Tháng năm qua đi, tình thương ở lại...
Có những người cả cuộc đời chỉ dành cho một công việc không được lợi ích cho bản thân, không được danh tiếng nhưng luôn mong muốn được sẻ chia, đó là tình yêu thương. Ngày qua ngày, thù lao của họ càng ít nhưng tình thương lại lớn dần theo năm tháng.
Đam mê với việc thiện
Tham gia công tác chữ thập đỏ (CTĐ) và gắn bó đến nay được gần 20 năm, Chủ tịch Hội CTĐ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - Trịnh Văn Nhỏ tự nhận mình là người đam mê công tác nhân đạo. Ông Nhỏ chia sẻ, có lẽ trời sinh ông ra có “gen” làm từ thiện. Thuở nhỏ, do nhà đông anh em nên khi lập gia đình, vợ chồng ông ra riêng và tự lập về kinh tế. Qua bao năm tháng làm lụng vất vả, vợ chồng ông có được cuộc sống khấm khá như ngày nay.
Các con đều được học hành và có công việc ổn định. Hiểu, đồng cảm với những nhọc nhằn của người dân quê nên ông luôn tự hứa với bản thân, khi có điều kiện sẽ làm việc thiện để giúp ích cho đời. Ông luôn tự nhủ: “Cán bộ Hội CTĐ là những người phải có trái tim hồng, có tâm huyết, biết sẻ chia và làm nhiều điều có ích cho xã hội. Làm việc này phải có tâm trong sáng, nhiệt huyết, không tính toán thiệt hơn mới làm tốt được”.
Chính suy nghĩ này mà nhiều lần “đi xin” tài trợ, nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân lớn đều tin tưởng và ủng hộ ông. Họ phần lớn sinh sống, làm việc tại TP.HCM và những Việt kiều xa quê. Bao nhiêu năm gắn bó với Hội, thù lao ông nhận được không đáng là bao! Chuyện ông tự lấy tiền nhà để đổ xăng đi xin quà, tiền cho dân là hết sức bình thường.
Đó là chưa kể những lần ông tự đi TP.HCM để nhận tiền của mạnh thường quân về hỗ trợ các hoạt động hoặc dẫn đoàn khảo sát xây nhà, xây cầu, ông đều tự lo hết. “Chính quyền biết những việc mình làm, cũng động viên, khuyến khích chứ xã còn khó khăn, chế độ quy định như vậy, mình cũng đâu đòi hỏi gì. Làm công tác này mà tính hơn thua là làm không được. Hơn nữa, đôi khi mình phải thuyết phục, nhẫn nhịn mới vận động được nhà hảo tâm bỏ tiền ra làm từ thiện bởi không phải ai cũng dễ chịu. Nghĩ vậy nên khi đi xin tiền cho chương trình gì, tôi đều công khai ra dân rõ ràng, cụ thể, chi tiết để mạnh thường quân biết được tiền của họ có đến đúng địa chỉ cần hỗ trợ hay không” - ông Nhỏ nói.
Kết nối yêu thương
Ông nhớ Bác Hồ từng căn dặn cán bộ, hội viên CTĐ rằng: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Hiểu lời dạy của Bác, những năm qua, ông luôn làm tốt vai trò “cầu nối”, huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để chăm lo, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội,... Đã có không ít mảnh đời bất hạnh, hàng loạt công trình ý nghĩa do ông vận động đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Dịp tết vừa qua, ông vận động hàng trăm phần quà tặng cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Hay đó là những thẻ bảo hiểm y tế được ông hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Long Thạnh đầu năm 2022.
Qua trò chuyện, tôi nhận thấy ông có một nguyên tắc. Đó là làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ cũng phải có tinh thần trách nhiệm, xắn tay cùng làm với dân. Hai trong số những chương trình mà ông tâm đắc nhất chính là vận động xây cầu và đưa nước hợp vệ sinh về cho dân sử dụng. Đưa tôi đi xem những chiếc cầu bêtông do mình vận động, ông cười hiền: “Long Thạnh là xã vùng sâu của huyện, địa bàn rộng, nhà dân thưa thớt. Ngày trước, có rất nhiều chiếc cầu chông chênh, mỗi lần chạy xe qua là phải nín thở. Thương nhất là những cháu học sinh, đường đến trường khá gian nan. Kinh phí làm cầu quá lớn trong khi người dân ở đây còn khổ nên việc vận động họ đóng góp không đơn giản. Thế là tôi lên ý tưởng, chụp hình, khảo sát thực tế và gửi cho các đơn vị tài trợ. Cứ như thế, nhiều chiếc cầu nông thôn nghĩa tình ở Long Thạnh được xây dựng, thay thế cho những cầu cây trước đây”.
Hết xây cầu, ông lại tính toán, tự lên phương án thiết kế, chiết tính giá thành khoan giếng cho dân. Đã có trên 10 giếng nước ra đời nhờ sự vận động của ông, góp phần đưa nước hợp vệ sinh cho dân sử dụng. “Tôi biết Nhà nước đầu tư giếng nước cho dân nhưng xung quanh vẫn còn nhiều chỗ khó khăn hơn, mình có khả năng vận động được thì làm giúp dân. Nếu không đủ tiền, tôi xin ý kiến của chính quyền họp, công khai ra dân để họ góp thêm. Nhờ đó, người dân có nước sử dụng, họ mừng lắm!” - ông Nhỏ thông tin.
Đâu chỉ xây cầu, khoan giếng, ông còn nặng lòng với công tác hiến máu nhân đạo, xây dựng nhà tình thương, thành lập tổ cấp cứu, vận động khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn,... mỗi năm cả tỉ đồng. Thành quả ông nhận về cho những lần cống hiến là nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ông như “chiếc cầu” kết nối yêu thương giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chia tay ông, tôi tâm đắc hoài câu nói: “Dù sau này có còn làm chủ tịch hội hay không, chuyện đó không quan trọng, bởi cho dù có ở đâu, tôi vẫn làm những việc như thế để giúp ích cho dân”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thang-nam-qua-di-tinh-thuong-o-lai--a132985.html