Thành công trong giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốcBài 4: Còn đó những trăn trở, tâm tư

Hiện tại, diện tích phải giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ còn gần 3%. Tuy nhiên, số diện tích này chủ yếu là đất ở, nên không tránh khỏi sự trăn trở, tâm tư của người dân, đòi hỏi vai trò quan trọng của cán bộ Mặt trận cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động.

Trong khi đó, các cán bộ Mặt trận cơ sở còn gặp không ít khó khăn, khi phụ cấp không nhiều, khó “tuyển” cán bộ trẻ, có trình độ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao…

Lãnh đạo UBND huyện Mê Linh trao đổi với người dân xã Kim Hoa về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Sơn

Lãnh đạo UBND huyện Mê Linh trao đổi với người dân xã Kim Hoa về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Sơn

Việc khó còn ở phía trước

Dù đang ở chặng đường cuối của công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhưng không phải đã hết khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, tuyến đường qua địa phận huyện Đan Phượng dài 6km, diện tích đất cần thu hồi là 72,4ha. Đến nay, huyện đã hoàn thành được 97,33%, diện tích còn lại chủ yếu liên quan đến đất ở. Huyện đã thực hiện điều tra, đo đạc, kê khai, kiểm đếm, đang thực hiện định giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Quá trình thực hiện còn một số vướng mắc như: Chủ sử dụng đất qua đời, các thành viên trong gia đình đang làm thủ tục phân chia tài sản, dẫn đến khó khăn trong việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một số hộ có diện tích đất ở phải thu hồi lớn (từ hơn 300m2 đến 800m2), nhưng theo quy định hiện hành của thành phố, các hộ chỉ được giao đất tái định cư không vượt quá hạn mức giao đất ở mới, trong khi các hộ đề nghị được bồi thường bằng diện tích đất ở tương ứng.

Tương tự, ở huyện Mê Linh vẫn còn "điểm nghẽn" tại xã Văn Khê. Theo thống kê, thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê có 9 thửa đất sau thu hồi diện tích còn lại có hình thế chéo méo, 35 thửa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức của tỉnh Vĩnh Phú (cũ), Vĩnh Phúc trước ngày 1-7-2014 chỉ có diện tích đất ở 200m2, còn lại là đất vườn (hiện đã tách thành 73 thửa) và 47 thửa đất nằm trong khu dân cư có nguồn gốc cha ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vườn, đất ao (trong đó 13 thửa người dân đã xây dựng nhà ở). Một số hộ dân chưa đồng thuận với việc áp dụng chính sách về giá đền bù đối với đất vườn, đất ở và việc xét tái định cư... Qua nắm bắt thực tiễn, UBND huyện Mê Linh kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, có cơ chế đặc thù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân.

Tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai hiện còn 1,7ha đất nông nghiệp chưa được thu hồi do vướng trích lục hồ sơ, xác định nguồn gốc đất và người dân chưa đồng tình về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng… Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Phạm Thị Đạo, ở thôn Hạ, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) cho biết, khi được thông tin về Dự án đường Vành đai 4, gia đình bà rất đồng thuận bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, theo thông báo phương án bồi thường, gia đình bà chỉ được bồi thường theo giá đất vườn là hơn 1 triệu đồng/m2, không có đất tái định cư. "Mảnh đất 700m2 là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay, nơi sinh sống của 3 hộ gia đình, nhưng chỉ được nhận đền bù 1,1 tỷ đồng, khiến chúng tôi hoang mang, lo lắng, không biết làm thế nào để ổn định đời sống", bà Phạm Thị Đạo bày tỏ.

Ở một góc độ khác, huyện Thường Tín đã sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng và giao đất tái định cư cho người dân, song hậu giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vân Tảo, huyện Thường Tín Nguyễn Văn Ánh thông tin, Dự án đường Vành đai 4 đang được các nhà thầu thi công đoạn qua xã Vân Tảo. Đường mới cắt qua đường dân sinh, khiến người dân gặp khó khăn trong đi lại. Mặt khác, do thu hồi giải phóng mặt bằng dự án, nên hệ thống kênh tưới tiêu của xã bị phá vỡ. Gần 50ha đất nông nghiệp của xã thường xuyên bị ngập úng mỗi khi mưa to, ảnh hưởng đến sản xuất…”.

Càng khó khăn, càng khẳng định vai trò của cán bộ Mặt trận cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các cán bộ Mặt trận đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, làm tốt công tác giám sát thực hiện giải phóng mặt bằng… Đồng thời, họ cũng là cầu nối nhân dân với các cấp chính quyền để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trên tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Cần quan tâm cán bộ Mặt trận

Không chỉ với Dự án đường Vành đai 4, có thể thấy Mặt trận Tổ quốc là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác Mặt trận chưa được quan tâm đúng mức, các tổ chức Mặt trận ở cơ sở còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt là, chính sách đãi ngộ cho cán bộ Mặt trận cấp cơ sở rất thấp, nên khó thu hút được người tài và khơi dậy nhiệt huyết của cán bộ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Trần Ngọc Chiến, đơn vị có 35 thành viên. Ngoài các thành viên trong Ban Thường trực và Trưởng ban Công tác Mặt trận các cụm dân cư được hưởng lương, phụ cấp, các thành viên còn lại chủ yếu là làm công tác kiêm nhiệm và chưa được nhận bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. Để thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Mặt trận vẫn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”…, nên có người, có thời điểm chưa dành hết thời gian và tâm huyết cho công việc. Chưa kể, cũng do công tác kiêm nhiệm, nên nhiều cán bộ không được đào tạo bài bản, làm chủ yếu bằng kinh nghiệm. Đây cũng là khó khăn, bất cập chung của các cán bộ làm công tác Mặt trận hiện nay.

Nhận xét về công việc của cán bộ Mặt trận cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Ngữ chia sẻ: Các cán bộ Mặt trận cấp cơ sở luôn hết mình với công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho cán bộ Mặt trận không nhiều; kinh phí dành cho các hoạt động của Mặt trận cũng hạn hẹp. Đáng chú ý, nhiều trường hợp cán bộ Mặt trận phải bỏ thời gian, công sức, thậm chí bỏ chi phí cá nhân để làm “công tác phí” khi đi tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng. “Chẳng hạn, tại xã Đức Thượng, một số thửa đất nằm trong dự án phải giải phóng mặt bằng nhưng người dân đã chuyển nhượng qua nhiều chủ. Cán bộ Mặt trận và đại diện chính quyền địa phương phải lặn lội tìm chủ sử dụng cuối cùng để thông tin cho họ về dự án, thuyết phục họ đồng thuận thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Nhà nước…”, ông Nguyễn Viết Ngữ cho hay.

Bài toán khó này cũng được các cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Vân, huyện Thường Tín chia sẻ. Theo Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Xâm Thị, Hà Sỹ Thôn, cán bộ Mặt trận thôn tham gia vào hầu hết các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đặc biệt là tuyên truyền, vận động những chính sách, hỗ trợ trong triển khai các dự án trọng điểm. Song, nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban Công tác Mặt trận hoàn toàn không có, khiến làm gì cũng khó khăn.

Một trong những khó khăn nữa được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết là hiện Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm nhiệm nhiều chức danh (bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận, tổ trưởng tổ hòa giải...), chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của nhiều tổ chức, khối lượng công việc lớn. Không ít cán bộ coi việc tham gia hoạt động xã hội chỉ là phụ, còn việc chính là phải lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nên chưa dành thời gian, trí tuệ, công sức cho công tác Mặt trận. Tồn tại nữa là công tác giám sát mới chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”; nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan nên hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số nơi chưa được phát huy.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc xây dựng đội ngũ làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Không phải ai cũng muốn làm công tác Mặt trận. Người làm công tác này như "người thổi tù và hàng tổng", làm rất nhiều nhưng kết quả lại chưa biết đo lường bằng cách nào. Công việc ở cơ sở là vận động trực tiếp người dân. Nhiều người dân hiểu được chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, song cũng có nhiều nơi người dân bày tỏ bức xúc trước những thực tế tại địa phương. Những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở muốn làm tốt việc vận động, thuyết phục được nhân dân thì phải có đủ kinh nghiệm, nhưng những người đủ kinh nghiệm thường đã lớn tuổi, trong khi người trẻ hầu như không muốn làm công việc này. Vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở đang gặp khó khăn.

Những khó khăn này rất cần được quan tâm tháo gỡ để Mặt trận Tổ quốc cơ sở phát huy tốt hơn nữa vai trò, sức mạnh trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thanh-cong-trong-giai-phong-mat-bang-du-an-dau-tu-xay-dung-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-khang-dinh-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-bai-4-con-do-nhung-tran-tro-tam-tu-672962.html