Thăng trầm giữ nhịp thời gian
Nhiều người gọi thợ sửa đồng hồ là 'bác sĩ của những cỗ máy thời gian'. Bền bỉ theo năm tháng, dù nhu cầu sửa đồng hồ ngày càng ít đi nhưng họ vẫn cần mẫn, bền bỉ bám trụ với nghề bởi với họ ngoài vì mưu sinh đó còn là sự đam mê.
Nghề muôn năm cũ
Ngoài 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Phái ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) vẫn giữ thói quen đeo, gìn giữ chiếc đồng hồ Thụy Sĩ hiệu Rado như báu vật. Hơn 40 năm qua, ông Phái luôn đeo món đồ cổ này mà không muốn thay thế bằng bất cứ một chiếc đồng hồ nào khác.
- Không biết bao nhiêu lần con cháu muốn tặng chiếc đồng hồ mới tốt hơn nhưng tôi không đồng ý. Dù chiếc đồng hồ này đã cũ và có thể sẽ phải đem đi sửa chữa nhiều lần nữa nhưng với tôi nó là vật báu, kỷ vật quan trọng. Nó sẽ theo tôi đến hết đời.
Sở dĩ ông Phái nói vậy vì chiếc đồng hồ ấy là kỷ vật thiêng liêng mà một đồng đội trước lúc hy sinh đã tặng cho ông, vật minh chứng cho một tình bạn bền bỉ đi cùng năm tháng. Trong một trận chiến ác liệt, bạn ông Phái bị thương nặng, biết không qua khỏi đã tặng lại ông chiếc đồng hồ này.
Hôm nay, chiếc đồng hồ kỷ vật thiêng liêng bị hỏng nên ông Phái tìm đến cửa hàng Dũng Mạo trên phố Ngân Sơn để chữa. Ông Phái bảo, hơn 20 năm trước, những con phố như Đông Thị, Xuân Đài, Ngân Sơn có rất nhiều tiệm sửa đồng hồ lớn nhỏ. Nghề sửa đồng hồ giúp không ít gia đình khá giả và giàu có. Vậy nhưng cuộc sống thay đổi, những người còn gắn bó với nghề này ngày nay không nhiều. Cả thành phố bây giờ chỉ còn vài người gắn bó với nghề, như một nét xưa cũ của những khu phố cổ.
Tiệm sửa đồng hồ Dũng Mạo nằm lọt thỏm trên con phố buôn bán sầm uất nhất nhì TP Hải Dương. Chiếc tủ nhỏ cũ kỹ cùng những chiếc đục, kéo, nhíp, kính lúp, chổi quét... vật chuyên dụng để sửa chữa đồng hồ được ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cửa hàng, một trong những thợ sửa đồng hồ có tiếng ở TP Hải Dương xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Trong chiếc tủ gỗ màu cánh gián, đôi chỗ đã bạc màu, từng ngăn, từng ngăn ông Dũng để những chiếc đồng hồ mà khách mang đến sửa. Thấy ông Phái đến, ông Dũng nhận ra người quen ngay. Ông đon đả:
- Bác ngồi đợi em một chút. Em phải sửa chiếc đồng hồ này cho xong để chiều khách đến lấy. Khổ quá! Cũ lắm rồi mà họ vẫn cứ muốn sửa chứ nhất định không thay cái mới. Vị khách này ở tận xã Thanh Sơn (Thanh Hà) hẹn chiều nay lấy rồi chứ không em đã sửa ngay cho bác.
Theo ông Dũng, những thợ sửa đồng hồ như ông ngày nay vẫn có việc để làm là nhờ vào những người coi đồng hồ của mình như báu vật. Những chiếc đồng hồ ấy gắn liền với những kỷ niệm đáng nhớ hoặc nó là món quà tặng của một người đặc biệt như trường hợp của ông Phái. Không những vậy, ngày nay, nhiều gia đình vẫn có thú chơi đồng hồ cổ. Họ tìm đến ông để cứu lấy những “cỗ máy thời gian” đã già cỗi. Còn bây giờ, mấy ai đi sửa đồng hồ nữa. Ông Dũng giọng buồn buồn nhớ lại:
- Những năm 70-80 của thế kỷ trước, thời bố tôi còn làm ở HTX Sửa chữa đồng hồ Tiền Phong ngay ngã tư Đông Thị thì nghề sửa đồng hồ “hot” lắm. HTX khi đó có tới 9-10 người thợ, làm luôn chân, luôn tay không hết việc. Nhất là dịp cuối năm, nhiều người tân trang lại nhà cửa thì cũng là lúc họ mang đồng hồ đến sửa chữa nhiều, gồm cả đồng hồ treo tường và đồng hồ đeo tay. Có hôm bố tôi còn phải mang cả về nhà, lọ mọ làm xuyên đêm. Ông không bao giờ cho chúng tôi bén mảng đến tủ đồ nghề, bởi chỉ cần sơ ý đánh mất một chi tiết coi như chiếc đồng hồ đó phải bỏ đi và phải đền với số tiền không nhỏ.
Sau khi HTX Sửa chữa đồng hồ Tiền Phong giải thể, những thợ sửa đồng hồ lành nghề như bố ông Dũng lần lượt ra làm riêng. Ông Dũng cho biết điều đặc biệt ở các cửa hàng sửa đồng hồ ở TP Hải Dương duy trì đến ngày nay đều là do cha truyền con nối.
Ngót nghét hơn 40 năm làm nghề sửa chữa đồng hồ, ông Đặng Cao Tiến, chủ cửa hàng sửa chữa đồng hồ trên đại lộ Hồ Chí Minh không nhớ nổi bao nhiêu chiếc đồng hồ đã qua tay ông mà sống lại. Ông bảo, những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ hưng thịnh của nghề sửa đồng hồ. Thời ấy, giới tri thức rất thích đeo đồng hồ. Đồng hồ thể hiện đẳng cấp của chủ nhân. Giá của mỗi chiếc đồng hồ đeo tay khi ấy không rẻ. Có chiếc bằng ba, bốn tháng lương công chức tiết kiệm mới mua được. Vì quý như vậy nên hồi đó thợ sửa đồng hồ cũng nhiều mà kiếm ăn cũng được. Ông Tiến kể, trong cuộc đời sửa đồng hồ của mình nhớ nhất là lần sửa chiếc đồng hồ Omega bát quái của Thụy Sĩ. Người đem chiếc đồng hồ mạ vàng đến là một thương nhân giàu có nổi tiếng của thành phố thời đó, có giá phải đến vài chục triệu đồng. “Thời điểm đó, chiếc đồng hồ của vị khách ấy là cả gia tài đối với tôi. Cầm chiếc đồng hồ nhận sửa trên tay mà run run, bỏ cả cơm trưa để làm ngay. Bởi nếu sơ sẩy để mất một vài chi tiết của chiếc đồng hồ thì phải đền bại. Sau 1 ngày thì tôi sửa xong. Lần đó, chủ nhân chiếc đồng hồ cũng trả công cho tôi khá hậu hĩnh”, ông Tiến nói.
Những “bác sĩ của cỗ máy thời gian” cho biết thực tế nghề sửa chữa đồng hồ đã hết thời hoàng kim. Đa phần thợ sửa đồng hồ giờ đây bám nghề chỉ vì đam mê, vì giữ nghiệp cha truyền con nối.
Khó có truyền nhân
Nằm ở vị trí đắc địa của một trong những con phố sầm uất bậc nhất của TP Hải Dương là đại lộ Trần Hưng Đạo nhưng tiệm sửa đồng hồ Quốc Dũng của anh Đỗ Văn Dũng khá vắng khách. Cần mẫn bên chiếc đồng hồ đã tháo rời từng chi tiết, anh Dũng bảo, kể từ khi điện thoại di động ra đời kèm theo chức năng xem ngày, giờ thì cũng là lúc những chiếc đồng hồ đeo tay mất dần vị thế. Cũng bắt đầu từ đó nghề sửa chữa đồng hồ bước vào thời kỳ thoái trào và không ít thợ sửa đồng hồ có tiếng bỏ nghề đi tìm việc khác.
- Đã có thời gia đình tôi cả 9 anh chị em theo nghề sửa đồng hồ do cha tôi truyền lại. Chị gái tôi cũng từng là thợ sửa đồng hồ có tiếng ở Hà Nội. Nhưng nay do tuổi đã già, một số anh chị không làm nghề nữa, còn lại mấy người chúng tôi cố giữ nghề để mưu sinh khi không còn việc khác tốt hơn và để giữ nghề truyền thống của gia đình - anh Dũng nói.
Gần 1 tiếng ở quán đồng hồ của anh Dũng cũng chỉ có 1-2 vị khách đến thay pin, tháo chốt còn những người đến sửa chữa sâu không có. "Ngày nay đồng hồ được sử dụng như một vật trang trí. Nhiều loại có xuất xứ từ Trung Quốc giá khá rẻ nên nếu có hỏng thì đa phần sẽ bỏ đi chứ không mang đi sửa. Còn với những loại đồng hồ đắt tiền thì họ lại mang đến nơi bán để được hãng bảo hành. Vì thế thợ sửa đồng hồ bây giờ đa phần ngồi chơi xơi nước chờ khách", anh Dũng nói thêm.
Những người thợ như anh Dũng vẫn cố gắng giữ lấy nghề, vì theo anh đó là nghề cha truyền con nối. Ngoài ra, họ còn làm vì sự đam mê, vì niềm vui mỗi khi làm cho những chiếc đồng hồ sống lại và được lắng nghe nhịp thời gian trôi chảy qua những tiếng tích tắc của những chiếc đồng hồ. Điều đặc biệt, từ nghề sửa đồng hồ mà họ có thêm tri kỷ, những người vẫn còn đam mê dùng đồng hồ cơ, đồng hồ cổ để thỉnh thoảng không hẹn mà đến họ tìm gặp nhau để hàn huyên những chuyện xưa, chuyện cũ.
Giữ nghề đã khó, truyền nghề còn khó hơn, những thợ sửa đồng hồ có tiếng ở TP Hải Dương luôn trăn trở vì hiện nay không mấy ai muốn học nghề này. Thậm chí những người thân trong gia đình họ cũng không muốn tiếp nghề. Ngoài nguyên nhân nghề sửa đồng hồ đỏi hỏi sự cẩn trọng, tỷ mỷ trong từng chi tiết nhưng mức thu nhập không hấp dẫn cũng khiến giới trẻ thờ ơ. Ông Đặng Cao Tiến luôn trăn trở khi tuổi đã cao, mắt đã mờ, chẳng mấy năm nữa mà phải bỏ lại công việc đam mê hơn 40 năm qua nhưng ông vẫn chưa có truyền nhân. Gia đình ông có 2 con trai nhưng cả hai đều không muốn theo nghề của bố. Con trai lớn của ông từng được ông truyền nghề khi còn nhỏ nhưng lớn lên lại mở cửa hàng điện thoại. Con trai ông từng hứa sẽ trở lại theo nghề khi bố không còn làm được nữa. “Tôi biết cháu chỉ nói vậy để an ủi bố chứ chưa chắc đã muốn theo nghề này”, ông Tiến luyến tiếc.
Tháng năm qua đi, vật đổi sao dời, cùng sự phát triển của xã hội, những chiếc đồng hồ có thể sẽ được thay thế bằng những vật dụng tiên tiến, hiện đại hơn. Hình ảnh những người thợ sửa đồng hồ có thể chỉ còn trong hoài niệm nhưng với nhiều thế hệ đó là một nghề thật đáng trân trọng.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/thang-tram-giu-nhip-thoi-gian-191580