Thành công từ khâu đột phá

Trong 5 năm qua, huyện Ba Tơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết: Để thực hiện thành công nhiệm vụ đột phá về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 354ha; kêu gọi và khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại.

Hội nghị đầu bờ về mô hình trồng đậu phụng tại xã Ba Dinh. Ảnh PV

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 8 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, với giá trị trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm.

Huyện đã vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đạt 35 triệu đồng/ha/năm. Ba Tơ cũng đã triển khai mô hình trồng cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao trên diện tích 24ha tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%. Ngoài ra, huyện đã triển khai trồng thực nghiệm gần 12ha cây Sacha inchi tại các xã Ba Tiêu, Ba Tô, Ba Động. Hiện nay, cây Sacha inchi đã thích nghi với thổ nhưỡng và có triển vọng phát triển.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã tập trung xây dựng hạ tầng. Nhờ vậy, đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn từng bước hoàn thiện. Trong đó, riêng chương trình xây dựng NTM, huyện Ba Tơ đã được đầu tư 503 tỷ đồng. Nhờ đó, số tiêu chí NTM ở các xã đạt bình quân trên 10 tiêu chí. Riêng xã Ba Bộng đã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, xã Ba Cung cũng về đích NTM. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 849 tỷ đồng, tăng bình quân 6%/năm.

Với lợi thế có diện tích đất đồi núi khá lớn, huyện Ba Tơ khuyến khích nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhờ đó, giai đoạn 2015 - 2020 việc trồng rừng tập trung của Ba Tơ đạt bình quân 8.950ha/năm. Hằng năm, bình quân Ba Tơ khai thác 1,06 triệu m3 gỗ; quản lý, bảo vệ 97.200ha rừng; chăm sóc 388ha rừng phòng hộ. Trong giai đoạn 2015- 2020, giá trị sản phẩm gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng đạt trên 750 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên đất lâm nghiệp đạt từ 85 - 90 triệu đồng/ha/chu kỳ. Đến nay, Ba Tơ đã hoàn thành các phương án giao rừng, cho thuê rừng.

Mô hình nuôi cá lồng hiệu quả tại hồ Suối Loa, xã Ba Động. Ảnh: PV

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, để nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất, giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã triển khai cho các hộ dân tham gia 34 mô hình như chăn nuôi gà thả vườn, nuôi cá lăng nha trong lồng bè, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa một vụ, triển khai cải tạo vườn tạp, nhân rộng mô hình cây sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ; triển khai dự án cải tạo giống trâu, giống bò, trồng cây gỗ lớn...

Từ trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ dân ở Ba Tơ đã vượt qua khó khăn, nỗ lực giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

SÔNG THƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202007/thanh-cong-tu-khau-dot-pha-3011328/