Thành công nhờ luôn đi đầu trong phát triển các mô hình sản xuất

Vốn là cử nhân kỹ thuật từng xa quê làm việc, nhưng sau thời gian 'phiêu bạt' trời Nam với chuyên ngành kỹ thuật đã được đào tạo, anh Phạm Đồng Quê, xã Nga Phượng (Nga Sơn) đã quyết trở về quê hương để khởi nghiệp trong vai một người nông dân trẻ.

Một góc ao nuôi tôm và trang trại chăn nuôi của anh Phạm Đồng Quê, xã Nga Phượng.

Anh Phạm Đồng Quê cho biết, đến giữa năm 2021 này, anh đã tròn 10 năm trở về quê để tìm hướng phát triển kinh tế. Một thập kỷ với bao thử thách, để rồi hôm nay anh đã thành công, trở thành một trong những điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Nga Sơn. Xuyên suốt quá trình vượt khó dựng nghiệp, chính quyền địa phương và nhiều người phải nể phục bởi anh luôn tìm tòi và du nhập những mô hình sản xuất mới, đi đầu trong cách nghĩ, cách làm để nhiều người dân địa phương học tập.

Đến nay, một khu đất gần 3 ha nằm biệt lập ngoài cánh đồng vắng của thôn Đồng Đội trước kia, đã trở thành mô hình kinh tế tổng hợp cho doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm. Ngoài trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp quy mô lớn, “ông chủ” sinh năm 1979 này còn dành 7.000m2 đào ao nuôi cá, tôm. Để phát triển trồng trọt theo hướng công nghệ cao, anh còn xây dựng 2.500m2 nhà màng chuyên canh dưa vàng, dưa lưới, diện tích còn lại để trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi gà thả vườn.

Cả 2 lần đến với mô hình kinh tế tổng hợp lớn nhất xã Nga Phượng này, chúng tôi đều bắt gặp ông chủ trẻ tất bật, tham gia làm việc cùng với những lao động khác. “Phải trực tiếp làm mới bảo đảm các khâu kỹ thuật, nhất là áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ví như tại trại lợn, các khâu được chúng tôi giám sát bằng camera và hệ thống chăm sóc bán tự động” – anh Quê chia sẻ.

Với nhiều năm bươn chải xứ người, lại kinh qua giảng đường đại học, anh Quê đã tổ chức các khâu sản xuất khá bài bản và hiện đại. Nguồn chất thải trong chăn nuôi được ủ hoai mục, trở thành phân bón cho các hoạt động trồng trọt. Với nguồn lợi nhuận hàng năm, anh tiếp tục tái đầu tư phát triển hạ tầng, hiện đại hóa chuồng trại, kè ao nuôi cá... với tổng vốn đầu tư đến nay vào khoảng hơn 5 tỷ đồng. Nhờ phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, từ nhiều năm qua, mô hình kinh tế tổng hợp này đang giải quyết việc làm cho từ 6 đến 10 lao động, thu nhập trung bình đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo lời anh Quê, riêng mảng chăn nuôi lợn công nghiệp, do có hợp đồng nuôi gia công với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nên có năm, tiền lợn bán ra đã đạt 20 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình cũng có lợi nhuận khoảng 500 đến 600 triệu đồng mỗi năm. Cộng với lợi nhuận từ nuôi tôm hoặc cá quả, trồng dưa trong nhà lưới và các hoạt động sản xuất khác, mỗi năm gia đình anh có lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.

Đã vào giai đoạn gặt hái thành công, nhưng ông chủ 7X không thể quên được những gian khó chồng chất của giai đoạn đầu khởi nghiệp. Chỉ có ý chí và sự kiên trì mới làm nên câu chuyện “bạch thủ thành gia” ở vùng đất thuần nông này. Sau khi tốt nghiệp đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên vào năm 2002, chàng thanh niên huyện Nga Sơn này đã vào TP Hồ Chí Minh làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Vốn tính năng động và thích đổi mới để đột phá, sau ít năm, anh tiếp tục được tuyển dụng vào làm việc trong Nhà máy Thép Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) với thu nhập khá cao lúc bấy giờ. Mua được đất tại thành phố biển xinh đẹp, lại có một vị trí việc làm khiến nhiều người phải mơ ước, nhưng Phạm Đồng Quê luôn khát khao làm giàu trên chính quê hương. Tình cảm gia đình thôi thúc, người kỹ sư trẻ quyết một lần nữa nghỉ việc để tìm mục tiêu mới.

Gần 10 năm xa xứ, anh đã trở về. Khi ấy, đất Nga Nhân (cũ) còn nhiều, những khu vực đồng xa nhiều người không mặn mà, thậm chí còn để hoang hóa. Năm 2011 đánh dấu bước ngoặt mới trên con đường khởi nghiệp của chàng trai dám nghĩ, dám làm. Anh đã mạnh dạn đấu thầu 2 ha đất với thời hạn 50 năm để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Cộng với đất ruộng gia đình dồn đổi, khu vực rộng 3 ha mênh mông đã được quy vào một nơi, thuận lợi cho phát triển sản xuất quy mô lớn. Từ một thanh niên dáng dấp thư sinh, anh sẵn sàng cởi bỏ giày tất, bắt đầu hành trình chân đất lội bùn để làm kinh tế.

Tuy nhiên, điều kiện thực tế luôn thách thức ý chí của chàng trai trẻ. Sau khi thuê máy xúc đào ao, số tiền tích cóp gần 10 năm đi làm của anh đã cạn. Phải chạy vạy vay mượn anh em họ hàng, rồi vay nợ lãi để xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất. “Lợi nhuận chưa có, nhưng có tháng tôi phải “xoay” để trả lãi tới 20 triệu đồng khiến nhiều người lo lắng” – anh Quê hồi tưởng. Khi ấy, tỉnh và huyện Nga Sơn có chính sách khuyến khích phát triển trang trại quy mô lớn, anh đã mạnh dạn xây dựng 2 trang trại lợn hiện đại bậc nhất huyện Nga Sơn lúc bấy giờ để liên kết chăn nuôi với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Mỗi khu chuồng 600 con, tổng đàn 1.200 con mỗi lứa và anh Quê đã trở thành người đi đầu ở xã Nga Phượng nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn. Những thành công chưa nhiều thì đến năm 2014 – 2015, “bão dịch tai xanh” đã làm chết hơn 500 con lợn khiến anh khuynh gia bại sản. Nợ cũ chưa trả hết, nhiều người khuyên anh nên buông bỏ, nhưng Quê vẫn kiên định tiếp tục đi vay để làm lại từ đầu.

Nhớ lại thời điểm bĩ cực nhất, ông chủ 44 tuổi trải lòng: “Khuyên bỏ không được, bố tôi đã đuổi tôi ra khỏi nhà, 3 tháng không cho về ăn cơm. Tôi phải ra ở riêng ngoài trang trại, nhưng vẫn quyết tâm vực dậy hoạt động khởi nghiệp”. Tận dụng khu vực ao nuôi, anh Quê cũng là người đầu tiên trong xã du nhập và phát triển mô hình nuôi cá quả, rồi sau đó là nuôi tôm đồng. Khu nhà lưới canh tác dưa của anh hiện nay cũng là một trong hai mô hình trồng trọt theo hướng công nghệ cao đầu tiên của địa phương.

Ông Ngô Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Nga Phượng, khẳng định: Ở địa phương, anh Phạm Đồng Quê là người rất năng động. Anh luôn đi đầu trong các mô hình sản xuất mới, sau khi thành công, nhiều người dân trong xã mới bắt đầu học tập làm theo. Những năm qua, nhiều đoàn của các xã trong huyện cũng đến mô hình kinh tế của anh Quê tham quan, học tập kinh nghiệm. Từ xuất phát điểm thấp, nhưng từng bước anh ấy đã thành công nhờ luôn tìm kiếm cái mới, áp dụng tiến bộ vào sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thanh-cong-nho-luon-di-dau-trong-phat-trien-cac-mo-hinh-san-xuat/136453.htm