Thành, bại tại… con giống

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và các đại biểu tại Hội nghị 'Quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2021' tổ chức tại Sóc Trăng vào ngày 22-1, chất lượng con giống quyết định rất lớn đến sự thành công của nghề nuôi tôm nước lợ và điều này đã được minh chứng rất rõ nét trong thời gian vừa qua.

Đại diện các tỉnh ký kết Quy chế phối hợp quản lý con giống năm 2021. Ảnh: TÍCH CHU

Đại diện các tỉnh ký kết Quy chế phối hợp quản lý con giống năm 2021. Ảnh: TÍCH CHU

Theo Thứ trưởng, công tác kiểm tra chất lượng, nguồn gốc con giống thời gian qua vẫn chưa đủ để ngăn chặn nguồn giống chưa đạt chất lượng ra thị trường. Do đó, tại hội nghị này, chúng ta cần bàn giải pháp siết chặt công tác quản lý ngay từ nguồn giống bố mẹ cho đến khâu lưu thông phân phối. Phải cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ nhằm chủ động nguồn giống phục vụ cho nghề nuôi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam cho biết, nhu cầu con giống cho nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh khoảng 20 tỉ con mỗi năm, nhưng các cơ sở trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu này, còn lại là từ các tỉnh khác đưa về. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam khẳng định: “Chất lượng con giống quyết định rất lớn đến thành công của nghề nuôi và mỗi một doanh nghiệp mang đến Sóc Trăng con giống khỏe mạnh, sạch bệnh cũng chính là mang đến sự thành công và niềm vui cho người nuôi tôm Sóc Trăng”.

Để có nguồn giống, cơ sở sản xuất giống tốt, theo Thứ trưởng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thủy sản với thanh tra bộ, các ngành, địa phương có liên quan và phải thực hiện một cách kiên quyết. Đối với công tác kiểm dịch, phải làm đúng luật, xử lý nghiêm các vi phạm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và tạo sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh. Công tác phối hợp phải thực sự tốt, nhất là công tác giám sát, quan trắc môi trường, dịch bệnh để có số liệu phục vụ cho việc xây dựng thể chế, chỉ đạo điều hành, cập nhật và thống kê, đặc biệt là công tác dự báo cũng như phòng chống dịch bệnh trên tôm. Liên quan đến quy chế phối hợp trong quản lý con giống, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các tỉnh cần rà soát thật kỹ trước khi ký kết để thực hiện một cách hiệu quả, chứ không phải chỉ ký cho có phong trào. Thứ trưởng chỉ đạo: “Phải có đánh giá kỹ lưỡng, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện quy chế. Phải làm hết sức chặt chẽ và nghiêm túc vì chúng ta không có thời gian để làm phong trào nữa đâu. Hàng tháng, hàng quý, năm phải có sơ kết, tổng kết để phân tích hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp sắp tới như thế nào… chứ không chỉ nói chung chung được”.

Để đưa công tác giống trở thành ngành công nghiệp giống xứng tầm với nghề nuôi, theo Thứ trưởng khoa học công nghệ phải là lĩnh vực tiên phong. Phải cập nhật tính trạng, các dòng tôm bố mẹ có tính trội, phù hợp với vùng nuôi, điều kiện nuôi cụ thể, còn nếu để lẹp xẹp hàng ngàn cơ sở như hiện nay thì làm gì có được một ngành tôm sản xuất mang tính hàng hóa cao. “Muốn làm được như thế thì khoa học phải đi tiên phong trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới. Không thể để mấy chục năm chưa ra được một dòng con giống hay khi mới đưa ra thì đã lạc hậu so với thực tế. Cần thiết phải xây dựng lại lực lượng khoa học công nghệ tâm huyết, giỏi về chuyên môn và phải có thu nhập đảm bảo cuộc sống khá giả, giàu có hơn” – Thứ trưởng nêu rõ.

Vấn đề mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay gặp khó ở thủ tục đất đai, theo Thứ trưởng cần có giải pháp tháo gỡ vì hiện nay chúng ta đang thực hiện 14 FTA, nên vấn đề sản xuất phải tuân theo tiêu chuẩn, phải truy xuất được nguồn gốc, phải coi trọng và áp dụng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất cho đến chế biến, xuất khẩu, trong đó, khâu sản xuất giống cũng không là ngoại lệ. Đối với các hiệp hội, Thứ trưởng đề nghị cần phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền vì đã có luật, có chiến lược rồi. Phải cùng với các đơn vị quản lý như: khuyến nông, chi cục thủy sản, khoa học công nghệ phối hợp xây dựng các mô hình nuôi hiệu quả để nhân rộng.

Cũng theo Thứ trưởng, làm nông nghiệp vốn dĩ đã rất khó với 3 cái “treo” vào đầu là: dịch bệnh, thiên tai và giá cả, nên tất cả đều phải được chuẩn bị trước, chuẩn bị kỹ, chứ nếu để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì thiệt hại là rất lớn, việc khắc phục mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Thứ trưởng kết luận: “Không thể để con giống không đủ tiêu chuẩn vẫn được tiêu thụ như con giống đủ tiêu chuẩn trong khi đây lại là yếu tố đầu vào rất quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Đừng để con giống không đủ tiêu chuẩn làm cho hộ cận nghèo trở thành hộ nghèo, người vay vốn trở thành trắng tay chỉ sau 1 vụ nuôi, chỉ vì con giống không đạt tiêu chuẩn hay kém chất lượng”.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/thanh-bai-tai-con-giong-45255.html