam trong Kinh Thánh, hay nữ hoàng Cleopatra. Nhưng cũng như những nàng femme fatale trong truyền thuyết ấy, vai diễn Vương Giai Chi của Thang Duy cũng gây phẫn nộ vì sắc dục, cụ thể với nàng là 30 phút làm tình trần trụi trên phim.
Những cảnh làm tình ấy có lý hay vô lý cũng được, cần thiết hay không cần thiết cũng được, nhưng có một sự thật là ngay cả khi Thang Duy lột bỏ hoàn toàn bộ đồ của mình để khỏa thân trước ống kính trong những tư thế tình dục phô bày nhất, cô vẫn chẳng mảy may để lộ một chút nào trong tâm hồn mình. Cô đang nghĩ gì? Cô đau đớn hay sung sướng, hay cả hai? Cô có thấy tiếc cho bản thân hay không, và cô có ghê tởm bản thân hay không? Cô có muốn giết Dịch ngay lúc đó không? Thang Duy không để lộ cho ta biết, cô vẫn mang ánh mắt lạnh lùng không sao dò thấu. Cô có thể cho cả thế giới nhìn cơ thể của mình nhưng trái tim cô là một địa đạo khép kín.
Có rất nhiều người đàn bà đẹp quyến rũ và nguy hiểm, nhưng chỉ những người đàn bà bất khả giải mã mới là một femme fatale. Nếu cần một so sánh, hãy so thử Thang Duy với Chương Tử Di, người cũng có những cảnh làm tình rất nồng nhiệt (dù không đến mức trần trụi) trong “Thập diện mai phục”. Nàng Tiểu Muội của Chương Tử Di cũng đẹp nao lòng người, cũng dối trá và cũng giăng bẫy một kẻ lãng khách khiến hắn si mê nàng, nhưng khi nàng làm tình với hắn, gương mặt nàng hiện rõ tất cả tâm tư yêu đương của nàng. Chương Tử Di không phải kiểu có thể che giấu được suy tư ngay cả khi cô làm mặt lạnh. Nhưng Thang Duy thì có thể.
Trong những năm sau này, Thang Duy đóng đủ loại phim, từ tình cảm tâm lý Hàn Quốc đến hành động Hong Kong, từ hành động Hollywood tới phim truyền hình Trung Quốc, nhưng không có một bộ phim nào thực sự nổi bật lên. Vai diễn có lẽ tới gần nhất với đẳng cấp của Vương Giai Chi hẳn là bộ phim nghệ thuật “Long days journey into the night” (Đêm tối cuối cùng ở địa cầu) của đạo diễn trẻ Bi Gan, khi cô lại vào vai người đàn bà bí hiểm, lần này là một tình yêu xa xưa ám ảnh nhân vật chính, dù anh còn chẳng biết tên cô, tuổi cô, gia đình cô, hay bất cứ ký ức nào về cô. Một lần nữa, trong chiếc váy xanh lá cây (dù không phải xường xám) và đôi môi đỏ thẫm, Thang Duy lại khiến người ta đặt câu hỏi, cô từ đâu tới, cô ở đây làm gì, phải chăng cô được sinh ra từ bóng tối. Đáng tiếc, bộ phim quyến rũ mơ màng với những thể nghiệm hoàn hảo này lại quá riêng tư, quá “nghệ”, quá cá nhân để có thể tiếp cận với khán giả đại chúng. Thang Duy có lẽ sẽ thành hoa-đán-một-vai duy nhất nếu như cô không được Park Chan-wook, một trong những đạo diễn đương đại xuất sắc nhất, mời vào vai người vợ góa kỳ bí trong “Decision to leave” (Quyết tâm chia tay) đang gây tiếng vang trên toàn thế giới.
Thanh tra Hae-jun (Park Hae-Il thủ vai) là một cảnh sát đầy chính nghĩa. Anh được giao cho vụ án liên quan tới cái chết của một người đàn ông rơi từ vách núi, nghi phạm duy nhất là người vợ trẻ Seo-rae người gốc Trung. Vấn đề duy nhất là Seo-rae quá đẹp.
“Decision to leave” không hẳn là một bộ phim giật gân khiến ta sốc óc như loạt phim báo thù nổi tiếng của Park Chan-wook, mặc dù mang vỏ trinh thám - phá án (và lớp vỏ này được xây dựng vô cùng lớp lang, kỳ công, khiến ta cũng phải đau đầu theo dõi), nhưng bóc hết những lớp vỏ đó ra, đến tận cùng đó là một bộ phim về tình yêu, gần gũi hơn với các tác phẩm khác của Park như “Thirst” (Cơn khát) – chuyện tình giữa một con ma cà rồng và người phụ nữ chán chường cuộc sống tẻ nhạt, hay “Im a Cyborg, but thats OK” (Khi người điên yêu) - chuyện tình lãng mạn giữa hai kẻ tâm thần.
Sự bí hiểm của nàng femme fatale Thang Duy lần này đã lên tới một tầm mức mới. Nàng không cần để lộ chút da thịt nào để trở nên quyến rũ – phần lớn thời gian, nàng mặc những bộ đồ kín như bưng, kín như tường thành, kín như vỏ hồ đào chắc chắn che giấu lớp nhân bên trong. Còn khi phải nói những điều sâu kín nhất, nàng sẽ nói tiếng Hoa, và cho dù có một ứng dụng chuyển ngữ sang tiếng Hàn, ta vẫn có cảm giác một phần ngữ nghĩa có lẽ đã bị rửa trôi trong ngôn ngữ khác, và ta – cũng như chàng thanh tra kia – không bao giờ có thể tới gần nàng. Hay có những cảnh rất nhỏ, chẳng hạn như khi Hae-il nấu ăn, và bỗng đâu, từ đằng sau màn hình, nàng Seo-rae của Thang Duy trồi lên như nảy nở từ hư vô, và đương nhiên không thể nào nắm bắt.
Liên tục cả chục lần trong phim, Hae-il nhỏ thuốc mắt, nhưng bao nhiêu thuốc mắt dường như cũng không đủ để anh nhìn xuyên qua được màn sương mờ quanh người anh yêu. Thang Duy cũng xuất hiện trần trụi dù không theo nghĩa đen như trong “Sắc, Giới”, nhưng gần nửa bộ phim, nàng là đối tượng theo dõi của viên thanh tra, nàng lọt vào ống nhòm trong những khoảnh khắc tưởng như riêng tư sầu muộn nhất – khi nàng đau khổ - nhưng một lần nữa, những khoảnh khắc ấy sau cùng cũng chẳng nói lên gì nhiều về bí mật của nàng. Nàng là một dấu hỏi lớn, là một biển cả bao la nuốt lấy những điều không ai hiểu, là cơn thủy triều cuốn đi mọi dấu tích.
Vào buổi công chiếu “Decision to leave” ở Việt Nam, trong một phân đoạn cao trào về xúc cảm khi Seo-rae dẫn Hae-il tới núi tuyết nơi chôn cất những người thân của mình, một lần đối mặt với anh sau bao xa cách, và Hae-il ra vách núi giúp nàng rải tro, một khán giả kém duyên ngồi đằng sau tôi chợt thốt lên rằng: “Kiểu gì cô này cũng đẩy anh này ngã!”. Tất nhiên là nàng không làm vậy, một femme fatale đích thực sẽ không bao giờ làm giống theo những kịch bản giật gân rẻ tiền mà những kẻ lãng nhách có thể nghĩ ra. Kể cả ta có cảm nhận được ngay từ đầu rằng nàng là hung thủ, nhưng sau rốt, đó lại chẳng phải thứ bí mật thật sự mà nàng cất giấu. Bí mật của một femme fatale không nằm trong những hành động hữu hình hay những sự kiện khả tri, mà nằm ở những động cơ mà ta không sao cắt nghĩa, có khi chính nàng cũng không thể cắt nghĩa. Như tình yêu.
Phần kết bên bờ biển khi thủy triều dâng của “Decision to leave” chắc chắn là một trong những cảnh phim vô vọng nhất, đau đớn nhất và tráng lệ nhất về tình yêu trong điện ảnh khoảng hai chục năm qua. Seo-rae đào chiếc hố cát, nằm vào đó và đợi thủy triều dâng. Trong giây phút ấy, nàng đã nghĩ gì? Nàng muốn dằn vặt người tình? Muốn trả thù anh? Muốn trả thù chính tình yêu của mình? Muốn trêu ngươi anh? Nàng có lẽ đang thầm cười đắc thắng trong lòng, vì ngay cả nếu phải chết thì nàng cũng đã thắng? Hay là không?
Trước nàng, tất cả những từ ngữ về xúc cảm trên đời – đau khổ, cay đắng, xót xa, nghiệt ngã – đều trở thành những từ ngữ chết. Chúng hoàn toàn vô nghĩa và bất lực, không thể mô tả được dù chỉ là mô tả một cách sai số những xúc cảm bao la như đại dương của nàng. Khoảnh khắc Hae-il đứng trên mô đất mà nàng đã bị vùi lấp bên dưới, họ đã gần nhau biết bao nhiêu, vậy mà anh không mảy may biết được nàng đang ở đó, anh mở cây đèn pin lên, chạy mải miết qua những mỏm đất nhấp nhô sắp chìm vào biển, hô gọi tên nàng trong sóng triều dữ dội. Nhưng một cây đèn pin leo lắt sao có thể soi tỏ được đại dương vô tận kia chứ?
Nàng femme fatale đã biến mất. Mọi hình tướng đã tan rã. Bản nhạc folk buồn thập niên 60 vang lên: “Người đó đã đi đâu? Mở mắt trong sương mù...”. Tất cả những gì về Seo-rae bỗng chốc trở nên không thật. Giây phút thật nhất của nàng trong phim có lẽ là khi nàng hòa nhịp thở cùng Hae-il giúp cho anh chìm vào giấc ngủ, tiếng thở nàng đều đặn, chứng minh rằng nàng đã từng tồn tại, nhưng nàng là “ai”? “Ai” đã tồn tại?