'Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam…'
Nhận thấy tình hình trên chiến trường miền Nam diễn biến thuận lợi, từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) với sự tham gia của các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu đã họp đợt 1 tại Hà Nội. Tại hội nghị, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận: 'Chúng ta khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để Nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ…'. Đồng chí Lê Duẩn cũng nhấn mạnh: 'Ngay từ bây giờ, phải tiến hành mọi công việc thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để nhất trong thời gian hai năm 1975- 1976. Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự'.
Tại hội nghị quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt toàn quân hứa với đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị: “Anh Ba đã kết luận hội nghị, một cuộc hội nghị lịch sử. Anh Ba đã thay mặt Đảng trao nhiệm vụ cho quân đội. Quân đội sẽ quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ lịch sử của Đảng trao cho”.
Ngày 18/12/1974, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) họp đợt 2 khi những trận đánh đợt 1 của cuộc tiến công năm 1975 đã bắt đầu với tin vui thắng trận: Ngày 6/1/1975, chiến dịch đường số 14 Phước Long thắng lớn, tỉnh Phước Long được hoàn toàn giải phóng. Đồng chí Lê Duẩn kết luận: “Chúng ta đều nhất trí phải chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976…Về hướng tấn công chiến lược, mở đầu bằng đánh Tây Nguyên. Cần đánh mở ra Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa. Ở Khu 5, ta phải giải phóng từ Bình Định trở ra. Ở Trị Thiên, ta phải làm chủ từ Huế đến Đà Nẵng”. Sau hội nghị, nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, một số tướng lĩnh lên đường ra mặt trận. Tháng 2/1975, đại diện của Bộ Chính trị, cơ quan đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu ở miền Nam được thành lập để cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy quân sự miền chỉ đạo tác chiến.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị, bắt đầu từ ngày 10/3/1975, ta đánh Buôn Ma Thuột và chỉ trong thời gian ngắn, địch hoảng loạn bỏ chạy khỏi Gia Lai, Kon Tum. Đến ngày 25/3, Tây Nguyên được giải phóng. Lúc này, chiến trường Trị Thiên đã bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch và cũng đang thắng lớn. Làm việc với các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu và Quân ủy Trung ương vào chiều ngày 24/3, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Thời cơ chiến lược đã tới, trong suốt 20 năm chiến đấu mới có thời cơ này”. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhất trí hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Những ngày cuối tháng 3/1975, cả nước một lòng hướng ra tiền tuyến trong không khí hân hoan đón chờ tin chiến thắng tới tấp bay về. Ngày 25/3, thành phố Huế được giải phóng; ngày 29/3 thành phố Đà Nẵng sạch bóng quân thù. Ngày 13/4/1975, tại Tổng hành dinh của Bộ chỉ huy tối cao, đồng chí Lê Duẩn nhận được bức điện của Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn trình bày nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ mặt trận đề nghị: Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Bác Hồ kính yêu!. 17 giờ 30 phút ngày 14/4/1975 thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn gửi điện tới Tư lệnh và Bí thư Đảng ủy chiến dịch, thông báo: Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. 19 giờ cùng ngày, quyết định trên được thông báo ra toàn mặt trận.
Giữa tháng 4/1975, gần như toàn bộ lực lượng của cả nước ra trận, trừ sư đoàn chủ lực được giao nhiệm vụ bảo vệ hậu phương lớn, cả 4 quân đoàn và các binh chủng hợp thành đã xung trận với khí thế thần tốc, táo bạo, chắc thắng. Ngày 16/4, tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang bị đập tan, các tỉnh Nam Trung Bộ được giải phóng. Ngày 20/4, trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, tuyến phòng ngự nơi cánh cửa phía đông Sài Gòn từ hướng Xuân Lộc, Đồng Nai đã mở toang. 17 giờ ngày 26/4, các hướng tiến công của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Đến hết ngày 28/4, các cơ quan chỉ huy chiến lược, bộ tổng tham mưu của địch tan rã hoàn toàn. Sáng sớm ngày 29/4, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị tới cơ quan Bộ Tổng tham mưu họp với Quân ủy Trung ương. Sau khi nghe báo cáo tình hình chiến trường và tham khảo ý kiến của các đồng chí dự họp, đồng chí Lê Duẩn đọc bức điện và chỉ thị phải chuyển gấp cho các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch: “Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”. Bức điện được đọc lúc 10 giờ ngày 29/4/1975.
Sáng ngày 30/4, đồng chí Lê Duẩn trở lại cơ quan Quân ủy Trung ương từ rất sớm. Cuộc họp của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục. Khoảng 11 giờ 30 phút, tin báo về phòng họp, quân ta đã cắm cờ trên dinh Độc Lập, một không khí hân hoan, mừng vui, tự hào tràn ngập nơi cơ quan tổng hành dinh. Buổi chiều hôm đó, cuộn băng thu lại tiếng nói của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi ngụy quân bỏ súng được chuyển đến để báo cáo với Bộ Chính trị. Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn vui vẻ hỏi lại: “Có đúng họ tuyên bố đầu hàng vô điều kiện không? Phải bắt họ tuyên bố như vậy”. Ngay sau đó, Điện khen của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị ký tên được phát đi từ Hà Nội: “… Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn- Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn- Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.
Ít ngày sau chiến thắng, đồng chí Lê Duẩn cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Thủ đô Hà Nội vào thăm Sài Gòn trong sự hân hoan chào đón của đoàn quân bách chiến bách thắng và Nhân dân miền Nam ruột thịt anh hùng. Lời đầu tiên khi bước xuống cầu thang máy bay, đồng chí Lê Duẩn đã xúc động bày tỏ: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam chứ không của riêng ai!”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147989