Thành công của chính sách là ở khâu thực hiện

'Vấn đề quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành. Phải xác định đây là một nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề đối với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đòi hỏi mỗi chúng ta phải phát huy trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng đóng góp sức mình vào thành công chung', Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong phát biểu giải trình trước Quốc hội tại phiên họp trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chiều 7.1.

Năm 2022 giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình

Giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận trực tuyến kéo dài gần một ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân người lao động và nhu cầu hỗ trợ; khả năng huy động nguồn lực và hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô phù hợp. Trên cơ sở đó, đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng và lộ trình thực hiện của từng chính sách, như chính sách miễn, giảm thuế ngay trong năm 2022, năm đầu thực hiện chương trình có thể thực hiện được ngay 100%. Còn hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược cần phải có thời gian để hoàn tất các công tác chuẩn bị, nên cần phải có sự điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa để hỗ trợ đầu tư công trong chương trình, nhằm giải ngân hiệu quả nguồn lực bổ sung quan trọng này.

Để bảo đảm nguồn vốn triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trước hết Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu và thông qua đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… sau đó mới đến huy động các nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ trong nước, rồi mới đến vay ODA và từ các tay tài trợ nước ngoài.

“Như vậy, việc đề xuất quy mô tổng thể và phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bảo đảm công bằng nhưng không cào bằng

Để phân bổ và quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả, Bộ trưởng nêu rõ, trước hết phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là đối với chính sách tài khóa, ngoài ra phải đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ nhu cầu tăng trưởng, phát triển bền vững lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế, chính sách tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần thiết trước mắt để bảo đảm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với nâng cao năng lực về hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện tuyến trung ương, hỗ trợ nâng cao năng lực giải quyết việc làm, đào tạo lao động, phục hồi ngành du lịch... Tiếp đó là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối các cửa khẩu phía Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế… Ngoài ra, việc phân bổ nguồn vốn cũng bảo đảm hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển, bảo đảm công bằng nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, ưu tiên ngành, lĩnh vực có tính lan tỏa. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, chính sách đã được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, đây là chương trình quy mô tương đối lớn, thời gian thực hiện tương đối ngắn và khả năng hấp thụ để bảo đảm đạt được hiệu quả cũng như mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ hoàn toàn đồng tình với quan điểm của các ĐBQH tại phiên thảo luận khi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành. “Phải xác định đây là một nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề đối với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đòi hỏi mỗi chúng ta phải phát huy trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng đóng góp sức mình vào thành công chung. Chính phủ mong muốn và đề nghị các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương mình sinh sống, ứng cử và làm việc. Về phía mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, chúng tôi cũng đã chủ động xây dựng và trình ban hành nghị quyết của Chính phủ để các cấp, các ngành có thể thực hiện được các chính sách này ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.

Hải Lam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-cong-cua-chinh-sach-la-o-khau-thuc-hien-bqi3h4flxv-78836