Thành công từ sự mạnh dạn

Ai có dịp về xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) sẽ thấy bộ mặt nông thôn đổi khác rất nhiều. Những năm qua, do mạnh dạn chuyển đổi đất từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu…, bà con trong xã đã có thu nhập khá. Từ đó, đời sống cải thiện, xóm làng cũng đẹp hơn lên.

Cá heo đuôi đỏ.

Cá heo đuôi đỏ.

Với chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất. Việc xen canh, đa canh, gối vụ các loại cây ngắn ngày và dài ngày, tăng vòng quay của đất cũng đã giúp bà con có thêm thu nhập.

Thời gian qua, xã Vĩnh Thành đã chuyển đổi gần 40ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái... Đó là các loại cây cam, quýt, xoài, dưa leo, dưa hấu, dưa lưới, nấm rơm, đậu nành rau... Có hộ chỉ với 80 m2 dựng 2 nhà trồng nấm rơm cũng thu được gần 10 triệu đồng/tháng. Trồng nấm trong nhà tuy tốn nhiều công chăm sóc nhưng thu nhập ổn định. Trong những loại cây trồng mới, nhiều hộ dân xã Vĩnh Thành còn đầu tư trồng đậu nành. Loại rau mới này được thương lái bao tiêu nên không lo đầu ra.

Điều rất đáng mừng là người dân xã Vĩnh Thành không ngại trước việc chuyển đổi cây trồng. Bà con cũng tiếp thu thu kỹ thuật nhanh và đoàn kết giúp nhau cũng phát triển sản xuất.

Tương tự, với người dân xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú), một số hộ dân đã đầu tư để trồng dưa lưới. Sau một thời gian, loại cây trồng vốn mới mẻ với vùng đất thì nay đã “quen” với lúa, rau màu. Theo người trồng dưa lưới trong xã thì bà con cố gắng vừa canh tác, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ đó dẫn tới thành công. Đáng mừng là sản phẩm được tiêu thụ nhanh với giá cao. Thường thì sau 2 năm canh tác, người trồng dưa lưới sẽ trả hết nợ ngân hàng (vay đầu tư nhà lưới) và bắt đầu có lời. Vụ thể, nếu mỗi năm canh tác được 4 vụ thì sau 2 năm, nông dân đã lấy lại được vốn đầu tư nhà màng.

Từ thành công của người trồng dưa lưới xã Vĩnh Lộc, nông dân xã Tân Hòa (huyện Phú Tân) cũng đã học theo và thu được kết quả tốt. Theo cán bộ kỹ thuật, dưa lưới là loại cây trồng cho năng suất cao, kỹ thuật sản xuất không khó, thời gian canh tác ngắn, giá trị thương phẩm tốt. Điều quan trọng là khi canh tác, cần có hợp đồng liên kết thu mua nhằm ổn định đầu ra, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng.

Cũng là việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nhiều hộ gia đình nông dân xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân) đã phất lên nhờ mô hình nuôi cá nàng hai, gần đây là cá heo đuôi đỏ. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao bậc nhất trong số cá nuôi nước ngọt đang được thả nuôi rộng rãi.
Tại thời điểm này, cá heo thương phẩm có giá 280.000-300.000 đồng/kg. Thương lái chủ động tìm đến từng hộ nuôi cá, cứ 2-3 ngày lại có bạn hàng đến nhà đặt mua, vì thế chỉ với 1 bè cá cũng đủ thu nhập cho cả gia đình. Cá heo đuôi đỏ là loài cá tự nhiên, được xem là đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, chế biến thành nhiều món ngon. Nên khi chúng được nuôi thả thì bán rất chạy.

Tuy nhiên, nuôi cá heo đuôi đỏ cũng cần phải nắm vững kỹ thuật và vốn. Nhưng dẫu thế, quan trọng nhất vẫn là đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn vay vốn đầu tư. Điều đó đã thể hiện rất rõ ở nhiều xã trong tỉnh An Giang.

Thanh Hoàng (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/thanh-cong-tu-su-manh-dan-tintuc435841