Thăng trầm 'giữ nhịp thời gian'
Thập niên 90 trở về trước, chiếc đồng hồ trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Một trong những món đồ thể hiện đẳng cấp của dân chơi: 'Áo Nato, đồng hồ SK'. Và đó cũng là vũ khí 'cưa gái' đầy lợi hại: 'Một yêu anh có Pơ giô/ Hai yêu anh có Selko đàng hoàng'. Cùng với thời gian, nhiều mặt hàng dần lấn át, đa số không còn mặn mà với những tiếng 'tích tắc, tích tắc' quen thuộc thay vào đó là chiếc điện thoại di động nhiều tiện ích.
Thời hoàng kim
Ngày đó, quan niệm chiếc đồng hồ như một món tài sản quý giá thể hiện đẳng cấp khiến nhiều người nghĩ ngay đến việc mua nó khi bắt đầu dư giả chút tiền. Theo “mốt” nhiều chàng trai cố gắng xoay xở mua được đồng hồ đeo tay để thể hiện sự lịch lãm, quý phái. Gắn bó với bàn ép, bộ van mở, cặp chuẩn - dụng cụ sửa chữa đồng hồ hơn 40 năm, anh Hoàng Đức Sơn, tổ 1, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) vẫn còn nhớ như in cái thời hoàng kim ấy. Anh bảo: “Thanh niên nào mà có chiếc đồng hồ đẹp hiệu SK, Selko đeo tay thì lên mấy chân kính ấy chứ. Nhất là được đi với đám bạn gái chỉ mong có người hỏi: “Bây giờ là mấy giờ” là được dịp “vén tay áo” thể hiện đẳng cấp ngay”. Thời ấy, đồng hồ được ưu chuộng và trở thành vật bất ly thân của những “tay chơi” đến những người bình dân. Nhiều cửa hàng dịch vụ sửa chữa, kinh doanh mọc lên như nấm.
Từ lâu trục đường Chiến Thắng Sông Lô được nhiều người gọi là “con phố thời gian” bởi có hàng chục cửa tiệm chuyên mua bán, sửa chữa đủ loại đồng hồ, từ đồng hồ quả lắc, đồng hồ cơ đến đồng hồ điện tử… Một thời nhiều người ở đây “ăn nên làm ra”, mua được nhà to xe đẹp. Điểm mặt “tên tuổi” của những người một thời gắn bó với chiếc đồng hồ thì không thể không kể đến đại gia đình cụ Bùi Xuân Bi. Những năm về trước dãy cửa hàng của 5 người con trai của cụ là: Bùi Lâm, Hiền Vinh, Đăng Khoa, Hồng Ngọc, Việt Hà một thời khách khứa tấp nập, kẻ ra người vào.
Khách hàng đến xem đồng hồ tại cửa hàng của anh Hoàng Đức Sơn,
phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Theo lời anh Bùi Xuân Vinh, chủ cửa hàng Hiền Vinh, tổ 4 phường Tân Quang (TP. Tuyên Quang) kể lại, thời trai trẻ cụ Bi say mê với những chiếc đồng hồ lắm! Thấy ai đeo đồng hồ là mượn xem bằng được, tưởng chỉ ngắm nghía cho thỏa mãn thôi nhưng với con mắt tinh tường, tài quan sát cụ dần khám phá được nguyên lý của động cơ này. Ước muốn hiểu rõ hơn cấu tạo cùng hoạt động khiến nhiều phen cụ liều lĩnh lắm!... Câu chuyện vào năm 1945, một mình cụ lẻn vào đồn bốt của Phát Xít Nhật để lấy cả hòm đựng đồng hồ trở thành giai thoại của lính bộ đội thời đó. Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu, tích lũy được chút kinh nghiệm cụ Bi cùng gia đình từ Nam Định lên Tuyên Quang lập nghiệp. Mang theo duyên nghiệp với nghề sửa chữa, kinh doanh đồng hồ truyền lại cho 5 cậu con trai. Mỗi người xây dựng cho mình một thương hiệu, uy tín riêng, những cửa hàng này từng là nơi ghé chân của biết bao người. Anh Vinh nhớ lại, thập niên 70, 80 về trước chỉ riêng cửa hàng của người anh trai cả Bùi Lâm mỗi ngày bán được vài nghìn đồng tiền hàng. Lời lãi hàng tháng lo toan được việc ăn ở, tiêu pha của cả gia đình.
Cũng một thời say mê hết mình với chiếc đồng hồ, chị Lê Thị Phiều, tổ 4, phường Tân Quang từng là văn thư của Sở Tài chính - Kế toán. Chị quyết định bỏ cả vị trí “ngon lành” tại một cơ quan nhà nước để về phụ giúp chồng. Chị kể lại, ngày đó khách đến đông lắm, người ra kẻ vào tấp nập. Khách đến sửa thì ngồi kè kè bên cạnh, khách đến mua thì yêu cầu ngắm đủ loại, đòi hỏi tư vấn. Cả ngày tiếp bao nhiêu lượt người đến 9, 10 giờ vẫn chưa được ăn cơm tối. Một mình anh không thể “chạy” kịp nên chị quyết định nghỉ việc để phụ giúp. Ban đầu làm quen với chiếc đồng hồ, tìm hiểu cấu tạo, quy trình hoạt động của nó quả là một khó khăn lớn đối với người phụ nữ như chị. Những linh kiện bé tí ti chị cầm còn rơi nghĩ gì đến chuyện sửa chữa. Bao nhiều lần chị bực mình muốn bỏ mặc nhưng chồng chị vẫn kiên nhẫn động viên: “Khó như chữ, em còn học được nữa là…”. Câu nói bỏ lửng của anh Chính khiến chị càng quyết tâm hơn, phải đến nửa năm sau công việc sửa chữa đồng hồ mới thực sự bắt đầu. Thế là, ngày qua ngày hai vợ chồng gắn bó với cửa hàng, phụ giúp công việc cho nhau. “Thuận vợ thuận chồng” công việc trôi chảy, “đồng ra đồng vào” từ đó. Chị bảo, nhờ kinh doanh đồng hồ mà vợ chồng chị xây dựng nên cơ nghiệp, con cái được ăn học đàng hoàng.
Nỗi niềm... vắng bóng
Ngắm nhìn phố xá tấp nập dòng người qua lại, bên đống đồ nghề sửa chữa gia truyền cũ kỹ, ông Lê Nguyễn Hiển, tổ 13, phường Phan Thiết chia sẻ, hàng chục năm kiếm sống với nghề sửa đồng hồ hơn ai hết ông là người chứng kiến sự thăng trầm của món đồ này. “Khác với ngày trước, vẫn với câu hỏi: “Bây giờ là mấy giờ” thì đa số sẽ rút chiếc điện thoại di động ra trả lời. Thế nên lượng khách đến mua và sửa chữa đồng hồ ở các cửa tiệm nay đã vãn hơn xưa rất nhiều...”, ông Hiển trầm ngâm.
Vậy là, kể từ khi điện thoại di động thịnh hành kèm cả chức năng xem giờ và ngày tháng đã đẩy bật đồng hồ đeo tay khỏi danh sách vật dụng cần thiết. Quãng thời gian điện thoại di động rồi đồng hồ thông minh ra đời cũng là thời kỳ “khủng hoảng” của nghề sửa đồng hồ. Điện thoại có hiển thị ngày giờ, có báo thức làm thói quen đeo đồng hồ của mọi người ít dần lại. Đồng hồ thông minh tích hợp những chức năng theo dõi sức khỏe, sử dụng pin sạc và kết nối với điện thoại là những phát minh tuyệt vời nhưng lại làm khó những ông thợ sửa đồng hồ “già cỗi”. Đồng hồ thời nay chỉ mang tính thời trang, thể hiện đẳng cấp chứ không còn là nhu cầu thiết yếu.
Đi dọc trên trục đường Chiến Thắng Sông Lô một thời tấp nập “người ra kẻ vào” nay cũng chỉ vài vị khách ghé qua. Ông Hoàng Đức Sơn, chủ cửa hàng Đức Sơn cho biết, kinh doanh đồng hồ bây giờ “đói” lắm. Có ngày còn chẳng có khách đến xem nói gì đến chuyện mua. Vì thế, cửa hàng cũng dần thưa thớt, trên trục đường Chiến Thắng Sông Lô chỉ còn dưới chục địa điểm.
Đại gia đình kinh doanh đồng hồ có tiếng một thời với 5 cửa hàng nay chỉ còn duy nhất một cửa hàng của anh Bùi Xuân Vinh. Anh cho biết, có được nghề riêng cho mình ai cũng muốn giữ nghề và sống được bằng nghề thế nhưng quy luật thương trường khắc nghiệt. Mọi người trong gia đình đều tìm cho mình một hướng đi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Riêng anh cái nghiệp đồng hồ gắn bó như một duyên nợ. Thế nên dù chiếc đồng hồ nay đã mất dần ngôi vị nhưng anh vẫn quyết định gắn bó và giữ gìn.
Đến cửa hàng Tuyết Minh, phường Tân Quang, đang lau nhẹ lớp bụi bám vào mặt kính chị Hứa Thị Viên, nhân viên bán hàng tưởng chúng tôi là khách hàng nên đon đả chào mời. Khi được hỏi về công việc kinh doanh giọng ngập ngừng chị nói “Mấy chiếc đồng hồ này cũng phải đến 7, 8 năm chưa bán được. Lượng ứ đọng còn nhiều, khách vào xem hàng thì thưa thớt còn chuyện bán thì...”. Nhìn những chiếc đồng hồ cũ kỹ hiệu KaNa bị lãng quên một góc cửa hàng khiến ai cũng phải tiếc nuối nhớ đến một thời xa vắng. Chị Viên cho biết thêm, đa số cửa hàng bây giờ kèm thêm dịch vụ kính mắt, bán máy tính học sinh... mới kiếm được đồng ra đồng vào. Còn chỉ bán đồng hồ thôi thì khách khứa tìm đâu ra! Hiện nay các thiết bị điện tử khác như điện thoại, máy tính bảng… đều có tích hợp tính năng xem ngày giờ rồi mà!
Tuy nhiên, không phải ai cũng quay lưng với chiếc đồng, hiện nay nhiều người trung tuổi vẫn giữ cho mình một thói quen gắn bó với nó. Ông Trần Văn Thu, thôn An Hòa 3, phường An Tường cho biết: “Mỗi người có một ý thích riêng mặc dù có điện thoại di động nhưng tôi vẫn có thói quen đeo đồng hồ. Thú chơi và sưu tầm đồng hồ cổ trở thành “mốt” mà nhiều người đeo đuổi”.
Theo dòng chảy thời gian... cùng sự phát triển xã hội nhiều vật dụng đang dần được thay thế bởi những đồ dùng tiên tiến hiện đại. Bỏ xa thời hoàng kim một thời, chiếc đồng hồ bước vào thời kỳ khó khăn, thế nhưng giá trị của nó vẫn còn đối với những người thích hoài niệm...