Thành công khi chuyển 5 sào ruộng cấy lúa sang trồng hoa và chăn nuôi

Với người dân thôn Trung Hậu 2, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tấm gương chịu thương chịu khó, không cam chịu đói nghèo của chị Đặng Thị Thìn (SN 1978) luôn được nhiều chị em nể phục và học tập.

 Chị Đặng Thị Thìn với ruộng hoa cúc - cây chủ lực mang lại kinh tế ổn định cho gia đình

Chị Đặng Thị Thìn với ruộng hoa cúc - cây chủ lực mang lại kinh tế ổn định cho gia đình

Chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa kém chất lượng sang trồng hoa

Chị Đặng Thị Thìn cho biết: "Tôi tham gia Chi hội phụ nữ thôn Hậu Trung 2 từ năm 1999. Tham gia tổ chức Hội đến nay hơn 20 năm, tôi luôn ý thức trong việc tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động và các nhiệm vụ công tác Hội. Nhờ là hội viên phụ nữ, tôi được tập huấn, giao lưu về xây dựng gia đình, về phát triển kinh tế, nên có nhiều quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống".

Chị Thìn kể: "Tôi xây dựng gia đình năm 1999 với người chồng cùng xã. Gia đình tôi khi ấy chỉ có 7 sào ruộng, kinh tế rất khó khăn, trong khi đó 2 vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định, không có nghề phụ để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Khi có con nhỏ, tôi nhiều đêm lo lắng làm sao để gia đình mình không đói nghèo, các con được học hành đến nơi đến chốn thì mới có tương lai tốt hơn bố mẹ. Nhân có chủ trương "dồn điền đổi thửa" của xã khi ấy, vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, kết hợp xây dựng trang trại để nuôi gà, vịt cung cấp cho bà con trong và ngoài xã".

Chị Đặng Thị Thìn ngày nào cũng tất bật với công việc làm đất, chăm sóc hoa ở ruộng của gia đình

Chị Đặng Thị Thìn ngày nào cũng tất bật với công việc làm đất, chăm sóc hoa ở ruộng của gia đình

Vượt qua từng khó khăn, thử thách

Những ngày đầu khởi nghiệp của chị Thìn vô cùng khó khăn, vì vừa thiếu vốn, thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Song, chị được Hội LHPN xã tín chấp cho chị vay 70 triệu đồng. Cùng với số tiền của gia đình, người thân hỗ trợ, chị đã có nguồn vốn đầu tư ban đầu là 175 triệu đồng để phát triển kinh tế của gia đình.

"Khi bắt tay vào trồng hoa, tôi gặp rất nhiều thử thách về kinh nghiệm trồng trọt. Từ chọn giống, làm đất, bón phân, kỹ thuật chăm sóc cây hoa, rồi cả yếu tố thời tiết, giá cả thị trường và sự cạnh tranh của các nhà vườn. Có chồng con động viên, sát cánh, tôi tích cực tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội, của xã để có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc hoa. Tôi cũng đi tham quan học hỏi các mô hình trồng hoa các xã lân cận để học hỏi thêm", chị tâm sự.

Lúc đầu, chị Thìn trồng thử 3 sào với các loại hoa hồng, hoa thạch thảo, hoa dơn…. Ngay vụ đầu tiên, sau khi trừ chi phí, chị thu về số tiền lãi là 100 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, chị mở rộng trồng thêm 2 sào trồng hoa cúc.

"Đặc điểm của cây hoa cúc là giống cây ngắn ngày, một năm có thể trồng 2 - 3 vụ, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt, chi phí giống thấp, giá bán ổn định, không tốn nhiều diện tích đất trồng. Lợi thế của trồng hoa cúc là thị trường tiêu thu rất lớn vì đây là loại hoa thông dụng, thiết yếu với mọi gia đình, trong các ngày giỗ chạp, lễ chùa, thanh minh và tuần rằm, mùng một, mọi người đều rất cần mua hoa cúc. Rất may, tôi đã chọn đúng hướng đi của cây chủ lực ở vườn nhà mình để phát triển kinh tế của gia đình", chị Thìn vui vẻ nói.

Bận rộn đến mấy cũng vẫn đi họp Chi hội và tổ chức các câu lạc bộ

Hiện nay, gia trại của gia đình chị Thìn thường xuyên có hàng trăm con gà, vịt thương phẩm; trồng 5 sào ruộng các loại hoa theo mùa để cung cấp cho các cửa hàng hoa trong và ngoài xã. Mấy năm gần đây, gia đình chị còn nhận làm dịch vụ hoa để phục vụ việc hiếu, hỷ, cũng như các sự kiện của địa phương và các xã bạn. Tổng thu nhập của gia đình chị đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi.

Bên cạnh việc trồng hoa, chị Thìn còn làm thêm dịch vụ hoa cho các dịp hiếu, hỷ và các sự kiện quan trọng của địa phương, đơn vị

Bên cạnh việc trồng hoa, chị Thìn còn làm thêm dịch vụ hoa cho các dịp hiếu, hỷ và các sự kiện quan trọng của địa phương, đơn vị

Với bàn tay lao động siêng năng cần mẫn, đức tính tiết kiệm giản dị, vợ chồng chị đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, mua sắm tiện nghi nội thất trong gia đình đầy đủ, có vốn tích lũy nuôi dạy con cái ăn học, trưởng thành. Các thành viên trong gia đình tôi luôn sống có trách nhiệm với nhau, yêu thương, sẻ chia mỗi ngày, nhiều năm liền được khu dân cư bình xét là gia đình văn hóa, chi hội phụ nữ thôn bình xét là gia đình đạt "gia đình 5 không, 3 sạch", "gia đình 5 có, 3 sạch".

Dù công việc gia đình bận đến đâu, chị Thìn vẫn cố gắng tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Chi hội, tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn. Với vai trò là chủ nhiệm các CLB văn nghệ, CLB dân vũ, CLB "Lân, sư, Rồng", từ khi thành lập đến nay, chị đã tổ chức cho các thành viên tham gần 20 buổi giao lưu với các câu lạc bộ trong và ngoài xã.

"Dẫu thành công với mô hình trồng hoa, vườn - chuồng nhưng nhìn lại hành trình phát triển kinh tế gia đình hơn 20 năm, tôi vẫn phải nói rằng, khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Song, chỉ cần chúng ta có đam mê, có quyết tâm, kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để mỗi ngày làm tốt hơn. Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách đến đâu cũng không nản lòng, nỗ lực vượt qua từng bước, cuối cùng bạn sẽ thành công", chị Thìn bộc bạch.

Hải Linh - Ảnh: PNTB

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thanh-cong-khi-chuyen-5-sao-ruong-cay-lua-sang-trong-hoa-va-chan-nuoi-20240721134906124.htm