Thành công từ ý tưởng trồng bưởi da xanh độc đáo

Dù vườn bưởi da xanh của nông dân Trần Ngọc Tôn (tự Ba Tôn, 38 tuổi, ngụ ấp 7, xã Phú Lập, huyện Tân Phú) ở vùng xa nhưng vẫn được nhiều nông dân các nơi tìm đến học hỏi kỹ thuật trồng bưởi năng suất cao, mang lại thu nhập tốt.

Nông dân Ba Tôn (bìa phải) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi da xanh với nông dân trong xã. Ảnh: Đ.Phú

Nông dân Ba Tôn (bìa phải) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi da xanh với nông dân trong xã. Ảnh: Đ.Phú

“Thông thường, cây bưởi da xanh 4-5 tuổi mới bắt đầu cho trái. Qua mày mò nghiên cứu, tôi đã rút ngắn thời gian cho cây bưởi thu hoạch chỉ sau 3 năm trồng” - anh Ba Tôn bộc bạch.

Ý tưởng độc đáo

Sau mấy chục năm về vùng đất Phú Lập trồng cây ăn trái, kinh tế gia đình ông Trần Quý Ngọc (63 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng, cha của anh Ba Tôn) vẫn chưa có gì nổi trội hơn các nông dân trong vùng. 2 hécta đất trồng cây ăn trái gồm: bưởi, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm của ông nhìn bề ngoài xanh tốt nhưng tổng thu cũng chỉ đạt 250-300 triệu đồng/năm, đủ trang trải cuộc sống gia đình với 8 người (gồm vợ chồng ông và 6 người con).

Ông NGUYỄN MINH QUANG, cán bộ phụ trách nông nghiệp, nông thôn xã Phú Lập (huyện Tân Phú) bày tỏ, xã Phú Lập có trên 50% nông dân có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ đến lập nghiệp nên họ rất có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây ăn trái. Tuy vậy, kỹ thuật bắt cây bưởi 3 năm tuổi mang trái như cây bưởi 5-6 năm tuổi của nông dân trẻ Trần Ngọc Tôn rất hay.

Năm 2010, việc trồng cây ăn trái, nhất là bưởi da xanh, tại xã Phú Lập phát triển mạnh, thu nhập của ông Ngọc cũng có thay đổi nhờ giá trị cây ăn trái tăng (chứ không phải tăng về năng suất cây trồng trên cùng diện tích). Bởi vậy, dù là nông dân giàu kinh nghiệm trong việc trồng bưởi da xanh trái vụ nhưng ông vẫn làm theo kiểu cũ như chặt rễ, siết cành (bó, khoanh) nên cây nhanh kiệt sức, tuổi thọ bị rút ngắn.

Dù rất nể kỹ thuật ép cây ra hoa, thu hoạch trái vụ theo kiểu truyền thống của cha và nhiều nông dân miền Tây Nam Bộ lập nghiệp nơi vùng đất Tân Phú nhưng anh Ba Tôn cũng nhận thấy kiểu làm này đã dần lạc hậu, không đúng khoa học kỹ thuật, nhất là làm cây mau kiệt sức, già cỗi, chết đột ngột. Chính vì vậy, anh nảy ra ý tưởng phải tìm cách “ép” cây bưởi da xanh sau 3 năm trồng là cho thu hoạch (kiểu trồng truyền thống là 4-5 năm) mà cây vẫn phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, năm 2016, anh Ba Tôn đã dùng 2,4 hécta bưởi của riêng mình (đất do ông nội cho) để thực nghiệm. Mỗi gốc bưởi thực nghiệm đều được anh đánh dấu, ghi chép đầy đủ, cụ thể về thời gian các quy trình, cách thức mà anh đã can thiệp vào để theo dõi.

Thời điểm đó, ông Ngọc bảo cách làm của con trai là “điên rồ”. “Tôi là dân trồng cây ăn trái thứ thiệt. Do đó, việc ép cây bưởi 3 năm tuổi cho trái như bưởi 6-7 năm tuổi và việc ép bưởi ra hoa trái vụ mà không dùng biện pháp cưỡng bức như cắt rễ, ủ gốc, khoanh cành thì quả là viễn vông” - ông Ngọc kể lại.

Anh Ba Tôn tâm sự: “Để tạo hoa và dưỡng trái cho cây bưởi da xanh tốt nhất cần cắt bỏ những cành nhện yếu, chỉ tạo hoa trên những cành nhện khỏe; đồng thời, mỗi cành nhện chỉ để 1-2 quả theo nguyên tắc: bưởi 3 tuổi chỉ mang từ 30-40 quả/cây; bưởi 4 tuổi từ 60-70 quả/cây; bưởi 5 tuổi chỉ từ 70-80 quả/cây… Có như vậy trái mới to, đều, chất lượng như nhau, rất dễ bán”.

“Con hơn cha” mới mau thành tỷ phú

Dù biết cha không đồng tình, anh Ba Tôn vẫn không từ bỏ ý tưởng và việc làm độc đáo của mình cho đến khi thành công. Anh Ba Tôn nhớ lại, năm 2018, thấy một vài cây bưởi anh thử nghiệm đạt được hiệu quả như mong muốn khi dùng các kỹ thuật can thiệp như trồng trên mô cao (không phải trồng hố như cha ông đã làm); bón thêm phân chuồng cho đất, bổ sung thêm các loại phân vi lượng và hạn chế đạm; tỉa cây gọn tạo nhiều cành nhện khỏe; bưởi 3 năm tuổi chỉ để 30-40 quả/cây; mật độ trồng cây cách cây 8-10m… thì bưởi 3 tuổi cũng có trái quanh năm, bưởi tơ mang trái vẫn phát triển như thời kỳ kiến thiết vườn.

“Kết quả này không chỉ cha tôi, mà nông dân trồng bưởi trong ấp, xã đều ngỡ ngàng. Từ tò mò, không tin tưởng cho đến khi chứng kiến tận mắt và nghe tôi chia sẻ kinh nghiệm họ mới tin và học làm theo” - anh Ba Tôn bộc bạch.

Tỷ phú trồng bưởi da xanh Ba Tôn cũng là chủ kênh YouTube “Nông dân Việt” với 16,5 ngàn người theo dõi.

Tỷ phú trồng bưởi da xanh Ba Tôn cũng là chủ kênh YouTube “Nông dân Việt” với 16,5 ngàn người theo dõi.

Sau khi thuyết phục được chính cha mình và nhiều nông dân trồng bưởi trong vùng, anh Ba Tôn lập kênh YouTube “Nông dân Việt” để phổ biến kỹ thuật chăm sóc, trồng bưởi da xanh mới mẻ của mình. Kênh YouTube này hiện đã có 2.569 người đăng ký và 16,5 ngàn lượt người theo dõi các clip anh vừa quay, vừa sáng tạo nội dung.

Cũng theo anh Ba Tôn, từ kỹ thuật bắt bưởi da xanh 3 năm tuổi mang trái, cây bưởi da xanh ra hoa, đậu trái quanh năm mà không cần phải cưỡng bức cây theo cách làm truyền thống, giúp anh trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm từ 4,5 hécta trồng bưởi. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động nhờ chuyển giao kỹ thuật và dẫn họ đi hỗ trợ vườn bưởi cho các nông dân trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, điều làm anh Ba Tôn vui nhất và cảm thấy giá trị nhất là giúp người trồng bưởi da xanh rút ngắn thời gian đưa cây bưởi vào thời kỳ thu hoạch là 3 năm, thay vì từ 4-5 năm theo cách làm truyền thống; cây bưởi dù quanh năm mang trái vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, không bị suy kiệt.

“Từ ý nghĩ không chấp nhận kiểu làm cũ tôi mới nảy ra ý tưởng táo bạo đó. Cũng chính vì vậy mà tôi không ngại việc bị mọi người, kể cả cha tôi, chê bai, hoài nghi điều mình làm là viễn vông” - anh Ba Tôn chia sẻ.

“Cũng là trồng bưởi da xanh nhưng nông dân chúng tôi chỉ đảm bảo kinh tế gia đình ổn định là mừng. Khi có kỹ thuật mới của nông dân Ba Tôn thì hầu hết nông dân trồng bưởi da xanh ở đây đều có thu nhập tốt hơn” - ông NGUYỄN VĂN THANH (ngụ ấp 7, xã Phú Lập, huyện Tân Phú) bày tỏ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/thanh-cong-tu-y-tuong-trong-buoi-da-xanh-doc-dao-8780147/