Thanh Bùi: Sản phẩm 'mì ăn liền' không đóng góp cho xã hội
'Tôi tin với gần 100 triệu dân, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nơi mà các tài năng có thể sống bằng nghệ thuật và cạnh tranh lành mạnh, không phải tạo scandal hay lệ thuộc vào nhãn hàng'.
Thanh Bùi mới tham gia buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề Ngành Công nghiệp giải trí và Truyền thông tương lai tại TP.HCM.
Học nhạc hoàn thiện con người, xem trực tuyến là tương lai của nghệ thuật
Thanh Bùi cho rằng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn một hệ sinh thái âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, anh thấy điểm sáng khi dịch bệnh đã tạo thói quen cho khán giả xem trực tuyến trả phí lẫn miễn phí. Là nghệ sĩ, anh rất hiểu cảm giác thăng hoa khi đứng diễn trực tiếp trên sân khấu trước nghìn khán giả nhưng nghệ thuật trực tuyến có thể tiếp cận số lượng khán giả lớn hơn thế gấp nhiều lần.
Theo Thanh Bùi, những nền tảng trả phí tạo thành xu hướng trong mùa dịch. Năm 2019, 80% thu nhập của âm nhạc đến từ phương tiện truyền-phát trực tuyến. ''Thế giới ngày càng phẳng, Mỹ và Hàn Quốc đã làm rất tốt việc mang âm nhạc đi khắp thế giới, quảng bá cho đất nước của họ. Khi thế giới đóng, Việt Nam mở, cơ hội sẽ đến với chúng ta. Tôi tin xem trực tuyến không dừng lại ở xu hướng mà là tương lai của nghệ thuật" - Thanh Bùi nói.
Theo Thanh Bùi, ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự hình thành và đi vào khai thác, hiện chỉ chiếm một phần nhỏ GDP. "Chỉ khi âm nhạc trở thành một ngành công nghiệp đúng nghĩa, bạn mới hiểu rằng nếu bạn làm không đủ tốt, sẽ có hàng nghìn người sau lưng sẵn sàng thay thế bạn. Sự cạnh tranh lành mạnh là rất cần thiết", anh nói.
Không chỉ là nghệ sĩ, Thanh Bùi còn chia sẻ với góc độ nhà giáo dục, doanh nhân. Trả lời câu hỏi học nhạc để làm gì? Anh kể câu chuyện của chính mình. Theo đó, tất cả trẻ em Australia lên 5 tuổi đều được tặng một cây ghi-ta và một chiếc đĩa hát. Điều đó khiến anh - một cậu bé theo cha mẹ sang Australia có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc.
Thanh Bùi cũng được xem show như một phần của chương trình học. Lần đầu tiên trong đời xem vở kịch Vua sư tử, anh khóc, cười, như sống trong một thế giới khác suốt 2 giờ liền. Đó là cảm xúc mà nhiều chục năm trôi qua, nghệ sĩ vẫn nổi da gà.
Trái lại, trong chuyến đi Vĩnh Long trước dịch bệnh để xây những trung tâm nhỏ giúp trẻ em nơi đây tiếp cận âm nhạc, Thanh Bùi ngỡ ngàng trước những đứa trẻ lần đầu thấy đàn piano: "Ấn thử vào phím đàn, các em bất ngờ khi chúng phát ra âm thanh. Thật không thể tin nổi, đây là năm 2020!".
Như vậy, câu trả lời của Thanh Bùi là: "Học nhạc để hoàn thiện một con người. Các học trò của tôi được đào tạo 7-8 năm tại học viện hiện đã đạt được những thành tựu ngoài nghệ thuật như làm kỹ sư hóa chất, bác sĩ... trên khắp thế giới. Học nhạc không nhất thiết để làm ca sĩ. Âm nhạc kết nối con người với thế giới".
Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các tài năng sống bằng nghệ thuật
Về vấn đề bản quyền, Thanh Bùi cho rằng thực trạng đã cải thiện nhiều. Những năm mới về Việt Nam, anh bất ngờ khi bài hát của mình có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên TV hoặc ai đó thản nhiên sử dụng. Hiện tại, nghệ sĩ vui khi mọi người đã hình thành thói quen xin phép sử dụng ca khúc và trả phí. Anh tin rằng, mấu chốt ở giáo dục. Khi trẻ hiểu được giá trị của nghệ thuật, các bé sẽ có thái độ ứng xử đúng đắn.
Thanh Bùi khẳng định mọi thứ ở Việt Nam đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Anh tin thị trường Việt Nam rất tiềm năng với hơn 95 triệu dân, 70% người dưới 30 tuổi, cơ sở hạ tầng đang phát triển đều đặn với GDP tăng 5 - 7%/năm. Theo tháp Maslow, người Việt Nam đang ngày càng quan tâm chất lượng sống, nhu cầu tiếp cận nghệ thuật của người trẻ cũng tăng đều theo đó.
Tuy nhiên, Thanh Bùi cho rằng các nhà đầu tư cần đầu tư dài hạn. Bởi lẽ, nếu chỉ đầu tư ngắn hạn như đầu tư để kiếm tiền có thể giết chết một thị trường non trẻ. Thanh Bùi trăn trở thị trường âm nhạc Việt Nam đang bị các nhãn hàng chi phối.
"Các nhãn hàng định hướng nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật định hướng họ. Bản quyền chưa ổn định, khán giả chưa có tư duy trả phí hiển nhiên các nhãn hàng định hướng nghệ thuật với tư cách nhà tài trợ", anh nói.
Thanh Bùi hào hứng dẫn chứng những lần anh hợp tác với nghệ sĩ quốc tế, như apl.de.ap nhóm Black Eyed Peas hay nhóm BTS. Đến nay, nghệ sĩ vẫn được tiền tác quyền và thậm chí điều này sẽ tiếp diễn đến đời con, cháu của anh khi anh mất đi. Nghĩa là, sự khác nhau mấu chốt ở nghệ sĩ nước ngoài có thể kiếm tiền phần lớn từ tài năng của họ hơn là từ nhãn hàng.
Vì thế, anh mong trong tương lai xa, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nơi mà các tài năng có thể sống bằng nghệ thuật và cạnh tranh lành mạnh, không phải tạo scandal hay lệ thuộc vào nhãn hàng.
Để được như vậy, theo Thanh Bùi, các bố mẹ nên đầu tư vào cho ước mơ theo đuổi nghệ thuật của con cái. "17 tuổi, tôi tự lực cánh sinh, bố mẹ không ủng hộ mình. Cảm giác hai người sinh ra mình quay lưng với ước mơ của mình, với tôi rất khó diễn tả. Tôi nghe câu chuyện này rất nhiều. Khi chúng ta đào tạo ra một thế hệ trẻ sống đúng với chính mình, dùng tài năng tác động tích cực đến xã hội và được nhìn nhận một cách trân trọng, mọi thứ sẽ trở thành vòng tròn. Chúng ta sẽ xoay vòng và xây nên một thị trường đúng tầm thế giới", anh nói.
Mong thế hệ trẻ giỏi hơn mình 1.000 lần
Thanh Bùi nhấn mạnh, chính sách của nhà quản lý rất quan trọng. Anh tin rằng theo sự chuyển dịch, ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam càng tạo ra giá trị tài chính thì vấn đề bản quyền sẽ càng chặt chẽ hơn.
"Một số quản lý có nền tảng về doanh nghiệp, một số khác có nền tảng về nghệ thuật nhưng rất hiếm người được đào tạo bài bản, có thể quản lý tất cả khía cạnh kinh doanh, nghệ thuật, thái độ, hành vi… của nghệ sĩ. Không có quản lý ASK, nghệ thuật của Việt Nam không phát triển nổi", nghệ sĩ nêu quan điểm.
8 năm chuyên tâm vào đào tạo, Thanh Bùi nhận thấy thế hệ trẻ đang tiếp thu cái mới quá nhanh. Điều này tích cực nhưng cũng tạo tâm lý muốn thành công sớm, bị cuốn theo xu hướng và bị tác động bởi truyền thông xã hội khi giá trị nội tại chưa đủ bền vững, chưa hiểu rõ mình là ai, cần gì…
"Ngày xưa, chúng ta dùng băng cát-xét, đĩa CD, viết thư tay gửi cho nhau. Chúng ta sống chậm nhưng sâu. Hiện nay, mọi thứ đều quá nhanh, tiện lợi và có sẵn, con người khó dừng lại để khai thác chiều sâu của bản thân. Tôi có lời khuyên, các em hãy sống chậm lại để nhìn thấy giá trị trong những thứ mình làm và trải qua", anh nói.
Thanh Bùi nhắn nhủ những cá nhân bất cứ lứa tuổi nào đang theo đuổi nghệ thuật, hãy đi học để xác định đam mê của mình là gì. Học không gói gọn trong trường lớp mà qua nhiều phương tiện, sự tìm tòi, học hỏi... Khi đó, đam mê sẽ dẫn con người kết nối với những người giống nhau.
''Nghệ thuật là nơi các bạn nhận nhiều sự khước từ hơn cái gật đầu. Vì thế, đừng bận tâm quá nhiều xã hội và những người xung quanh nghĩ gì về mình. Các bạn nên sống chậm lại. Xin lỗi nhưng sản phẩm "mì ăn liền" hoàn toàn không thể đóng góp cho xã hội. Làm sản phẩm "mì ăn liền" để chạy show không tạo ra giá trị gì cả. Tôi mong thế hệ trẻ phải giỏi hơn mình gấp 1.000 lần", Thanh Bùi nói.
Xem thêm: Thanh Bùi song ca BTS bài "Danger":
Xem thêm: Thanh Bùi song ca Apl de Ap bài "The time":