Tháng tư nhớ tình ca Trịnh: Sâu lắng ngọt ngào đầy sức sống

Năm tôi học lớp 12B3 trường TH Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong - TP.HCM), cô bạn trường TH Hiếu Thiện – Tây Ninh tặng tuyển tập ' Như cánh vạc bay' của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn .

Nhạc sỹ Trinh Công Sơn

Nhạc sỹ Trinh Công Sơn

Tôi bỗng choáng ngợp với những ca từ lạ lẫm có khi gần như không rõ nghĩa của tình ca Trịnh. Từ đó tôi bắt đầu để ý tới ông và tự tay mua nhiều tuyển tập khác.

Theo tôi, ca từ của Trịnh bình dân, tự nhiên nhưng lại rất cầu kỳ, bác học; từng từ, cụm từ đứt quãng, không liên kết được với nhau theo tự nhiên, nhưng khi hát lên nó như một dòng chảy này tiếp nối dòng chảy khác, êm lắng, nhẹ nhàng dễ ru người nghe vào một thế giới đầy suy tư, mộng mị giữa đời thường. Một thế giới trong đó chính mình bật lên những bức xúc của “người” từ một con người biết yêu thương không biết hận thù.

Tình ca Trịnh rõ rệt hai mảng: Những con người đầy lòng nhân ái biết thương yêu bản thân mình, yêu người - tình ca và thương thân phận con người- gào gọi hòa bình.

Tình ca của Trịnh mơ hồ như ngày tháng không còn lặng lẽ êm trôi theo tháng ngày. Nó có lúc như háo hức, xao động có lúc như lâng lâng bay bổng trong cái tâm thức hư hư thực thực của một thứ tình yêu nào đó, đôi khi đó là cảm giác buồn bã, khắc khoải hay ước mơ trong khoảnh khắc mưa qua “…mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, làm sao em biết bia đá không đau?...” “…xin hãy cho mưa qua miền đất rộng….Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”( Diễm xưa).

Tình ca Trịnh có một cái gì đó xao xuyến với từng cơn mưa chiều lành lạnh hay tiếc nuối những vạt nắng chiều vàng vọt yếu ớt rơi rớt lại ở phía trời xa, bồi hồi nhung nhớ.

Nó nhẹ nhàng phơn phớt, chợt đến chợt đi rồi lớn dần theo nổi nhớ; nó lắng đọng lại chạy dài theo những con đường ngắn dài trong thành phố, trên ghế đá công viên, hay những lúc rong ruổi trong những cơn mưa bất chợt về, lạnh buốt và tê tái sau mỗi chiều tan lớp; bâng khuâng, bùi ngùi, ray rứt với một hương vị tình yêu vừa chớm, những người mới biết yêu: tình yêu thánh thiện của tuổi mới lớn, “Chiều một mình qua phố…âm thầm nhớ tên em (Chiều một mình qua phố)

Lãng mạn, nuối tiếc một mối tình đã đi qua, bình dị mà vô cùng sâu lắng “…Từng người tình bỏ ta ra đi như những giòng sông nhỏ (Tình xa).

Cũng có thể trong tận cùng sự tuyệt vọng vẫn còn đâu đó niềm hy vọng qua từng cặp phạm trù ca từ bình dị: “ Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây” (Tình nhớ)

Tôi thưởng thức nhạc Trịnh như nhấm nháp từng giọt cà-phê. Cái hương vị đắng mà ngọt ngào làm sao! Nó đắng ngay từ đầu lưỡi nhưng ngọt ngào quá khi đến từng thớ thịt, đường gân rồi ngấm từ từ vào từng mạch máu luân lưu khắp cơ thể. Và sau cùng, vừa đủ để chạm vào trái tim mỗi con người yên thương con người, cuộc đời.

Hát tình ca của ông trước hết là tôi hát về ông, hát về “tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về giấc mơ đời hư ảo” (Lời tự bạch của ông), rồi sau đó tôi sẽ hát về tôi, hát cho một tình yêu vừa chớm, đang yêu hay đã yêu và cuối cùng tôi sẽ hát cho đời, hát cho một cuộc đời hữu hạn mà tình yêu thì vô hạn, trường tồn vĩnh cữu.

Tình ca Trịnh lúc nào cũng ẩn hiện đâu đó trong ca từ, có Phật, có Chúa nhưng ý nghĩa sâu sắc của tình ca Trịnh, Phật và Chúa sẽ chẳng bao giờ cứu rỗi ta nếu ta không tự cứu lấy mình.

Tình ca của Trịnh tự bản chất chứa đầy sức sống con người, không phải là sự than van, oán hờn hay cầu xin mà là sự cảm thông thấu hiểu; hiểu để biết rằng trên đời này dù có người giẫm đạp nhau để sống, để thăng quan tiến chức, để mưu cầu lợi ích riêng bất chấp luân thường đạo lý.

Nhưng bên cạnh thói đời vô cảm, bạc ác đó lúc nào cũng có một tấm lòng, dù rằng những tấm lòng đó để gió cuốn đi; hát tình ca Trịnh để sống để lạc quan để tin tưởng vào cuộc đời phải sống này: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi, tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thang-tu-nho-tinh-ca-trinh-sau-lang-ngot-ngao-day-suc-song-xNgkTvlGg.html