'Tháng Năm nhớ Bác' của người họa sĩ được Bác Hồ 'gián tiếp' đặt tên
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại khách sạn Lacasa Hotel (số 17- phố Phạm Đình Hổ, Hà Nội), đã khai mạc Triển lãm tranh 'Tháng Năm nhớ Bác' của họa sĩ Thái Hòa.
Triển lãm trưng bày 13 tác phẩm đặc sắc, tuyển chọn từ hơn 100 bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ do họa sĩ sáng tác trong 5 năm qua.
Họa sĩ Thái Hòa sinh năm 1955 hiện ở tại Hà Nội, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Xu-ri-cốp của Liên Xô trước đây năm 1989. Trong nhiều năm qua, với tình cảm, lòng tôn kính và niềm say mê sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã có nhiều phác thảo chân dung về Người.
Mỗi tác phẩm trong 13 bức tranh sơn dầu khổ lớn của họa sĩ Thái Hòa trưng bày tại triển lãm "Tháng Năm nhớ Bác" đều ghi dấu những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng Việt Nam. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Đêm Pác Bó, Lo việc nước, Thăm trận địa, Bác Hồ đọc thư, Bác Hồ và các cháu thiếu nhi, Bắt nhịp, Kể chuyện cho trẻ thơ, Sự nghiệp trồng người...Theo họa sĩ Thái Hòa, mỗi chi tiết trong tranh đều được ông tính toán kỹ lưỡng từ ý tưởng đến thực hiện các phác thảo rồi để làm sao tác phẩm phải toát lên được vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách lớn của vị lãnh tụ kính yêu, trọn đời vì dân, vì nước.
Họa sĩ Thái Hòa và gia đình ông cũng có cơ duyên với Bác. Đó là nguồn cảm hứng và tình cảm kính yêu mà ông dành cho Bác trong suốt cuộc đời mình.
Họa sĩ Thái Hòa kể: "Cuộc đời tôi và gia đình tôi có nhân duyên với Bác. Năm 1946, bố tôi sau khi học xong trường Lục quân Trần Quốc Tuấn thì được tuyển chọn sang Trung Quốc để học một lớp ngắn hạn. Trước khi đi, đoàn được Bác đến tận nơi và đặt tên cho từng thành viên trong đó có bố tôi. Họ nhà tôi là Nguyễn Đức, tên bố tôi là Thành, Bác đặt cho bố tôi là Thái Thành có nghĩa là "thành công lớn". Tôi "gián tiếp" được Bác đặt tên, vì sau đó bố tôi bỏ chữ Nguyễn Đức mà đổi thành Nguyễn Thái, vì vậy tôi trở thành Thái Hòa".
Các tác phẩm của họa sĩ Thái Hòa
Cũng theo lời họa sĩ Thái Hòa, cuộc đời ông cũng thú vị vì có nhiều lần gặp Bác như một ngẫu nhiên, tình cờ. "Nhà tôi ở Khu văn công Mai Dịch nên lúc nhỏ tôi được gặp Bác rất nhiều. Lý do là Bác đến khu văn công Mai Dịch nhiều lần. Nếu là người lớn thì khó gặp Bác vì Bác đến cơ quan nào thì cơ quan đó tiếp. Nhưng tôi là trẻ con, tôi cứ chạy lông nhông, chỗ nào có Bác là tôi chen vào. Vì tôi còi, bé nên mọi người không chấp, toàn chen lên được gặp sát Bác. Lần nào cũng vậy"- Họa sĩ Thái Hòa cười hiền chia sẻ.
Ông kể tiếp: " Khi tôi lớn hơn, gia đình lại chuyển sang trường Đại học Mỹ thuật, trong trường có họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu- người gặp Bác thường xuyên lắm. Ông sống cùng khu nhà tôi. Tôi là người tò mò, hay hỏi han vợ chồng họa sĩ để tìm hiểu về Bác nhiều hơn. Sau này, tôi nhớ có tác phẩm điện ảnh Hồ Chí Minh 79 mùa Xuân, người ta xem 1-2 lần nhưng tôi xem hàng trăm lần. Khi sang học ở Liên Xô, năm 1982 có người đặt hàng viết về cảm xúc được gặp Bác nhưng tôi từ chối. Vì tôi là họa sĩ, không phải là nhà văn. Tôi chỉ biết rằng hồi bé, trong ấn tượng của tôi, là đất nước này có rất nhiều ông già, Bác cũng là một ông già. Nhưng Bác là một ông già kỳ lạ. Một ông già đi đâu là trẻ con bám theo đến đấy. Và cứ gặp trẻ con là Bác có kẹo có quà cho. Một ông già rất đặc biệt, trẻ con yêu Bác và tôi là đứa trẻ cũng vô cùng yêu Bác. Nói thế ai bảo tầm thường thì rất tầm thường nhưng hiểu sâu sắc thì mới biết Bác là người rất tâm lý. Trẻ con ngày xưa thích kẹo lắm vì đó là hàng hiếm. Khi tôi học phổ thông, cầm cái kẹo Bác phát cho lên lớp mà cả lớp chỉ dám xúm vào xem và nâng niu chứ không ai dám xin đâu. Chứng tỏ sự kính trọng của những đứa trẻ con chúng tôi đối với Bác lớn như thế nào. Tôi nghĩ, một nhân cách lớn thể hiện ra không phải ở những điều đao to búa lớn mà từ những điều cực kỳ nhỏ bé".
Không chỉ dựa vào ký ức và cảm xúc chân thành, để thực hiện các tác phẩm tranh vẽ Bác Hồ ở từng thời điểm, họa sĩ Thái Hòa đã phải kỳ công tìm kiếm các tư liệu ảnh, tài liệu tham khảo, sách, báo và thơ văn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí đến tận những nơi từng diễn ra các sự kiện lịch sử có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Ông đã thể hiện hình ảnh Bác một cách sinh động, tươi mới và sâu sắc trong những thời khắc riêng tư, giàu tính nhân văn, gần gũi, thân quen với mỗi người.
"Tháng Năm nhớ Bác" là triển lãm các tác phẩm đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Thái Hòa. Ông luôn tâm niệm mình cần phải có những tác phẩm thật sự hoàn chỉnh, thể hiện được đầy đủ sự trân trọng và tình cảm với Bác Hồ. Ông coi mỗi đợt triển lãm hằng năm như một đợt giới thiệu các phác thảo mới để từ đó xây dựng tiếp những chân dung Người ở các góc độ.
Xem các tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể cảm nhận tình cảm sâu sắc của họa sĩ với Bác Hồ và những góc nhìn mới, thể hiện chân dung một nhân cách vĩ đại mà vẫn mang đậm vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn và khí phách Việt Nam./.