Thắng kiện 13,4 triệu, người lao động vẫn hoan hỷ
Dù số tiền không lớn nhưng là mồ hôi, công sức bỏ ra, người lao động vẫn quyết tâm theo kiện đến cùng khi người sử dụng lao động không trả đủ.
Ngày 12-11, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm vụ tranh chấp về tiền lương ngừng việc giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Lê Dũng (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) và bị đơn là Công ty cổ phần Hòa Việt.
Trước đó nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Công ty Hòa Việt trả 15,6 triệu đồng tiền chênh lệch tiền lương ngừng việc năm 2016, 2017 và tiền lãi do công ty trả chậm. Do tòa án cấp sơ thẩm (TAND TP Biên Hòa) tuyên xử ông Dũng thua kiện nên ông kháng cáo.
Cơ sở đòi trả tiền
Tại tòa, đại diện nguyên đơn cho rằng việc yêu cầu bị đơn trả tiền lương còn thiếu là có cơ sở, dựa trên quy định của luật lao động, quy chế dân chủ và doanh nghiệp, quyết định giải quyết khiếu nại…
Về cơ sở trả tiền lương, bị đơn khẳng định giữa hai bên có ký hợp đồng lao động, việc trả lương là theo quy chế tiền lương của công ty. Mức lương được trả theo lương tối thiểu vùng.
đại diện nguyên đơn phản đối vì cho rằng trong điều 3 của hợp đồng lao động có thể hiện lương tháng là 6.825.000 đồng, còn trả theo quy chế là những khoản bổ sung khác.
Lý giải, bị đơn nói mức lương cơ bản mà hai bên ký kết là 6.825.000 đồng, không có phụ cấp, các khoản bổ sung khác quy định tại điều 3 và được trả theo quy chế. Mức lương ngừng việc của nguyên đơn nằm trong các khoản bổ sung khác chứ không phải mức lương hằng tháng mà nguyên đơn nhận.
Ông Dũng khẳng định những khoản bổ sung khác là ma chay, hiếu hỉ, còn tiền lương thì đã ghi trong hợp đồng. Năm 2018, khi công ty nêu ý kiến trả lương theo quy chế tối thiểu vùng, ông đã không đồng ý và gửi đơn cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai.
Bị đơn cho rằng công ty đã căn cứ vào Nghị định 49/2013 hướng dẫn thi hành luật lao động xây dựng quy chế làm cơ sở để trả lương cho người lao động (NLĐ). Quy chế này cũng đã gửi đến Phòng LĐ-TB&XH và công ty cũng nhận được văn bản phản hồi về việc thực hiện quy chế này.
Về việc không giải quyết chế độ cho nguyên đơn, bị đơn lý giải nguyên nhân do trong vòng một tháng, sau khi khiếu nại, nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
Tòa, viện đứng về phía người lao động
Phát biểu quan điểm về vụ án, VKS nhận định Công ty Hòa Việt - Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chủ yếu thu mua và chế biến nguyên liệu thuốc lá. Liên tục từ năm 2014 đến 2017, công ty đã chấm dứt hoạt động nhiều chi nhánh.
Việc thu hẹp quy hoạch, quy mô sản xuất kinh doanh của công ty là có thật. Do khó khăn về kinh tế, công ty cho ông Dũng ngừng việc từ năm 2016, 2017 bằng mức lương tối thiểu vùng theo thỏa ước lao động từ năm 2016-2018.
Việc phân phối tiền lương, tiền thưởng đã được đại diện tập thể NLĐ các đơn vị trực thuộc thống nhất trước khi ban hành. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012, nếu ngừng việc vì lý do kinh tế, người sử dụng lao động phải thỏa thuận tiền lương với NLĐ.
Công ty Hòa Việt không thỏa thuận tiền lương ngừng việc với ông Dũng là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, buộc công ty này phải trả cho nguyên đơn 12,1 triệu đồng.
Cuối cùng, HĐXX nhận định việc công ty ban hành thỏa ước và quy chế lao động là đúng quy định của pháp luật. khi cho NLĐ ngừng việc, người sử dụng lao động phải thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Vì vậy, HĐXX chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn phải trả cho ông Dũng số tiền lương còn thiếu là 13,4 triệu đồng.
Người lao động thua kiện ở phiên sơ thẩm
Trước đó, ngày 6-11-2018, TAND TP Biên Hòa xử sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dũng.
Theo đơn khởi kiện, ông Dũng yêu cầu tòa án buộc Công ty Hòa Việt trả 15,6 triệu đồng tiền chênh lệch tiền lương ngừng việc năm 2016, 2017 và tiền lãi do công ty trả chậm.
Nguyên đơn cho rằng công ty trả tiền lương ngừng việc theo mức tối thiểu vùng là không đúng quy định pháp luật. Vấn đề này đã được Sở LĐ-TB&XH giải quyết bằng quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận việc công ty trả lương ngừng việc cho ông Dũng theo mức lương tối thiểu vùng là không đúng.
Bị đơn cho rằng công ty cho NLĐ ngừng việc là do đặc thù công việc khó khăn kinh tế, phải thu hẹp sản xuất. Thỏa ước lao động tập thể do công ty ban hành đã có quy định tiền lương trả cho NLĐ thực hiện theo quy chế phân phối tiền lương, tiền thưởng của công ty. Việc này đã thể hiện được sự thỏa thuận giữa công ty và NLĐ về mức lương ngừng việc.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định biên bản hội nghị đại biểu NLĐ có sự tham gia của nguyên đơn và được thống nhất với ý kiến do nguyên đơn đưa ra, thể hiện sự thỏa thuận của hai bên. Từ đó HĐXX không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/thang-kien-134-trieu-nguoi-lao-dong-van-hoan-hy-869855.html