Tháng Tư, nhớ và nghĩ

Đầu năm 1972, cùng nhiều bạn bè đồng trang lứa, tôi tạm dừng việc học hành, từ biệt mái trường để nhập ngũ. Giờ đây, sau gần nửa thế kỷ, khi nhắc lại câu chuyện những học sinh, sinh viên nhập ngũ, nhiều người hay dùng một khái niệm đẹp đẽ: 'Xếp bút nghiên lên đường cứu nước'!

Điều đó không sai, nhưng với tôi và tôi tin là với nhiều người bạn tôi, tạm xa việc đèn sách, dù khi đó cái đích của việc học hành với cổng trường đại học hay chuyến du học trời Âu… đã rất gần, chỉ đơn giản là một việc cần phải làm, như bao công việc khác. Có trọng đại, có mới mẻ, hồi hộp và không ít lo âu, nhưng hầu như chẳng ai từ chối hay viện lý do này nọ mà thoái thác. Thậm chí, có những người như bạn tôi, vì một nguyên nhân nào đó, không có tên trong danh sách lúc giao quân, vẫn nằng nặc xông lên đòi đi cho bằng được. Lý do đơn giản, có mấy đứa bạn thân đều đi cả đợt này. Thêm nữa, bạn gái cũng đã tặng cho nụ hôn đầu đời lúc chia tay, cái đặc ân mà nếu chưa đi bộ đội, chắc còn phải đợi thật lâu…

Khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Có một điều thú vị, là trong đội ngũ tân binh năm ấy, khá nhiều anh chàng tên là Bình. Hòa Bình, Thanh Bình, Nam Bình, Vĩnh Bình… Riêng tiểu đội của tôi, đã có tới 4 cậu tên Bình. Đơn giản bởi tất cả đều sinh năm 1954, năm mà Hiệp Định Giơ-ne-vơ được ký kết, lập lại hòa bình ở Việt Nam cùng toàn cõi Đông Dương. Những bậc làm cha mẹ đặt tên cho con mình là Bình như một sự ghi nhớ, cũng là niềm hy vọng hòa bình thật sự sẽ trường tồn với non sông, đất nước và những đứa con mình sinh ra trong thời điểm đáng nhớ ấy, sẽ được sống trong hòa bình mà xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Khi chọn tên cho con như vậy, chắc họ không thể ngờ ngót hai chục năm sau, những chàng trai tên Bình ấy lại dấn thân vào một cuộc chiến đầy khốc liệt.
Năm 1972 ấy, Hà Nội có 2 đợt tuyển quân lớn, tháng Một và tháng Tư. Những người lính đi tháng Tư, khi kỳ thi tốt nghiệp cấp III đã cận kề, những chú ve đã ngập ngừng lên tiếng trên tàng hoa phượng đỏ. Và những anh chàng có sinh nhật tháng Tư, còn kịp bó loa kèn trắng tinh khiết từ tay cô bạn gái thân yêu. Ở cái thời điểm ấy, sự lên đường của họ càng đáng quý trọng biết bao nhiêu.
Những chàng trai Hà Nội lên đường ngày ấy đều không biết hầu hết trong số họ sẽ tham dự chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu khốc liệt giữ vững vùng giải phóng, mà bi hùng nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, một sự kiện nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cùng với những chiến thắng của quân và dân cả nước, chiến công oanh liệt tại mặt trận Quảng Trị đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, để cả nước xốc tới thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ những ngày tháng Tư năm 1972 ấy đến tháng Tư 1975, khi cả nước hoàn thành cuộc trường chinh vĩ đại, tiến đến cái đích cuối cùng thu giang sơn về một mối là cả một chặng đường dài với biết bao hy sinh, gian khó. Rất nhiều người lính Hà Nội lên đường vào tháng Tư năm 1972 đã không đi được hết chặng đường đầy gian khó, mà tự hào vẻ vang ấy. Cũng không ít người đã hy sinh vào những giờ phút quyết định của cuộc chiến cũng như với một đời người. Dù ngã xuống bên bờ Thạch Hãn hay trước cửa ngõ Sài Gòn, sự ra đi của họ đều góp vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Vinh dự, tự hào nhưng với gia đình, bè bạn… đó là sự mất mát không gì bù đắp nổi. Tôi có ít nhất 5 người bạn đồng môn tại trường cấp III Thăng Long, Hà Nội cùng lên đường trong tháng Tư năm ấy nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị. Chúng tôi, sẽ mãi mãi không thể quên người bạn hy sinh ngay trong trận đánh cuối cùng trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực mà cánh lính ngày ấy hay gọi là trận đánh cắm cờ. Bạn tôi hy sinh khi trong túi ngực áo quân phục đã có tờ quyết định ra Bắc học sĩ quan. Lại nghĩ đến cái mảnh giấy mà nhiều người bây giờ gọi là tờ A4 với cái câu: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi. Cầm tờ A4 đời đời ấm no”... mà thấy đáng buồn làm sao khi đã và đang có không ít những kẻ chạy chọt, bao che cho nhau để có cái tờ giấy mà họ coi là bùa hộ mệnh ấy. Điều còn lại với bạn tôi là bức ảnh mãi mãi tuổi hai mươi, với nụ cười tươi rói khoe chiếc răng khểnh chụp ngày lên đường. Anh cùng các bạn hy sinh năm ấy, giờ như một sợi giây liên kết đám bạn chúng tôi ngày ấy. Để mỗi dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4 hay ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chúng tôi quây quần ôn lại những kỷ niệm một thời.
Chiến tranh có những quy luật kỳ lạ. Khốc liệt đến đâu, dữ dội đến đâu cũng có những khoảng lặng, những giây phút bình yên, dù là cái tĩnh lặng nhất thời trước một trận đánh. Những ngày tháng 4/1972 ở Quảng Trị có những giây phút hiếm hoi như vậy. Những lúc đó, nét hào hoa của chàng trai Hà Nội được dịp bày tỏ. Một cậu lính dáng thư sinh, nước da học trò còn chưa kịp bắt nắng, sẵn sàng đi hàng cây số dưới cái nắng tháng Tư Quảng Trị để mang về chùm cành hoa giấy thắm đỏ trang hoàng cho lễ kết nạp đoàn viên mới của Chi đoàn. Ngón tremolo trên cây ghita của anh bộ đội nhà ở Phố Huế làm say lòng nhiều cô gái vùng mới giải phóng Cam Lộ, trước đó hình dung Việt Cộng nếu không ốm đói thì cũng thô ráp, cục mịch. Họ hồn nhiên như đang sống giữa TP quê hương, dù chỉ ít phút nữa, chưa cần phải vào một trận đánh, sẽ có người ra đi mãi mãi vì một quả bom B52 dính cánh hay một phát pháo mồ côi vu vơ…
Năm ngoái, tròn 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội vừa vượt qua những ngày giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, với khẩu hiệu ở yên trong nhà là yêu nước. Lại nhớ đến những lớp thanh niên Hà Nội tạm biệt TP quê hương trong tháng Tư của gần 50 năm trước với tinh thần yêu nước thì phải lên đường đánh Mỹ. Những ngày giãn cách ấy, giở những tấm hình cũ lại gặp hình ảnh một trong những người bạn đã hy sinh nơi chiến trường Quảng Trị giữa tuổi đôi mươi cùng nụ cười tỏa nắng. Ngắm tấm ảnh mà thương nhớ bạn đến nao lòng.
Lại một tháng Tư đầy dịu dàng của nắng, gió nữa về với Hà Nội. Những thiếu nữ Hà Nội lại vô tư tạo dáng trên trước cổng Đại sứ quán một nước châu Âu chụp ảnh trên thảm hoa sấu rụng trắng vỉa hè. Hà Nội sau bao nhiêu năm vẫn thế, dù phát triển hiện đại bao nhiêu, vẫn qua một tháng Tư đong đầy kỷ niệm. Ngót nửa thế kỷ nay, với người Hà Nội, tháng Tư cũng là dịp nhớ lại và suy nghĩ về những con người mà sự hy sinh cùng những kỷ niệm đẹp đẽ về họ khiến tháng Tư Hà Nội đẹp hơn trong những ngày kỷ niệm trọng đại hôm nay.q

Tùy bút của Việt Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thang-tu-nho-va-nghi-417300.html