Thanh Ba thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song từ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh và chính sách hỗ trợ từ nội lực của huyện đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp Thanh Ba phát triển.
Theo Nghị quyết 33 của HĐND huyện, đến hết năm 2021, huyện thực hiện hỗ trợ diện tích bưởi trồng mới 5ha, thâm canh 15ha, nội dung hỗ trợ cây giống, hệ thống tưới với định mức 35 triệu đồng/ha.
(baophutho.vn) - Những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song từ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh và chính sách hỗ trợ từ nội lực của huyện đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp Thanh Ba phát triển.
Với quan điểm tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ những khâu khó, khâu mới trong quá trình thực hiện, ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo quy trình an toàn; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; xúc tiến thương mại, hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng, nhu cầu sản xuất của nhân dân, huyện cân đối, lồng ghép, huy động các nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các mô hình, dự án nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo tính khả thi để nhân rộng. Đồng thời tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình, dự án theo đề xuất của các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan. Để các nguồn vốn hỗ trợ thực sự hiệu quả, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, chỉ đạo các phòng, đơn vị chủ trì tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá cơ chế hỗ trợ hàng năm. Căn cứ văn bản chỉ đạo của huyện và tình hình thực tế, các cấp ủy, chính quyền đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hiệu quả.Theo đó, các nghị quyết chuyên đề về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện cũng như các chương trình hỗ trợ khác được Thanh Ba nhanh chóng cụ thể hóa. Thực hiện Nghị quyết số 11 của HĐND huyện ban hành năm 2016 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với cơ chế hỗ trợ các chương trình nông nghiệp trọng điểm đã có 200 lượt đối tượng là các HTX, tổ hợp tác (THT), trang trại, hộ gia đình liên kết sản xuất được hưởng hỗ trợ với tổng kinh phí trên 336 triệu đồng; trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện hỗ trợ liên kết trong sản xuất chè, hỗ trợ phát triển và hình thành những vùng sản xuất bưởi tập trung...Đối với Nghị quyết số 33 của HĐND huyện ban hành năm 2019 về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, chỉ tính trong năm 2020, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ đối với cây chè, cây bưởi, cây gai xanh, mô hình dự án nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa với tổng kinh phí hỗ trợ trên một tỉ đồng. Đối với các Nghị quyết chuyên đề của tỉnh như Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện đã có trên 10.500 lượt đối tượng HTX, THT, hộ gia đình liên kết sản xuất được hưởng hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện gần 2 tỉ đồng để phát triển lúa chất lượng cao, xử lý chất thải trong chăn nuôi và phát triển thủy sản. Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh, Thanh Ba đã và đang triển khai, rà soát để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất với những diện tích chuyển hóa rừng gỗ lớn đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ là 33,5ha; đẩy mạnh triển khai dự án liên kết trồng sản xuất và chế biến chè búp tím diện tích 17ha tại xã Hanh Cù và dự án liên kết sản xuất tiêu thụ gà thương phẩm tại xã Đỗ Sơn... Đồng thời huyện cũng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, chương trình 135, chương trình hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, chính sách đầu tư của tỉnh để hỗ trợ sản xuất. Có thể thấy, từ các nguồn vốn hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân địa phương, giúp họ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn có tính liên kết, hình thành các vùng tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, nông nghiệp của Thanh Ba chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 là 4,2%/năm, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm bình quân giữ ổn định 12 nghìn ha, giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 97 triệu/ha; các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt bình quân 150-250 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân khu vực nông thôn khoảng 39,5 triệu đồng/người/năm...