Tháng Ramadan linh thiêng

Tháng Ramadan là tháng thứ Chín trong lịch Hồi giáo, được xem là tháng linh thiêng nhất trong năm đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới. Trong tháng này, họ thực hiện một số nghi thức tôn giáo đặc biệt, bao gồm nhịn ăn, cầu nguyện và thực hành lòng nhân ái.

Các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới hành hương về Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia sau khi kết thúc tháng Ramadan. (Nguồn: Al Jazeera)

Các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới hành hương về Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia sau khi kết thúc tháng Ramadan. (Nguồn: Al Jazeera)

Theo truyền thống và giáo lý của đạo Hồi từ khi tôn giáo này hình thành, các tín đồ phải thực hành nhịn ăn, uống, hút thuốc, sinh hoạt tình dục và một số điều kiêng kỵ khác trong khoảng thời gian kéo dài một tháng trong năm. Khoảng thời gian thực hiện các điều được cấm kỵ đó được bắt đầu từ khi bình minh cho đến khi Mặt trời lặn và gọi thời gian này là tháng Ramadan ân phúc.

Ramadan linh thiêng

Lịch của người Hồi giáo dựa trên chu kỳ của Mặt trăng. Do đó, thời điểm bắt đầu tháng Ramadan hằng năm có sự khác biệt, thường được lùi lại khoảng 11 ngày so với năm trước. Việc quyết định khi nào bắt đầu tháng Ramadan cũng có đôi chút khác nhau giữa các quốc gia, khu vực do vị trí địa lý và được công bố bởi một hội đồng tôn giáo với các vị chức sắc tôn giáo uy tín khi họ nhìn thấy trăng non xuất hiện thì ngày đó chính là ngày bắt đầu tháng Ramadan.

Do đó, ngày bắt đầu tháng Ramadan không cố định là ngày nào mỗi năm. Năm nay, tháng Ramadan của gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ bắt đầu vào ngày 10/3 dương lịch và kết thúc vào ngày 8/4.

Tuy có sự khác biệt nhỏ về thời điểm bắt đầu, nhưng tháng Ramadan vẫn được tổ chức trong suốt một tháng và kết thúc vào ngày gọi là lễ Eid-al-Fitr. Theo quan niệm của người Hồi giáo, việc nhịn ăn, uống… trong tháng Ramadan là một trong năm trụ cột nền tảng của Hồi giáo. Những tín đồ đạo Hồi tin tưởng rằng, thời điểm tháng Ramadan diễn ra thì cửa thiên đường sẽ mở ra và cánh cửa của địa ngục sẽ đóng lại.

Do vậy mà các tội lỗi sẽ được tha thứ và xóa bỏ. Vì vậy mà 10 ngày đầu tiên, tức là ngày 1-10 trong lễ Ramadan sẽ là ngày cầu nguyện mong nhận được sự từ bi từ thánh Allah. 10 ngày tiếp theo từ 11-20 được gọi là ngày Allah xóa tội và 10 ngày còn lại từ 21-30 là ngày cầu mong bản thân sau này không phải xuống địa ngục. Chính bởi những hoạt động sám hối này mà trong dịp lễ Ramadan, người theo đạo Hồi thường sẽ đọc kinh Qur’an vào ban đêm và đến giáo đường cầu nguyện nhiều hơn so với những ngày bình thường.

Trong tháng Ramadan có một đêm ân phúc và thiêng liêng nhất so với tất cả những đêm khác trong năm, đêm mà Allah phán trong kinh Qur’an rằng việc hành thiện và làm điều ngoan đạo trong một đêm sẽ tốt đẹp hơn cả ngàn tháng. Ai hành đạo và làm việc thiện trong đêm đó bằng cả đức tin và niềm hy vọng thì sẽ được tha thứ các tội lỗi đã qua.

Đêm đó là một trong mười đêm cuối của tháng Ramadan, được gọi là đêm Laylatul-Qadr (Đêm huyền diệu). Theo niềm tin Hồi giáo, đêm Laylatul-Qadr chính là thời điểm Nhà tiên tri Muhammad lần đầu tiên nhận được sự mặc khải từ Thánh Allah và chép lại thành kinh Qur’an vào một đêm trong mười ngày cuối cùng của tháng Ramadan vào năm 610.

Tuân thủ và cầu nguyện

Trong những ngày hành lễ, từ lúc Mặt trời mọc cho đến khi hoàng hôn, những người Hồi giáo khỏe mạnh tuân thủ việc kiêng khem mọi đồ ăn, thức uống, thuốc lá, tình dục… Việc này không chỉ giúp họ rèn luyện ý chí, sự kiên nhẫn và lòng tự trọng mà còn thể hiện sự đồng cảm với những người nghèo đói và thiếu thốn. Người theo đạo Hồi tin rằng, thực hành việc chay tịnh này có nghĩa là thờ phụng Thánh Allah bằng các hành động, việc làm cụ thể, qua việc nhịn ăn, nhịn uống, nhịn quan hệ vợ chồng cùng một số điều kiêng kỵ khác từ lúc rạng đông (tức thời điểm Azan Fajar) cho tới lúc tắt ánh Mặt trời (tức thời điểm Azan Maghrib).

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi tín đồ đều phải thực hành các điều cấm kỵ này mà những người già cả, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người đang điều trị bệnh hoặc lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt có thể theo một chế độ ăn chay riêng hoặc không bắt buộc phải tuân thủ.

Ví dụ như, không khuyến khích trẻ em dưới 7 tuổi nhịn ăn còn với trẻ từ 7-12 tuổi thì việc ăn chay cần phải có sự giám sát của người lớn. Người già, người bệnh, do sức khỏe yếu thì sẽ không phải thực hiện nhịn ăn. Tuy nhiên, nếu muốn, họ vẫn có thể thực hiện như những người khác bởi niềm tin tuyệt đối của mình vào Thánh Allah và tín ngưỡng mà họ tôn thờ.

Những người theo đạo Hồi tin rằng, việc thực hành nhịn ăn là khẳng định lòng kính sợ và ngay chính đối với Thánh Allah. Người bề tôi muốn được đến gần với Thượng đế nên phải từ bỏ những điều bản thân yêu thích, từ bỏ những dục vọng của bản thân, kính sợ và ngay chính vì biết rằng Allah đang theo dõi mọi hành động và cử chỉ ở mọi nơi mọi lúc, thầm kín hay công khai. Khi người bề tôi có thể nhịn những điều được phép để chấp hành mệnh lệnh của Allah thì sẽ dễ dàng cũng như sẵn sàng tránh những điều bị nghiêm cấm từ những tội lỗi và nghịch lệnh của Allah, sẽ luôn biết giữ mình trong giới hạn của Ngài. Người nào nhịn chay nhưng không từ bỏ lời nói dối cũng như có hành vi dối trá thì sự nhịn chay chẳng có giá trị gì với Thánh Allah.

Ngoài thực hiện việc nhịn ăn và kiêng kỵ, người Hồi giáo trong tháng Ramadan còn dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Họ thường cầu nguyện năm lần mỗi ngày, đến các nhà thờ Hồi giáo hoặc ở bất cứ đâu vào buổi sáng sớm, buổi trưa, buổi chiều và khi Mặt trời lặn và buổi tối. Bên cạnh đó, trong tháng Ramadan, người Hồi giáo còn có thêm các buổi cầu nguyện đặc biệt như vào ban đêm, được thực hiện sau bữa Iftar gọi là Tarawih và lần cầu nguyện thức khuya, được thực hiện vào một phần ba cuối của đêm được gọi là Tahajjud.

Lòng trắc ẩn và chia sẻ

Tháng Ramadan cũng là dịp để người Hồi giáo nghĩ đến những người nghèo khổ và đói khát, thể hiện lòng nhân ái và sự chia sẻ với cộng đồng. Nhịn ăn, chịu đói khát… sẽ nhắc nhở họ nhớ đến những người nghèo phải chịu cảnh cùng cực suốt thời gian dài của năm. Họ sẽ nghĩ đến và đồng cảm với những anh em đồng đạo của mình đang chịu đói khát, chịu cảnh thiếu thốn trong cuộc sống, để rồi sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với họ trong cuộc sống.

Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo thường tham gia các hoạt động từ thiện và đóng góp cho các quỹ phúc lợi xã hội, các hoạt động của nhà thờ, hoạt động tôn giáo… Có nhiều cách để thực hành lòng nhân ái trong tháng Ramadan bởi đây là một trong những trụ cột của đạo Hồi. Những người giàu có thường được yêu cầu hoặc tự nguyện đóng góp một phần tài sản của họ cho người nghèo. Hoạt động thiện nguyện rất đa dạng, có thể bao gồm tiền bạc, thức ăn, quần áo, hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị. Đặc biệt, những người giàu có thường phát các suất ăn tại các địa điểm công cộng cho những người vô gia cư, những người nghèo trước bữa Iftar. Ngoài ra, người Hồi giáo có điều kiện còn đến thăm hỏi người già cả, neo đơn, hoặc giúp đỡ người bệnh, người đang điều trị tại các bệnh viện...

Vào mỗi buổi tối sau khi Mặt trời lặn, kết thúc một ngày dài nhịn ăn, người Hồi giáo sẽ cùng nhau ăn bữa ăn Iftar. Đây cũng là thời gian người Hồi giáo quây quần bên gia đình và bạn bè hoặc tụ tập tại các nhà thờ, địa điểm công cộng. Trước bữa Iftar, họ thường uống chút nước hoa quả và ăn nhẹ một số hạt, hoa quả rồi bắt đầu thưởng thức các món ăn truyền thống khác, tùy thuộc vào văn hóa và ẩm thực của từng quốc gia. Thường thì thực đơn của bữa Iftar gồm: Súp, salad, cơm, thịt gà, thịt cừu, thịt bò, các loại đậu, bánh mì, sữa chua, trà, cà phê… Bữa Iftar của người Hồi giáo ở Saudi Arabia (Trung Đông) thường có món Kabsa (cơm, thịt gà, thịt cừu, thịt bò và rau củ), Sambusek (bánh tam giác nhồi thịt hoặc rau củ), Falafel (viên đậu gà chiên giòn). Trong khi đó, bữa Iftar phổ biến ở Algeria (Bắc Phi) thường không thể thiếu được súp Chorba (súp từ cà chua, khoai tây, cà rốt, đậu) và Couscous (hạt lúa mì ăn với thịt gà, thịt cừu và rau củ).

Tháng Ramadan kết thúc với lễ Eid al-Fitr, một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với người Hồi giáo trong tháng quan trọng nhất. Lễ Eid al-Fitr thường kéo dài trong ba ngày, tương tự như Tết cổ truyền của người châu Á. Đây là thời gian để người Hồi giáo vui mừng, chúc tụng và bày tỏ lòng biết ơn đối với Thánh Allah. Lễ Eid al-Fitr bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng Shawwal, tháng thứ Mười trong lịch Hồi giáo.

Ngày lễ Eid al-Fitr cũng được xác định bằng cách nhìn thấy mặt trăng non để đánh dấu mốc chuyển giao năm này sang năm khác. Vào ngày Eid al-Fitr, người Hồi giáo thức dậy sớm hơn để cầu nguyện, sau đó họ đến thăm bạn bè và gia đình, trao quà và cùng nhau thưởng thức bữa ăn... vui chơi và tiếp tục cầu nguyện.

Nguyễn Quốc Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-ramadan-linh-thieng-263296.html