Thành cổ Châu Sa, phục dựng thế nào?

Buổi sáng ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, tôi về làng cổ Châu Sa, bây giờ có tên Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi). Ngôi làng có 1.500 hộ, với nhà cửa xây dựng hoàn toàn theo kiểu mới, thật khó để gọi đó là làng cổ, nếu chúng ta không nhìn sâu vào lịch sử, nhìn kỹ vào những dấu tích còn lại, tuy không nhiều.

Ai cũng biết, thành cổ Châu Sa của người Chăm, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII - VIII, vốn là Kinh đô hành chính của người Chăm xưa. Nhưng từ thế kỷ XV, khi Hoàng đế Lê Thánh Tông đưa quân vào Quảng Ngãi, chinh chiến tới tận Kinh đô Đồ Bàn Bình Định, thì một bộ tướng của Lê Thánh Tông là Đặng Viết Thời được giao quản lý một vùng đất rộng lớn từ Bình Sơn (sau này thuộc Quảng Ngãi) tới tận đèo Cù Mông, gồm 2.000 hộ dân (chủ yếu là người Việt). Tướng Đặng Viết Thời đã là Thành hoàng của làng cổ Châu Sa, là người tiền hiền trực tiếp lập làng và quản lý Châu Sa như một ngôi làng, chứ không còn là thành Châu Sa như một kinh đô hay cố đô của người Chăm nữa.

Các vật liệu kiến trúc từ lò nung được phát lộ tại hố khai quật thăm dò khu vực thành Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: K.NGÂN

Các vật liệu kiến trúc từ lò nung được phát lộ tại hố khai quật thăm dò khu vực thành Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: K.NGÂN

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, thành Châu Sa hiện tại chỉ còn một... tấm bia mới lập ghi dấu, chứ thành cổ đắp bằng đất đã không còn. Những lũy tre và đường hào cũng chỉ còn khá lơ thơ. Những bụi tre còn sót lại là minh chứng cho sự tồn tại của dải thành bằng đất ngày xưa.

Điều rất thú vị là ngôi mộ của Thành hoàng làng cổ Châu Sa Đặng Viết Thời vẫn còn, đã được gia tộc họ Đặng phục dựng, và sẽ là một điểm đến quan trọng dành cho khách du lịch và những nhà nghiên cứu lịch sử.

Không thể phục dựng toàn bộ thành cổ Châu Sa, cũng không thể phục dựng toàn bộ phần hào nước và lũy tre trước hào. Nhưng có thể và rất cần làm, là phục dựng một phần gồm thành bằng đất, hào nước và lũy tre, tất cả chỉ dài từ 300 - 500m. Cũng rất cần làm, là đào khảo cổ một khu vực có diện tích nhỏ ngay ở một cửa thành cổ, trưng bày những hiện vật cổ mà quá trình khảo cổ trước đây đã thu thập được. Những công trình này đều không lớn, không tốn nhiều tiền, nhưng nếu không làm, thì khách du lịch không thể hình dung thành Châu Sa và làng cổ Châu Sa có vóc dáng ngày xưa thế nào.

Nhân đây, cũng xin đề xuất một công việc mà ngành du lịch Quảng Ngãi nên làm, đó là tiến hành lập "Bản đồ những điểm du lịch Quảng Ngãi", trong đó dĩ nhiên có làng cổ Châu Sa. Từ bản đồ ấy, chúng ta mới có quy hoạch cụ thể, điểm du lịch nào làm trước, điểm nào làm sau, và cách kết nối những điểm du lịch với nhau, tạo thành chuỗi để phục vụ cho những tour du lịch.

Bây giờ, cần biến những “tiềm năng du lịch Quảng Ngãi” thành hiện thực, chứ không để mãi mãi chỉ là “tiềm năng”, vì ở thời “địa ốc đứng lên” như bây giờ, thì những làng cổ như Châu Sa đã và sẽ bị biến mất. Du lịch không thể chỉ giới thiệu bằng miệng hay trên giấy, mà phải có không gian, có hiện vật, có lịch sử, nhờ phục dựng dù chỉ một phần, hiện diện trước mắt khách du lịch.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202409/thanh-co-chau-sa-phuc-dung-the-nao-0ae1b6e/