Thăng trầm của một nghệ nhân, bài cuối: 'Phép lạ'

'Nếu chỉ là nghệ nhân thuần túy không am hiểu về lịch sử văn hóa, tôn giáo, không có niềm đam mê và đức tin thì không tài nào điêu khắc được bức tranh có hồn'. Từ niềm tin đó, nên dù nhiều lần trở về vạch xuất phát, Vinh Coba vẫn không nản lòng.

Đức tin như phép lạ

Sau nhiều lần phá sản trắng tay, Vinh Coba chuyển sang nghề đá mài, ông chế tác ra đá mài kính, khắc trên kính. Không hài lòng với kết quả đó, ông đã dồn tâm huyết nghiên cứu ra công nghệ khắc kính, rồi khắc tranh trên kính.

Rồi Vinh Coba mày mò học hỏi các dòng tranh kính trên thế giới đặc biệt là Pháp, Ý và Tây Ban Nha… đồng thời ông cũng dành thời gian tới 5 năm chỉ để mày mò nghiên cứu cách pha màu. Bởi khi đưa kính vào lò nung, từng bước nhiệt sẽ tạo ra những mảng màu khác nhau.

Vinh Coba đang chế tác chân dung Đức mẹ Maria

Vinh Coba đang chế tác chân dung Đức mẹ Maria

Nói về tranh kính trên thế giới, nghệ nhân Vinh Coba cho biết, “tranh kính trên thế giới đã tồn tại hàng ngàn năm, chủ yếu là tranh Stainedglass. Loại tranh này thường trang trí trên cửa sổ thánh đường nhà thờ Công giáo. Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI, tranh kính Stainedglass phát triển từ châu Âu ra khắp thế giới. Công nghệ hỗ trợ nguyên liệu là thủy tinh màu cán thủ công, kính mài, kính phun cát mờ, kính gluchip. Theo đó, nghệ nhân cắt các miếng thủy tinh mỏng dùng chì ghép lại thành các bức tranh. Một số họa tiết được vẽ bằng màu ceramic, nung ở 800 độ C.

Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, người Mỹ là Tyffani đã cho ra đời dòng tranh kính giống tranh ghép chì Stainedglass, nhờ công nghệ thủy tinh trắng đục, trộn với hạt kính màu cán phẳng bằng máy, gọi là tranh Tyffany. Những mảng màu tranh kính nổi bật và cản ánh sáng đi thẳng, không gây chói, lóa, không làm hư hại nội thất bên trong nhà thờ… Những vân mây trời, vân nước, vân lá… gọi là Mache, rất phong phú giúp khâu tạo hình trở nên dễ dàng hơn”.

Từ việc lĩnh hội các thành tựu khoa học của tranh kính trên thế giới, Vinh Coba bổ sung nghệ thuật điêu khắc trên kính. Kết quả, tranh kính Coba là sự kết hợp độc đáo của ba yếu tố điêu khắc, hội họa và công nghiệp. Nó được tạo ra từ kính, sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại và nghệ thuật điêu khắc, bộ môn đặc trưng của nghệ thuật thủ công.

Công nhân đang vận chuyển tranh đến các nhà thờ Công giáo

Công nhân đang vận chuyển tranh đến các nhà thờ Công giáo

Như phép lạ, những bức tranh cũ kỹ hàng trăm năm bị nứt vỡ theo thời gian, được Vinh Coba thổi hồn giúp các bức họa này sống lại. Bên cạnh đó, Vinh Coba cũng thổi hồn giúp các tấm kính cường lực khô rắn trở nên mềm mại sinh động, đầy sức sống. Mỗi bức tranh kính được ông tạo ra bằng tất cả nhiệt huyết và lòng say mê nghệ thuật.

Theo Vinh Coba, đại tu một ngôi thánh đường, nếu đặt tranh kính từ châu Âu sẽ tốn vài tỷ bạc. Nếu tranh Tây giá khoảng 3.000 USD/m2 (tương đương cỡ 70 triệu đồng) thì tranh Coba chỉ 300 USD/m2 (tương đương cỡ 7 triệu đồng). Hơn thế nữa nó còn có độ bền gần như vĩnh cửu.

Đó không chỉ là những bức tranh điêu khắc thông thường mà là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Mỗi bức tranh đưa vào thánh đường là cả câu chuyện lịch sử Thiên Chúa giáo đã được các thánh sử ghi chép.

Hơn 25 năm gây dựng sự nghiệp, nghệ nhân Vinh Coba đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm như bảng kính ít bụi cho nhà trường, giảng đường đại học… nhưng ông cũng gặp không ít khó khăn từ chính những phát kiến của mình. Từ một công ty sản xuất kính mờ hàng đầu tại Việt Nam với 8 đại lý phân phối, bỗng chốc ông thành kẻ trắng tay khi nhiều đối thủ đã ăn cắp công nghệ của ông.

Nhưng chỉ trong vòng 12 ngày sau đó, Vinh Coba đã nghiên cứu ra 2 công nghệ hóa mờ và hóa trong nhằm đánh lại đối thủ. Nếu như trước kia ông phải mất 5 phút để tạo ra một tấm kính mờ nhờ sử dụng công nghệ phun cát, thì nay với công nghệ hóa mờ, quá trình đó chỉ mất 20 giây.

Bên cạnh đó là cách đào tạo nghệ nhân. Có những công nhân, ông trả lương ròng rã 3 tháng liền chỉ ngồi cầm chiếc máy khắc, đặt cách kính 3 milimet. Ông cho rằng, làm nghệ thuật phải kiên trì, làm nghệ thuật trên kính vừa kiên trì vừa phải đạt độ chính xác rất cao. Nếu sai một li là vỡ kính, mất cả tác phẩm. Sau thời gian dài đào tạo, rèn luyện, từ hàng trăm người, ông đã tuyển ra được vài người đạt yêu cầu. Họ đạt được các yếu tố cần thiết để chế tác tranh trên kính trở thành nghệ nhân.

Đức mẹ Maria bồng Chúa Hài Đồng tại nhà thờ Núi Bổng

Đức mẹ Maria bồng Chúa Hài Đồng tại nhà thờ Núi Bổng

Thành quả đó đã tạo ra bước ngoặt kế tiếp cho con đường nghệ thuật của ông, để sau vài năm, từ phá sản, ông đã gây dựng lại tất cả. Vinh Coba tỏ vẻ hài lòng, “trong lúc bi quan nhất, vẫn phải thật bình tĩnh, phải có bản lĩnh đối mặt để từ đó tìm ra được giải pháp công nghệ thay đổi tình thế. Đó là bài học mà tôi rút ra trong 12 ngày nghiên cứu”, Vinh Coba nói.

Vinh Coba tiết lộ, để hoàn thiện 1 bức tranh chừng hơn 1m2, đồ họa vẽ mất 1 tuần, điêu khắc mất 3 - 4 ngày. Khi hoàn chỉnh xong về màu mới chuyển vào lò nung. Độ bền của tranh nhờ hai yếu tố, kính cường lực và màu, sự kết hợp của thủy tinh và men gốm”. Màu tranh qua 700 độ C đã được thủy tinh hóa, bám chặt không bao giờ bạc.

Không dừng bước khi trở về vạch xuất phát

Trải qua nhiều khó khăn, thất bại thậm chí là phá sản, đến năm 2003, tranh kính Coba mới phát triển ổn định. Tuy nhiên, năm 2008, Hà Đông đô thị hóa mạnh, những nghệ nhân bỏ nghề chạy theo bất động sản, khiến ông thêm một lẫn nữa rơi vào khó khăn. Vinh Coba phải chuyển xưởng về Sơn Tây, những tháng đầu chi phí 100 triệu đồng để vận hành, sau đó là 50 triệu đồng, cố duy trì để giữ nghề.

Giai đoạn này, Vinh Coba bỏ ra 5 năm chỉ để nghiên cứu cách pha màu, thử lửa ở những bước nhiệt khác nhau. Ít lâu sau, Vinh Coba hồi phục được nghề và phát triển tốt. Thế nhưng, năm 2011 bong bóng bất động sản xì hơi, kinh tế khó khăn, các công trình xây dựng đình trệ, dẫn tới sản phẩm tranh kính của ông ế ẩm. Thêm 1 lần nữa ông rơi vào nợ nần, bế tắc.

Sau nhiều lần làm các sản phẩm từ kính, năm 2013, Vinh Coba thử nghiệm điêu khắc tranh trên kính rồi phủ màu đưa vào lò nung. Thất bại cũng nhiều nhưng cuối cùng cũng tạo ra thứ tranh có độ bền gần như vĩnh cửu. “Những bức tranh kính của tôi dám bảo hành 500 năm”, Vinh Coba nói.

Sau đó, ông tập trung nghiên cứu các màu men rồi tập vẽ truyền thần, phong cảnh tại xưởng ở thị xã Sơn Tây. Sản phẩm của ông được nhiều người biết đến bởi chất lượng và giá thành.

Năm 2013, công trình đầu tay của ông là phục dựng những bức tranh kính tại nhà thờ Giáo xứ Đại Ơn, Tổng Giáo phận Hà Nội. Công trình này như là phép lạ khiến Vinh Coba có bước ngoặt được nhiều người biết tới.

Tính từ đó tới nay, Vinh Coba đã phục dựng, làm mới 70 công trình Công giáo trên toàn quốc. Hiện còn nhiều khách hàng là những chức sắc, giáo dân Công giáo. Bởi sản phẩm của Vinh Coba khá phù hợp với kiến trúc Gothic châu Âu.

Đức Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thang-tram-cua-mot-nghe-nhan-bai-cuoi-phep-la-post1472160.tpo