Thăng Long - Hà Nội những dấu son lịch sử
Với nhiều tên gọi, từ Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh đến Bắc Thành, Hà Nội, cuối cùng lắng lại thành tên gọi thiêng liêng nhất: Thăng Long - Hà Nội. Trong dặm dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn, nhiều biến cố, thăng trầm trên mảnh đất này và của đất nước. Hà Nội thực sự trở thành nơi 'lắng hồn núi sông ngàn năm', nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của Việt Nam.
Từ Kinh đô Thăng Long (1010-1858)
Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Từ đó, Thăng Long luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, nơi hội tụ nhân sĩ, trí thức của Đại Việt.
Thời Lý, Kinh thành được xây dựng, Phật giáo là quốc giáo, nhiều chùa pháp có quy mô lớn được hình thành. Chính quyền được xây dựng trên hệ tư tưởng của Nho giáo, lập Văn Miếu – Quốc Tử Giám để đào tạo quan lại. Thời Trần mở mang cung điện, các công trình tôn giáo, mở rộng buôn bán ra nước ngoài, các khoa thi Nho học được ổn định và tăng cường, hình thành nền văn học chữ Nôm. Thời Hồ, Kinh đô được chuyển vào Thanh Hóa, Thăng Long được đổi tên thành Đông Đô.
hời Lê, Thăng Long có tên là Đông Kinh, khu vực Hoàng Thành mở rộng với quy mô lớn nhất, xây điện Kính thiên, Nho giáo được đề cao, ghi danh những người đỗ đạt trên bia Tiến sĩ. Thời Mạc và thời Lê – Trịnh, văn hóa, kinh tế phát triển, Thăng Long trở thành một đô thị sầm uất và là một trong những thương cảng lớn. Năm 1802, nhà Nguyễn định đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1831, đổi tên Thăng Long là Hà Nội.Hà Nội sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay đã trở thành Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.
Vị thế mà vua Lý Thái Tổ lựa chọn từ 1010 năm trước đã tiếp tục khẳng định khi Thăng Long – Hà Nội không ngừng vươn lên lớn mạnh. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mãi mãi ghi dấu trọng đại sự kiện Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đó là sự kiện thể hiện ý chí tự cường dân tộc, xác lập sự tập trung chính quyền về trung ương, mở ra trang sử văn hiến, anh hùng của Thăng Long và của dân tộc.
Đến Thủ đô Hà Nội tiếp nối trang sử vàng (1954 - 1975)
Từ năm 1954 – 1975 là thời kỳ vừa có hòa bình vừa có chiến tranh. Đảng bộ Thành phố Hà Nội chỉ đạo vừa khôi phục, vừa phát triển kinh tế, văn hóa, vừa đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Thủ đô và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Quãng thời gian 1954 - 1975 là quãng thời gian có nhiều sự thử thách nghiệt ngã, song cũng rất tự hào của Đảng bộ Hà Nội. Trên thực tế từ 1954 - 1964, về cơ bản Hà Nội có hòa bình, nhưng đặt trong tình hình nửa nước đang phải sống trong ách xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ. Hà Nội một mặt tập trung sức khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh; đồng thời cùng miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Từ 1965 - 1975, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước bằng không quân và hải quân.
Trong đó Hà Nội phải đối đầu và đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ; sau đó là thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều thành tựu mới, bước đầu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, đồng thời ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam.
Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (25/4/1976), Hà Nội được chọn làm Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn đối với nhân dân Hà Nội. Cùng với cả nước, giai đoạn 1976-1986 Hà Nội bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế đầy khó khăn, song Hà Nội đã bình tĩnh, bản lĩnh, vượt qua khó khăn thử thách để phát triển.
Thành phố đổi mới, sáng tạo và phát triển
Bước vào thời kỳ đổi mới từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), xóa bỏ cơ chế bao cấp, Hà Nội đổi thay từng ngày. Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", bạn bè quốc tế vinh danh là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".
Năm 2000, Hà Nội được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng". Từ đó đến nay, Hà Nội trở thành địa phương liên tục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nâng cao. Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế, vai trò là trái tim của cả nước.
Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, với bề dày văn hóa nghìn năm. Lịch sử Thủ đô Hà Nội về căn bản là “lịch sử quốc gia” thu nhỏ. Trải qua 7 nhiệm kỳ Đại hội sau đổi mới, Đảng bộ thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt những chủ trương, tư tưởng của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô; nhấn mạnh việc xây dựng người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam, nhưng lại mang những nét đặc thù riêng, tạo nền tảng vững chắc, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hiện tại, Hà Nội là một trong những thành phố sáng tạo của thế giới. Xác định lấy kinh tế tri thức làm đòn bẩy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm xây dựng Thành phố xanh- sạch- văn minh- hiện đại xứng đáng là Thủ đô đất nước, xứng tầm các Thủ đô, thành phố lớn trong khu vực và thế giới./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thang-long-ha-noi-nhung-dau-son-lich-su-114065.html