Thắng Quân trao 'cần câu' cho hộ nghèo
Thời gian qua, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã triển khai đồng bộ các giải pháp, dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt đã vươn lên ổn định cuộc sống.
Với phương châm “Trao cần câu chứ không trao con cá”, xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Xã còn giúp hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, 5 năm qua, các tổ tiết kiệm của các đoàn thể đã cho 155 hộ nghèo vay vốn với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm hồ sơ cho 125 hộ vay từ 20 đến 50 triệu đồng để đầu tư mua vật nuôi, cây giống...
Ông Bàn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nói, nguồn quỹ tự lập của Hội thường xuyên duy trì trên 370 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, 5 năm qua đã có 80 lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Hiện 100% hội viên có việc làm, một số hội viên còn tạo việc làm cho người khác như: Hội viên Ngô Văn Hợp, thôn Yên Thắng ngoài mô hình hơn 1ha trồng bưởi còn mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Chế (bên trái) thôn Yên Thắng, xã Thắng Quân (Yên Sơn) vay vốn Ngân hàngChính sách xã hội huyện phát triển mô hình trồng bưởi, thanh long, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Song song với việc hỗ trợ về vốn, dạy nghề, xã còn phối hợp với công ty có uy tín tổ chức các buổi tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi năm xã giải quyết việc làm mới cho 500 lao động địa phương; đặc biệt, xã phối hợp với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tuyển dụng 150 lao động độ tuổi từ 18 đến 35 vào làm việc với mức lương ổn định từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Hiểu được lợi ích của việc đi xuất khẩu, mỗi năm xã có từ 5 đến 7 lao động đi xuất khẩu lao động theo ngạch chính thống ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… với thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/tháng trở lên. Nhiều lao động sau quá trình làm việc đã tích lũy được số vốn trở về xây được nhà, đầu tư phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: Chị Lâm Thị Sinh, ở thôn Đồng Quân sau 4 năm đi xuất khẩu trở về đã xây được căn nhà khang trang. Chị chia sẻ, là gia đình thuần nông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đầu năm 2006, sau buổi nghe tư vấn về xuất khẩu lao động tại xã, gia đình đã mạnh dạn vay vốn cho chị đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau 2 năm, cùng với số tiền gửi về gia đình lo cho các em ăn học chị đã trả hết số tiền vay, sau đó, chị tích cóp để có tiền xây nhà và lấy vốn làm ăn. Năm 2013 gia đình chị đã thoát nghèo.
Với những cách cụ thể trong giải quyết việc làm, đến nay, số hộ nghèo trong xã chỉ còn 130/2.284 hộ, chiếm 5,7%. Riêng trong năm 2019, xã giảm được 80 hộ nghèo, đạt 114% kế hoạch năm. Ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND xã cho biết, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 4 đến 5%, xã phấn đấu hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,5%. Để đạt được mục tiêu, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế; tìm kiếm thị trường lao động, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân; nâng cao vai trò của cán bộ phụ trách địa bàn trong công tác định hướng, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.