Tháng Tám trong ký ức người cán bộ tiền khởi nghĩa

Ở tuổi 92, 'gia tài' của ông Nông Sán Hoa (người dân tộc Nùng, ở xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng) không có gì nhiều ngoài những cuốn sách, vài quyển sổ ghi lại kỷ niệm của những ngày tháng đã qua và đặc biệt nhất là 'kho' hồi ức về những ngày tháng cùng nhân dân Võ Nhai tham gia tổng khởi nghĩa, nổi dậy giành chính quyền. Năm nào cũng vậy, mỗi độ tháng Tám về, khi có người đến thăm, hỏi chuyện xưa, ông Hoa lại ngồi vào bàn, rành rẽ 'nhặt' lại từng mẩu chuyện về những năm tháng gian khổ những rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Ông Nông Sán Hoa, cán bộ tiền khởi nghĩa.

Ông Nông Sán Hoa, cán bộ tiền khởi nghĩa.

Hun đúc truyền thống cách mạng

Ngược dòng thời gian, cậu bé Nông Sán Hoa sinh ra trong một gia đình có quê gốc ở huyện vùng cao Võ Nhai. Bố cậu là đồng chí Nông Văn Cần, một trong 3 đảng viên của tổ chức đảng đầu tiên ở huyện Võ Nhai (thành lập năm 1937). Sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, ông Cần đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Năm 1940, ông Cần bị địch bắt, đưa đến đồn Đình Cả rồi qua nhiều nhà tù khác nhau, năm 1942 ông hy sinh tại Sơn La.

Cùng chung lý tưởng với chồng, bà Hoàng Thị Thùng cũng tham gia nhiều hoạt động cách mạng tại địa phương, vừa nuôi dạy con vừa nuôi giấu cán bộ của Đảng trong giai đoạn 1935-1945.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, cậu bé Nông Sán Hoa đã được nghe câu chuyện về Trung đội Cứu quốc quân II về Khởi nghĩa Bắc Sơn… Vì vậy, cậu hăng hái tham gia những phần việc phù hợp ở địa phương để phục vụ cách mạng.

Lần theo dòng sử xanh, đầu năm 1940, cả xã Phú Thượng chỉ có vài chục nóc nhà, bốn bề đại ngàn lại được bao quanh bởi những dãy núi đá cao sừng sững. Trẻ con trong xã vẫn chơi khăng, chơi quay ngoài bìa rừng. Nghe người lớn nói, bọn trẻ đều biết chuyện nhà có “khách” đến chơi. Lúc thì họ ở trong nhà, khi lại gặp nhau trong rừng sâu, hang núi để bàn chuyện. Ở xã, ai cũng căm ghét bọn lính hống hách nên mọi người đều quý mến những vị khách này. Lũ trẻ thích chơi cùng các bác, các chú để được nghe kể chuyện về tội ác của thực dân, phong kiến; về những anh hùng áo vải của dân tộc ta hay về phong trào cách mạng.

Ông Hoa nhớ lại: Chúng tôi thích mê! Vì các bác, các chú kể chuyện hay lắm, lại hiểu biết nhiều. Các chú cũng dặn phải đi theo cách mạng, căm ghét bọn thực dân, phong kiến vì chúng làm điều ác với dân mình.

Sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, năm 1943, khi mới 11 tuổi, Nông Sán Hoa tham gia Nhi đồng cứu quốc Hội tại trại tập trung xóm Nà Pheo, xã Phú Thượng. Nhiệm vụ của Hội là đưa tin, báo tin cho các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng về các địa điểm địch đi lùng sục, canh gác những cuộc họp, đôi lúc là đưa thư từ, tài liệu. Những năm tháng ấy, đôi chân của cậu bé Nông Sán Hoa cùng bạn bè đồng trang lứa đi mòn các nẻo đường trong huyện Võ Nhai.

Ông Hoa kể thêm: Lũ trẻ chúng tôi còn được học điều lệ Hội, học hát các bài hát cách mạng, khi nào rảnh thì “quấn chân” các bác, các chú đòi kể chuyện về chỗ này dân ta vùng lên đòi giảm thuế, chỗ kia đồng bào phá kho thóc, có người bí mật hạ gọn tên lính địch…

Ông Nông Sán Hoa trò chuyện với lãnh đạo, cán bộ huyện Võ Nhai.

Ông Nông Sán Hoa trò chuyện với lãnh đạo, cán bộ huyện Võ Nhai.

Những ngày tháng không thể quên

Trong căn nhà sàn gỗ dưới chân núi, ông Nông Sán Hoa kể cho chúng tôi ký ức về những ngày tháng cả dân tộc đứng lên giành chính quyền. Ông kể: Năm 1945, nhận thấy vị trí cửa ngõ của xã La Hiên, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng nhằm quyết tâm bảo vệ châu lỵ, cắt đường liên lạc từ thị xã Thái Nguyên lên Bắc Sơn. Trong suốt thời gian này, phong trào cách mạng của ta vẫn diễn ra sôi nổi.

Lịch sử còn ghi: Đêm 20/3/1945, lực lượng cách mạng do đồng chí Thái Long (Nông Văn Cún) chỉ huy, với hơn 300 người dân La Hiên bao vây châu lỵ La Hiên, kêu gọi địch đầu hàng. Gặp sự chống trả của địch, quân và dân La Hiên đã cùng lực lượng Cứu quốc quân nổ súng tiêu diệt hàng chục tên Pháp, bắt sống trên 100 tên lính khố xanh, lính dõng…

Rạng sáng 21/3/1945, toàn bộ châu lỵ La Hiên được giải phóng. Ngay sáng hôm đó, chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập và ra mắt nhân dân. Sự kiện này như tiếp thêm sức mạnh, động viên nhân dân Võ Nhai và cả tỉnh Thái Nguyên vùng lên giành chính quyền.

Nói đến đoạn này, ông Hoa hào hứng: Sáng ngày 21, để ăn mừng việc chiếm được huyện lỵ La Hiên, tôi hòa vào dòng người cuốc bộ hơn 20 chục cây số xuống La Hiên, chúng tôi vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Chính quyền về tay nhân dân”. Khi đến nơi, chúng tôi kéo hạ lá cờ của địch, rồi kéo cờ đỏ sao vàng của ta lên. Sau đó, dòng người hân hoan kéo về phố Đình Cả để ăn mừng.

Sau chiến thắng ở La Hiên, phong trào cách mạng ở Võ Nhai dần lên cao trào. Ở khắp nơi, quân và dân hợp sức bắt bọn mật thám, gây áp lực tâm lý để ép những tên lính ở trên đồi cao xuống đầu hàng. Lúc bấy giờ, ông Hoa (đã học hết lớp 4), thuộc nhóm có trình độ cao, được phân công làm thư ký cho UBND xã Phú Thượng (từ tháng 3 đến tháng 8-1945).

Ông cũng tham gia đọc báo cho đồng bào dân tộc ở xã Tràng Xá. Ông nói: Tôi là người thông báo cho đồng bào về việc nhân dân cả nước đang nổi dậy tổng khởi nghĩa, địa phương nào đã giành được chính quyền… Mỗi lần được nghe tin chiến thắng, dù chưa mường tượng được địa điểm đó ở đâu nhưng bà con vẫn vỗ tay rào rào…

Trọn đời theo Đảng

Đến bây giờ, khi kể lại câu chuyện về những ngày tháng lịch sử giành chính quyền về tay nhân dân, giọng ông Hoa vẫn nghẹn ngào xúc động. Dường như, trước mắt ông vẫn sâu đậm hình ảnh dòng người sục sôi khí thế cách mạng và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.

Ông Hoa hồi tưởng: Lúc ấy trong tôi có cảm giác lâng lâng thật khó tả, niềm hạnh phúc ngập tràn tâm trí. Dù mới 13 tuổi nhưng tôi thấy mình trưởng thành lắm.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Hoa tiếp tục tham gia hoạt động cùng chính quyền cách mạng non trẻ ở địa phương, trải qua nhiều vị trí công tác từ xã đến huyện, đi học trường sư phạm rồi chuyển sang ngành Giáo dục. Dù ở cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đảng viên kiên trung, hết lòng đi theo Đảng.

Hiện, ông Nông Sán Hoa là cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất còn sống của huyện Võ Nhai. Với ông, điều tự hào nhất không phải là những thành tích, bằng khen, giấy khen mà là việc đã giành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ông chia sẻ: Nhiều năm làm cán bộ, rồi đi dạy học, được ở gần lớp lớp học trò, tôi tự hào vì đã dạy học trò hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, dạy các em luôn yêu nước, tin vào Đảng, sẵn sàng góp sức xây dựng quê hương.

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202408/thang-tam-trong-ky-uc-nguoi-can-bo-tien-khoi-nghia-1dc0160/