Thăng trầm... đời cói

Cói từng giúp người dân có cuộc sống ấm no. Nhưng rồi cũng chính cây cói khiến người nặng lòng với nghề lao đao, chán nản. Lắng nghe chuyện kể của những người dân trăn trở với thứ cây 'đặc sản' này mới thấy, 'đời' cói, cũng thật sự nhiều thăng... trầm.

Người dân Nga Sơn cần mẫn sáng tạo nên nhiều sản phẩm từ cói.

Người dân Nga Sơn cần mẫn sáng tạo nên nhiều sản phẩm từ cói.

Dù đang bước vào vụ thu hoạch cói mới, nhưng gia đình bà Mai Thị Tươi (thôn 2, xã Nga Tân), một trong những hộ có diện tích cói lớn nhất xã Nga Tân không khỏi não nề. Cũng như hầu hết các hộ trồng cói trên địa bàn huyện Nga Sơn, năm nay do điều kiện khí hậu không thuận lợi, tiêu nước kém, phù sa ít... khiến năng suất cói giảm khá nhiều, chất lượng cói cũng không cao. Nếu như các vụ mùa trước, năng suất cói thường đạt 3,5 tạ/sào thì mùa cói này, năng suất cói của gia đình bà chỉ đạt trung bình hơn 2 tạ/sào. Chưa kể, cói đẹp (cói dài) cũng giảm đáng kể.

Nhưng không chỉ có năng suất cói giảm mà cùng với đó, giá cói bán cũng rớt thê thảm. Bà Tươi chia sẻ: “Hai năm nay giá cói giảm mạnh và đến thời điểm hiện tại, giá cói vẫn tiếp tục giảm. Nếu trước đây, giá cói bình quân với cói dài đẹp là khoảng 17.000 đồng/kg cói khô; cói ngắn đẹp có giá 11.000 đồng/kg cói khô; thì giờ đây, giá cói giảm 30 - 50%. Cói dài đẹp, phơi được nắng hiện chỉ có giá 9.500 đồng/kg; còn cói ngắn đẹp có giá 7.500 đồng/kg. Với cói chất lượng kém, giá còn thấp hơn khá nhiều. Trong khi đó, mọi chi phí cho trồng, chăm sóc cói đều tăng. Từ giá phân bón, thuốc sâu, rồi công chăm sóc, thu hoạch. Trung bình 1 sào cói, chưa tính chi phí đầu tư, chỉ riêng công chăm sóc, làm cỏ, thu hoạch, chẻ, phơi hết khoảng 12 ngày công. Giá cói như 2 năm nay và chi phí hiện tại, người trồng cói chắc chắn lỗ. Và như gia đình tôi, trồng càng nhiều càng lỗ”.

Được biết, hiện gia đình bà Tươi có khoảng 15 sào cói. Trong đó, ngoài diện tích ruộng của gia đình thì những năm qua, do nhiều hộ trong xã bỏ hoang, gia đình bà đã nhận làm vì không muốn để đất hoang hóa. Tuy nhiên, với tình cảnh như hiện tại, “bỏ thì thương, vương lại tội”, dù cói đã đến ngày thu hoạch song với người trồng cói như gia đình bà Tươi lại “trăm mối lo”. Bởi, năng suất cói giảm đã đành, cói xấu, rớt giá, thu hoạch mất nhiều công, bán cói không đủ chi phí, thậm chí không có người thu mua... Và bà Tươi đã tính đến chuyện, với những ruộng cói chất lượng kém thì sẽ... không thu hoạch.

Việc mất giá như hiện nay khiến những hộ trồng cói như gia đình bà Mai Thị Tươi không khỏi lo lắng.

Việc mất giá như hiện nay khiến những hộ trồng cói như gia đình bà Mai Thị Tươi không khỏi lo lắng.

Khép lại câu chuyện với chúng tôi, bà Tươi chia sẻ thêm: “Hai năm nay, chưa ngày nào vợ chồng tôi nghỉ ngơi trước 9 giờ tối. Giá cói giảm, duy trì diện tích trồng cói vì vẫn cứ hy vọng giá sẽ tăng trở lại, chứ như hiện tại, thực sự càng trồng nhiều càng lỗ. Vì để có thêm thu nhập, nên ngoài thời gian ra đồng, về đến nhà là tranh thủ đánh lõi (cói) kiếm thêm thu nhập, dù chẳng được bao nhiêu... thật sự, người dân trồng cói vất vả lắm”.

Gia đình bà Lê Thị Loan ở thôn 4 (xã Nga Thanh) có 2 sào cói. Nỗ lực chăm sóc, mỗi năm thu hoạch 2 vụ được khoảng 1 tấn cói khô. Bà Loan chia sẻ: “Với giá cói hiện nay, chưa trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch... thì tổng 2 sào cói mỗi năm, nếu bán cói khô được khoảng 7 - 8 triệu đồng. Còn nếu từ cói khô, đánh lõi sẽ bán được khoảng 15 triệu đồng. Nhưng việc đánh lõi không phải kéo nhiều tháng. Một ngày, cả hai vợ chồng tôi cặm cụi ngồi đánh lõi cũng chỉ có công hơn 100.000 đồng. Nghề cói vất vả nên các con tôi không ai theo nghề của bố mẹ, người trong thôn đến nay cũng nhiều nhà bỏ nghề rồi”.

Ông Trần Văn Thông, trưởng thôn 4, xã Nga Thanh, cho biết: “Cói là nghề truyền thống của người dân Nga Thanh chúng tôi. Khoảng 30 năm về trước, người dân thôn 4 hầu hết nhà nào cũng trồng cói, làm cói, dệt chiếu rộn ràng. Những năm gần đây, nghề này không còn ổn định, đầu ra bấp bênh, thu nhập thấp lại vất vả nên người dân trong thôn bỏ nhiều. Trong thôn hiện có khoảng 40 hộ còn trồng cói, dệt chiếu cói thì rất ít. Trồng cói cũng chủ yếu là những người có tuổi, còn lao động trẻ thì đã chuyển sang đi làm công nhân cho các công ty may mặc, giày da”.

Sự khó khăn không chỉ đối với những gia đình trồng cói như bà Tươi, bà Loan mà còn diễn ra với cả những đại lý thu mua cói tại địa phương. Ông Trịnh Xuân Nam (thôn 7, xã Nga Tân), cho biết: “Tôi làm nghề thu mua cói nhiều năm qua, nhưng thực sự hiện nay giá cói giảm quá nhiều. Giá dù đã giảm nhưng đầu ra cũng rất chậm. Năm 2023 thu mua cói (cói dài đẹp) của người dân với giá 17.000 đồng/kg, nhưng không xuất được. Vừa qua, để giải quyết lượng cói tồn kho, tôi buộc phải bán lại cho các đầu mối khác với giá 11.500 đồng/kg để dùng làm cói đánh lõi. Tuy đã bán lại với giá lỗ song hiện lượng cói tồn kho vẫn còn hơn 4 tấn”.

Được biết, cói của người dân Nga Sơn, trừ một phần để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thì cói sau khi thu hoạch, phơi khô nhiều năm qua vẫn chủ yếu xuất bán dưới dạng cói nguyên liệu (thô) cho thị trường Trung Quốc. Lý do giá cói giảm bởi thị trường tiêu thụ truyền thống giảm việc thu mua.

Ông Mai Ngọc Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Tân nhìn nhận: “Trước đây xã Nga Tân có 320ha cói nhưng hiện nay chỉ còn hơn 200ha, không có đất trồng lúa. Khoảng 40% hộ dân trong xã trồng cói. Trồng lúa tưởng chừng vất vả nhưng với người dân trồng cói thì sự vất vả còn nhiều hơn. Cây cói xuất hiện trên đồng ruộng Nga Tân nói riêng, Nga Sơn nói chung đã hàng trăm năm qua, người dân cũng có nhiều kinh nghiệm trong canh tác. Dù chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền, động viên người dân nhưng với thực tế hiện nay, nếu cứ mất mùa, mất cả giá thì việc người dân bỏ cói, để ruộng hoang hóa là điều khó tránh khỏi”.

Nhắc đến những người nặng lòng với nghề cói ở Nga Sơn, nghệ nhân Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người. Không chỉ là nghệ nhân am hiểu nghề, bà Việt còn là doanh nhân chứng kiến nhiều thăng trầm, biến động của cây cói, nghề cói và cả sản phẩm từ cói của Nga Sơn.

Cói sau khi phơi khô được người dân đánh lõi.

Cói sau khi phơi khô được người dân đánh lõi.

Ở tuổi 73, vẫn cần mẫn, miệt mài bên những sợi cói để sáng tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ thật đẹp. Nghệ nhân Trần Thị Việt chưa quên câu chuyện đầy biến động về thị trường tiêu thụ của sản phẩm cói Nga Sơn những năm 1990, 1991 khiến những người làm nghề như bà lao đao, mất trắng, thậm chí rơi vào nợ nần.

“Bấy giờ sản phẩm cói Nga Sơn chủ yếu là chiếu cói và thị trường xuất khẩu hoàn toàn phụ thuộc vào Liên Xô. Nhưng vì biến động chính trị, Liên Xô sụp đổ, sản phẩm chiếu cói Nga Sơn mất hoàn toàn thị trường. Khi đó, những tưởng doanh nghiệp như tôi đã bị dồn vào chân tường. Nhưng rồi giai đoạn khó khăn nhất ấy cũng đã có thể vượt qua. Nhưng sự thăng trầm với cói thì dường như chưa bao giờ hết. Năm 2008, suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, ngay cả Việt Trang lại một lần nữa đứng trên bờ vực phá sản. Và hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chúng tôi cũng không tránh khỏi khó khăn... Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, chỉ cần quyết tâm, trăn trở, bền bỉ từng bước khắc phục thì mọi khó khăn, dù là với người dân trồng cói, người làm nghề, hay doanh nghiệp xuất khẩu đều sẽ tìm được cách giải quyết”, nghệ nhân Trần Thị Việt chia sẻ.

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thang-tram-doi-coi-32913.htm