Tháng lễ Ramadan: Ý chí, lòng thành và sự sẻ chia

Tháng lễ Ramadan là một trong các dịp lễ quan trọng nhất với người Hồi giáo, thể hiện lòng biết ơn, ý chí kiên định và sự sẻ chia giữa người với người.

Tháng lễ Ramadan là tháng thứ chín theo lịch âm của người Hồi giáo. Tháng lễ Ramadan của năm 2022 bắt đầu vào thứ Bảy 2/4 và kéo dài 30 ngày. Sau đó là lễ kỷ niệm Eid kéo dài ba ngày.

Một gia đình người Hồi giáo cầu nguyện với Kinh Qu'ran trong tháng lễ Ramadan. (Nguồn: AFP)

Một gia đình người Hồi giáo cầu nguyện với Kinh Qu'ran trong tháng lễ Ramadan. (Nguồn: AFP)

Nguồn gốc tháng lễ Ramadan

Trước khi trở thành sứ giả của Chúa, nhà tiên tri Muhammad từng ở ẩn trong hang động trên đỉnh núi Hira. Ông thiền trong cô độc, tránh xa nền văn hóa đa thần của bộ lạc Mecca trong cả tháng Ramadan.

Năm 610, khi ông tròn 40 tuổi, ông lên đỉnh núi này để thiền. Vài tuần sau khi nhập thất, ông nhìn thấy một thiên sứ xuất hiện, và ra lệnh cho ông đọc. Sau đó năm câu đầu tiên của thiên kinh Qur’an được tiết lộ:

“Hãy đọc! Nhân danh Rabb (*) của ngươi Đấng đã tạo.

Đã tạo con người từ một hòn máu đặc.

Hãy đọc! Và Rabb của ngươi rất mực quảng đại.

Đấng đã dạy con người với cây bút.

Đã dạy con người điều mà họ không biết”.

(*) Rabb: Tên gọi khác của thánh Allah trong Hồi giáo.

Sự việc này đánh dấu sự khởi đầu của Hồi giáo, kinh Qur’an và sứ mệnh tiên tri của nhà tiên tri Muhammad. Vào năm 624, khi những người Hồi giáo di cư đến Medina để thoát khỏi sự đàn áp, tháng Ramadan trở thành một dịp lễ linh thiêng bởi đánh dấu sứ mệnh của Nhà tiên tri và sự mặc khải của Kinh Qur'an.

Tháng lễ Ramadan là một trong những dịp lễ quan trọng nhất với mọi nhánh của Hồi giáo, với 70-80% tín đồ thực hiện. Các tín đồ Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan không được ăn, uống và quan hệ tình dục từ bình minh đến hoàng hôn.

Điều này là bắt buộc đối với tất cả người Hồi giáo, bắt đầu từ tuổi dậy thì. Cha mẹ thường khuyến khích con nhịn ăn nửa ngày từ 10 tuổi để làm quen với việc nhịn ăn.

Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ. Khách du lịch, người già, bệnh tật, bà mẹ mang thai và đang cho con bú được miễn nhịn ăn nếu họ nhịn bù vào thời điểm thích hợp sau tháng lễ Ramadan. Người già và người bị bệnh mãn tính có thể bù bằng cách đóng góp một khoản nhỏ cho tổ chức từ thiện mỗi ngày trong khả năng cho phép.

Do thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh đến hoàng hôn, nên số giờ nhịn ăn thay đổi tùy theo mùa và nơi tín đồ Hồi giáo sinh sống. Ở gần các vùng cực, người theo đạo Hồi có thể phải nhịn ăn gần 22 giờ vào mùa Hè hoặc chỉ vài giờ vào mùa Đông.

Các tín đồ Hồi giáo tạ ơn thánh Allah trước khi dùng bữa trong tháng Ramadan. (Nguồn: Shutterstock)

Các tín đồ Hồi giáo tạ ơn thánh Allah trước khi dùng bữa trong tháng Ramadan. (Nguồn: Shutterstock)

Lòng biết ơn và tinh thần sẻ chia

Một người nhịn ăn sẽ thấy trân trọng giá trị và hiểu những nhu cầu thiết yếu khi họ trải qua cảm giác đói khát. Họ hiểu ra thức ăn không phải tự nhiên mà có, mà đó là công đức của Thánh Allah. Vì vậy, nhịn ăn theo truyền thống Hồi giáo là cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn chân thành.

Nhịn ăn thuần hóa dục vọng. Ý chí kiên định không ăn, uống hoặc quan hệ tình dục gửi thông điệp mạnh mẽ rằng con người có thể kiểm soát ý chí, tinh thần của mình.

Ăn chay không chỉ là nhịn đói, khát mà còn để cố gắng kiềm chế hành vi có hại khác. Nhà tiên tri Muhammad từng nói: “Ai không từ bỏ nói dối và hành động dối trá trong thời gian nhịn ăn, thì Đức Chúa Trời cũng không cần người đó từ bỏ việc ăn uống”.

Vì vậy, lợi ích tinh thần của việc nhịn ăn thể hiện sức mạnh, ý chí nhằm đạt được sự tự chủ - điều cần thiết để thành công trong cuộc sống.

Tháng Ramadan đem lại nhiều lợi ích khác cho cá nhân và cả xã hội. Thông qua việc nhịn ăn, người giàu hiểu được cái đói, cái khổ và sẽ có xu hướng làm từ thiện nhiều hơn khi họ nhịn ăn. Người Hồi giáo từ thiện hàng năm (zakat) vào tháng Ramadan.

Người Hồi giáo còn mời bạn bè và thành viên trong gia đình ăn tối nhanh (iftar). Người giàu nấu bữa tối và mời người nghèo.

Trong vài thập kỷ qua, các dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở các nước phương Tây đã bắt đầu mời những người bạn không theo đạo Hồi của họ đến dùng bữa tối iftar.

Tín đồ Hồi giáo tại Ấn Độ cầu nguyện trong lễ Eid al-Fitr kết thúc tháng Ramadan tại đền Taj Mahal, Agra, Ấn Độ đầu tháng 5/2021. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tín đồ Hồi giáo tại Ấn Độ cầu nguyện trong lễ Eid al-Fitr kết thúc tháng Ramadan tại đền Taj Mahal, Agra, Ấn Độ đầu tháng 5/2021. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ở Australia, thủ hiến bang New South Wales đã tổ chức bữa tốI iftar cho các thành viên cộng đồng Hồi giáo và đại diện các tín ngưỡng khác từ năm 2004. Một số Tổng thống Mỹ cũng từng tổ chức bữa tối iftar tại Nhà Trắng. Tháng Ramadan giờ không chỉ còn dành riêng cho người Hồi giáo, mà đã trở thành sự kiện văn hóa cho tất cả mọi người.

Tháng Ramadan thường kết thúc bằng một lễ kỷ niệm kéo dài ba ngày (lễ Eid al-Fitr), nơi người Hồi giáo tổ chức lễ cầu nguyện đặc biệt vào buổi sáng, sau đó đi thăm gia đình và bạn bè.

Các tín đồ cũng thường làm từ thiện (fitr) để đảm bảo rằng những người nghèo cũng có thể tham gia lễ cầu nguyện và chúc mừng hoàn thành tháng lễ.

(theo The Conversation)

Vân Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-le-ramadan-y-chi-long-thanh-va-su-se-chia-179653.html