Thăng trầm cây mía tím ở Bá Thước

Là huyện có diện tích, sản lượng mía tím lớn của tỉnh, nhưng bởi những tác động tiêu cực từ thời tiết và thị trường trong năm 2020, cây mía tím ở Bá Thước đang phải đối mặt với sự bấp bênh.

Mía tím là loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất xám, đất pha cát hay đất sét nặng, kể cả đất dốc mía vẫn phát triển xanh tốt.

Cây mía tím rất hợp với thổ nhưỡng và khi hậu của huyện Bá Thước. Mía tím Bá Thước rất ngọt, cây mập, dài và đẹp màu, nên rất được ưa chuộng. Theo người dân ở đây, để đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian thu hoạch mía được xem là khâu quyết định đến sự thành bại sau 1 năm trồng mía.

Cây mía chỉ cho hiệu quả cao nhất khi thu hoạch đạt đủ 3 tiêu chuẩn: chín, sạch, tươi. Dấu hiệu để nhận biết cây mía chín như lá khô nhiều, còn khoảng 5 - 6 lá vàng xanh, vỏ thân mía bóng láng, cứng; khi gõ vào thân cây mía nghe tiếng trong, dòn, màu da mía sẫm. Người trồng có thể kiểm tra bằng cách chặt 1 cây để nhai thử, có thể sử dụng brix (máy đo độ ngọt) để đo độ ngọt phần gốc và phần thân gần ngọn. Sau khi đạt các yếu tố trên thì mới tiến hành thu hoạch mía.

Những năm trước, cây mía tím là cây chủ lực của huyện Bá Thước, thế nhưng do đất bạc màu cộng với thời tiết hạn hán kéo dài đợt giữa năm khiến cây chậm lớn, vì vậy năm nay mía kém chất lượng, cây ngắn, mắt lại dày nên người mua không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Huân, Trưởng thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cho biết: Cả thôn có 62 hộ thì hơn 50 hộ trồng mía tím. Những năm trước hầu hết đất nông nghiệp trồng màu trong thôn (khoảng 17 ha) được bà con chuyển sang trồng mía.

Cũng theo ông Huân, năm nay chỉ khoảng 5 ha mía trong thôn bán được, nhưng giá chỉ 3 triệu đồng một sào, thậm chí thấp hơn.

Huyện Bá Thước là một trong những địa phương trồng mía tím nhiều nhất ở Thanh Hóa. Không riêng thị trấn Cành Nàng mà nhiều vùng trồng mía tím khác ở huyện này cũng trong cảnh mất mùa tương tự.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Ân, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết: Năm 2020 tổng diện tích mía tím toàn huyện gần 804 ha, sản lượng đạt hơn 56.000 tấn. So với năm 2019, mía có tăng về sản lượng nhưng năng suất bình quân lại giảm. Diện tích mía mất mùa chiếm khoảng 35-40%.

Theo ông Ân, nguyên nhân mía kém chất lượng là do trong năm có đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 7, cây mía trong thời kỳ vươn lóng không đủ nước nên thắt ngọn, kém phát triển.

Theo dự kiến, năm 2021 huyện Bá Thước giữ khoảng 700 ha trồng mía tím, tập trung cho những vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đối với diện tích kém chất lượng, huyện định hướng chuyển sang cây hoa màu khác như sắn, ngô, cây gai...

Hoài Thu - Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thang-tram-cay-mia-tim-o-ba-thuoc/129589.htm