Tháng năm không quên

Gửi tôi của một năm trước! Qua cánh cổng không - thời gian ở tương lai, bức thư này đã được đưa trở lại bàn học của tôi một năm trước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chắc bạn bất ngờ lắm khi đi học về thấy một bức thư kì lạ xuất hiện trên bàn học? Tôi chính là bạn của một năm sau, muốn tâm sự cũng như truyền động lực cho bạn.

Có lẽ, bây giờ bạn đang trải qua khoảng thời gian áp lực mệt mỏi nhất trong quá trình ôn thi chuyển cấp. Điều đó cũng phải thôi vì chính bản thân tôi đã trải qua giai đoạn đó. Nhưng mà “Tôi ơi”, bạn hãy ngồi xuống và cùng tôi hồi tưởng những gì đã trải qua trong năm học lớp 9 đầy áp lực mệt mỏi nhưng cũng đầy ắp kỉ niệm khó phai bên thầy cô, bạn bè nhé!

Lên lớp 9 với tâm thế sẵn sàng cho việc học để thi đỗ trường THPT công lập, từ đầu năm, à không, ngay từ những tháng nghỉ Hè, tôi đã ôn tập kiến thức cũ, chủ động tiếp cận với chương trình lớp 9. Thế nên, cũng không có gì lạ khi tôi cảm thấy khá tự tin vào học lực của bản thân.

Đúng như mong đợi, bài kiểm tra chất lượng đầu năm của tôi khá cao, đứng đầu khối. Mẹ rất vui và tự hào về thành tích đó nhưng vẫn sát sao, nhắc nhở tôi phải thật tỉnh táo, không được chủ quan, luôn nỗ lực trong quá trình học. Ghi nhớ điều đó, tôi cố gắng giữ phong độ “số một” và được thầy cô kì vọng rất nhiều: “Em hãy cố gắng tìm tòi mở rộng kiến thức hơn nữa, biết đâu lại đỗ thủ khoa!”.

Đối với tôi, lúc ấy hai chữ “thủ khoa” là một chuyện xa vời. Bạn cũng nghĩ vậy đúng không? Dù cho luôn đứng đầu toàn khối, tôi cũng nhận thức được mình chỉ là ”vua xứ mù”. Ngoài kia có bao nhiêu là bạn cùng tuổi ở các trường khác giỏi hơn chăm chỉ hơn, có khi được kiểm tra cùng, họ sẽ làm tốt hơn tôi. Vì vậy, những lời động viên, kì vọng của thầy cô tôi nhận lấy để cố gắng chứ chẳng bao giờ mang điều đó ra để ảo tưởng cả.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Lớp 9 của tôi qua đi không chỉ có mỗi việc học khô khan. Năm cuối cấp, tôi đã để lại cho mình những kỉ niệm đẹp với bạn bè, thầy cô, mái trường Thụy Bình mà tôi yêu quý. Đáng nhớ nhất có lẽ là ngày tổng kết năm học tại trường. Nhớ về ngày hôm ấy mà tôi muốn trở lại với ngôi trường quá. Chúng tôi đã chụp ảnh tập thể, liên hoan và kí tên lên áo bạn bè. Tấm ảnh tập thể và cái áo ấy tôi sẽ giữ mãi như một kỉ niệm không thể quên trong cuộc đời học sinh.

Chúng tôi trao nhau những cái ôm tình bạn và đặt quyết tâm cùng “vượt vũ môn” thành công. Sau buổi tổng kết, cả lớp chơi ném bóng bay nước. “Này, tôi ơi”, có phải đây là lần đầu tiên hai ta chơi trò này với cả lớp đúng không? Mấy lần trước, mẹ dặn không nên chơi, tôi đành lủi thủi, ngậm ngùi mà ra về trong sự tiếc nuối với cuộc vui. Nhưng hôm đó, chúng ta đã phá lệ, tự dành cho mình một buổi xả hơi cũng như “làm đầy” thêm chiếc hộp chứa những kỉ niệm trong sáng, vô tư của tuổi học trò.

Không chỉ có thế, tôi làm sao quên được cái ngày hôm ấy, “Tôi của quá khứ còn nhớ không?”, ngày mà chúng ta có sự thay đổi lớn về nhận thức, suy nghĩ. Đó là buổi diễn giả Nguyễn Hiểu Linh về với ngôi trường của chúng ta. Được gặp người nổi tiếng thì ai ai trong trường cũng háo hức để cùng theo dõi và trò chuyện.

Thật sự, diễn giả Hiểu Linh đã để lại trong tôi nói riêng và học sinh trong trường nói chung những ấn tượng đẹp, sâu sắc. Hơn một tiếng cùng trao đổi, trò chuyện thân mật, từ những câu chuyện mà diễn giả truyền cảm hứng, tôi cảm thấy có điều gì đó đang tới, định hình lại suy nghĩ, cảm xúc trong tôi. Thú thật, trước khi tham gia buổi trò chuyện ấy, tôi cảm thấy khá mông lung, lo lắng về những quyết định của mình. Nhưng sau khi được nghe, cảm nhận những chia sẻ của người từng trải, tôi đã có thể tự quyết định đích đến của mình. Đó là kỉ niệm đánh dấu một bản thân mới trưởng thành, quyết đoán, tự tin hơn được ra đời.

Và “tôi ơi”, năm lớp 9 của chúng ta không chỉ có những nốt thăng, đôi khi nốt trầm cũng đến theo cách mà ta không thể lường trước được. Cụ thể là bài “sát hạch” đầu tiên mà ta đối mặt trước khi thi chuyển cấp – bài thi tốt nghiệp. Chính cái thời điểm đó, không ai ngờ tới, tôi đã vấp ngã tại chính thế mạnh của mình, đó là bài thi môn Toán.

Dường như trong phòng thi, tôi đã đánh mất chính bản thân mình. Một bài toán thông thường tôi có thể giải mà không mất chút công sức nào khi ấy đã làm cái sự bình tĩnh vốn có trong tôi chuyển thành sự lo lắng, bứt rứt khi từng giây trong phòng thi trôi qua. Cuối cùng, tôi quyết định làm liều. Tôi chắc mẩm trong đầu rằng làm như này chỉ có trông chờ được chút điểm trình bày chứ vậy là hỏng cả rồi. Bước ra khỏi phòng thi với sự xấu hổ, cay đắng, tôi muốn khóc thật sự.

Đây quả là cú ngã đau, trải nghiệm đáng sợ đối với tôi. Trong đầu tôi lúc ấy, bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực bủa vây. Tôi giận bản thân, giận vì không đọc kĩ đề bài, vì chủ quan trong việc ôn luyện kiến thức. Không chỉ có vậy, điều tiếp theo tôi nghĩ tới là nỗi thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt cô giáo và mẹ....

Không biết về sau vì sao tôi vượt qua được nó mà bản thân lại cảm thấy cú ngã ấy phải chăng rất cần thiết để nhận ra nhiều điều trong học tập và cả trong cuộc sống. Tôi thấy bản thân chững chạc hơn, suy nghĩ thông thoáng hơn để ổn định phong độ đứng đầu và gặt hái thành quả nho nhỏ: Thủ khoa đầu vào ngôi trường THPT tôi mong muốn!

Cuối cùng, tôi muốn nhắn gửi tới “tôi” rằng: Cố gắng hết mình, tập trung, nỗ lực, đam mê với việc học là sẽ làm được tất cả. Và, không chỉ kì thi chuyển cấp này mà còn rất nhiều thử thách khác đang chờ tôi phía trước…

Phùng Xuân Bách (Lớp 10A1, Trường THPT Đông Thụy Anh, Thái Thụy, Thái Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thang-nam-khong-quen-post644353.html