Tháng ngày nắm buộc chân mây cuối trời
'Hạt cỏ lông chông' là tác phẩm thứ 7 của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Lấy tên một loài hoa ở miền gió cát khắc nghiệt vẫn sắt son, mãnh liệt sống làm tên tác phẩm, chị đã gửi gắm bao nhiêu trăn trở cuộc đời vào từng ký tự. Với 36 bài thơ như 36 ga đời không ga xép. Mỗi ga khai mở một gương mặt riêng, rất riêng...
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.
Tháng ngày nắm buộc chân mây cuối trời, trong rất nhiều câu thơ hay của chị, câu này cứ ám ảnh tôi. Chị, một người đàn bà làm thơ viết văn. Không như nhiều nữ nhà văn khác, gánh trên vai sứ mệnh văn chương từ cái tên mà người cha thương yêu, thi sĩ Nguyễn Bính đặt với bao kỳ vọng. Đi tiếp con đường chữ nghĩa, theo gót lãng du của cha, can trường, lặng lẽ, tài hoa và cô độc.
Chạm vào bài đầu tiên, những dòng thơ ám gợi thăm thẳm, đau đáu và đầy trách nhiệm với Tổ quốc. Mượn ta để nói về nhân sinh, tâm sự với mình mà con chữ bời bời thổn thức: Nghiêng ngửa sơn hà/ máu xương hòa nước mắt/ cột mốc biên cương/ chòng chành sóng dữ/ một trăm năm/ một ngàn năm/ vẽ vời ký tự/ văn bản nào/ thoát kiếp vong nô?/ Ta mù khơi giông gió tơi bời/ đối diện biển đêm tứ bề dựng sóng/ con đường nào ta đi bến bờ nào ta đến/ Tổ Quốc trong ta lặng tiếng thở dài...
Khúc ngày xanh như khúc xạ đời, lênh loang ngày xưa, những cột mốc đời chất chứa cả ngạ quỷ thiên đường. Ẩn mình vào phận cỏ lông chông, vẫn là những nỗi đau và buồn phản diện nhau giằng xé nhau, bằng nổi chìm phận sóng, bằng vọng âm của khúc cầm xưa day dứt: Cỏ Giêng Hai vẫn xanh thời con gái/ thuở chúng mình hai đứa bộn bề nhau/ sông bao năm đổi thay dòng chảy/ căn cớ gì ta phủi sạch trầu cau?
Vẫn mênh mang trong mỹ cảm ngôn từ: “Giữa hai bờ mê thức/ ban mai cuồng phong/ hoàng hôn cuộn sóng/ Con tàu tôi lao về phía không không. Phía không không ấy là phía dại khôn lẫn lộn, vô thức và vô minh. Trong bầu khí quyển của cảm xúc, chị đã thành công khi đọc đúng mình: Tôi dại khôn/ nửa người nửa ngợm/ vô thức vô minh/ đảo điên mộng tưởng/ xòe bàn tay níu giữ mây trời...
Trong tầng tầng lớp lớp cô đơn của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, sự hợp hôn của hoàng hôn với ban mai để có những vần thơ như dứt máu. Trong dằng dặc đêm không ấy là những nỗi đau huyễn hoặc đến tận cùng và nồng hương thân phận. Những mảnh vỡ của đêm cứ nhấn sâu nhấn sâu vào tim người. Cầm cố nụ cười mà buôn nước mắt, ấy là bản tính của người tài nữ: “Người đi nát những đam mê/ đêm gom hết nhớ ngày lê thê buồn/ Gầy tay níu giữ cánh chuồn/ Trăng Giêng quá lứa chiều buông quá mùa/ Nghiêng trời nắng hạn chờ mưa/ Em như cổ tích khuôn vừa chiêm bao/ Giấc nồng trốn biệt nơi nao/ Đêm giăng lưới nhớ chênh chao sóng ngày/ .../ Đành tôi cầm cố nụ cười/ Mà buôn nước mắt khóc người ngày xưa...”, “Đêm vỡ vụn/ mắt cay xè giằng níu/ Hai đầu đêm giấc nhớ dậy thì/ Miếng trầu tươi nợ nần cau quá lứa/ Treo ngược đời nhau gút thắt cuộc luân thường...”.
Trong bài viết về ông lão mù hành khất, những câu thơ ngắt dòng như những giọt buồn giữa trời đông giá, giữa ấm lạnh tình người. Tiếng sáo chơi vơi, mong manh không cất nổi phận người: Tiếng sáo mưu sinh/ của ông lão mù hành khất/ chết nghẽn giữa tầng không/ lọt thỏm xuống lòng đường/ ông lão ngồi lặng câm/ giữa chiều xuân/ hoàng hôn/ hóa đá.../ chút nhân tình/ buốt giá bàn tay...
Đi quá nửa đời người, trôi trong dòng cảm thức, vũ trụ riêng của chị là thơ, kết tinh từ những cảm xúc dị biệt của người cầm bút. Nỗi buồn đậm đặc và đầy tính triết luận. Gánh cả nỗi đau nhân tình thế thái và nỗi đau mình. Thơ chị sáng tạo và ẩn khuất. Cái ẩn khuất trừu tượng và duy lý: “Ta gom nhặt những khóc cười thiên hạ/ hong nóng mình/ sỏi đá chiều buông...”, “Gót thời gian vô tư nhảy nhót/ ngày đêm/ rượt đuổi nhau/ chơi trò cút bắt/ nhật nguyệt trốn tìm/ trăng sao mê đắm/ ta và người/ từng nhau chồng vợ/ ly rượu giao bôi ngọt đắng một đời/ tựa vào miền xưa để được mình mầm nụ/ khát nhớ ngày xanh ngọn lửa cháy qua mùa...”
Mạch suy tư của một nhà thơ từng trải đã gợi lên bao day dứt, tự vấn về sự hy sinh mất mát. Còn bao phận người không được bù đắp sự hy sinh cùng những đau thương trong kiếp sống: “Vòng thời gian quay ngược mùa tang tóc/ giọt chiều rơi đắng đót cõi hương hoa/ đốm lửa tàn nhang lạnh cong dấu hỏi/ tượng mẹ anh hùng nước mắt chảy về đâu”.
Hướng về cõi tâm linh xa xăm vời vợi, câu thơ là một dấu hỏi xoáy sâu vào tâm khảm người đang sống. Đức tin cần sự thành tâm, sự thành tâm cũng cần được thể hiện bởi những tấm lòng cùng với tri ngộ về cuộc sống, về tất yếu hiển linh trong thế giới đa tầng: Lấp lánh vàng sao/ đính trên đầu mộ chí/ Tổ quốc ghi công/ đền đài chất ngất/ có thật ấm lòng/ hai cõi âm dương?
Chị đã mang những vần thơ từ cõi thực tiệm cận với cõi hư không đầy suy tưởng trọng nghĩa, nặng tình. Sức mạnh của tâm thế thi ca hòa quyện cùng tâm linh đã trao cho chị một tình yêu đầy tỉnh thức, đầy bản lĩnh với cuộc sống đang hiện hữu hàng ngày: “Thánh giá gục đầu/ tử nạn/ Phật hồi sinh/ cứu rỗi dân gian/ ghì đất nước/ trong vòng tay/ không tưởng/ phận mỏng dân đen/ mặt trời chết đứng/ tôi hỗn mang/ băng giá tật nguyền”…
Không chỉ nỗi vương vấn đời thường mà đã là nỗi trăn trở trong hồn cốt về một lẽ sống, về con đường phía trước cần lựa chọn. Cũng không chỉ cho riêng mình mà chính là nỗi trăn trở cho quê hương đất nước của bản ngã chân nhân. Nhà thơ đã chọn cách tiếp cận trong tâm thế “lực bất tòng tâm” nhưng với tình yêu Tổ quốc tận lòng. “Cao ốc bồng bềnh/ trời xanh mây trắng/ tầng kê tầng kế tiếp chon von/ chồng lấp mảng bê tông/ đẵm máu xương người thợ/ Nỗi oan khiên buốt đau lòng mẹ/ vợ mất chồng gia đình xé lẻ/ con mất cha côi cút phận nghèo/ canh bạc đời sấp ngửa nông sâu”…
Cảm thương những phận đời, phận người, từ bức tranh toàn cảnh về cuộc sống, nhà thơ thể hiện một tình thương yêu con người khi mạng sống người lao động bị coi rẻ. Để rồi điều cao cả luôn được nhà thơ khẳng định: “Ta hạt cát nhỏ nhoi/ trong miên man miền cát/ khao khát mặt trời/ ao sâu đầm nước mắt/ bồng bế nụ cười/ băng qua miền bất hạnh/ lấp lánh phận người/ phận mình/ số phận nhân dân”.
Đó là số phận của mỗi con người cần luôn được trân trọng. Đó là quyền tự do được sống, được mưu cầu hạnh phúc chính đáng chứ không phải là những phận người bập bềnh trong may rủi được thua hoặc trở thành những quân cờ trong tay kẻ khác.
Với thơ lục bát, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu có khúc trầm sâu lắng: Từ tôi cánh gió phập phồng/ Ru mình mắt bão chiều đông đắm đò/ .../ Tôi như kẻ đã phải bùa/ Nát tình mấy bận chưa chừa cuộc yêu.
Đâu chỉ là cuộc yêu đôi lứa mà mãi đã là cuộc yêu nhân thế mặc những chuyển dời, kệ những đổi thay. Trong cả tập thơ, chị đã dành lục bát cho tình yêu đôi lứa như một quy ước hay chính là duyên tiền định cõi xưa? Cho dù sự lựa chọn có chủ định hay ngẫu hứng thì đó cứ là sự “vận vào” của cơ duyên: Cầm xưa biệt khúc ru người/ Bóng thời gian đổ khóc cười bể dâu/ À ơi, con sóng bạc đầu/ Ru trăm năm đã từng nhau một thời.
“Hạt cỏ lông chông” là một tập thơ trăn trở những tỉnh thức, vương vấn những phận đời cùng những chiêm nghiệm bứt lòng rút ruột từ sâu thẳm cõi tâm. Sự vượt trước thời thế của một tâm hồn nhạy bén, của sự kế thừa và sự từng trải, nữ sĩ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã viết nên một bản tâm ca khắc khoải những nỗi niềm. Những câu hỏi mà lời giải đáp đang là chấm phá mông lung đầy suy ngẫm, với biên độ mở ẩn chứa khát khao về tương lai. Sự nặng lòng với đời đã mang đến cho thơ chị mạch nguồn lẽ sống cuồn cuộn bứt phá tầng sâu. Chị đã đi tới đích mà mình mong muốn bằng cả tình yêu thương và sứ mệnh được gửi trao.
Sài Gòn, tháng 3/2021
T.M.H
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-ngay-nam-buoc-chan-may-cuoi-troi-a2960.html