Thành công vaccine của Cuba mang đến hy vọng tốt nhất cho quốc gia thu nhập thấp
Theo CNBC, các nước thu nhập thấp xem thành công vaccine của Cuba có ý nghĩa to lớn đối với chương trình tiêm chủng phòng chống Covid-19.
Cho đến nay, lĩnh vực công nghệ sinh học uy tín của Cuba đã phát triển nhiều loại vaccine Covid-19 khác nhau, bao gồm Abdala, Soberane 02 và Soberana Plus. Tất cả những loại vaccine này đều có khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng với quy định 3 liều.
Cuba hiện là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin và Caribe đã sản xuất vaccine "cây nhà lá vườn", mang đến hy vọng chống chọi với Covid-19 cho người dân. Ông John Kirk, Giáo sư chương trình Mỹ Latin tại Đại học Dalhousie ở Nova Scotia, Canada cho biết, Cuba vẫn đang chờ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng vaccine. Việc cấp phép chính thức của WHO có ý nghĩa to lớn đối với quốc gia có thu nhập thấp này.
"Tôi cho rằng nhiều quốc gia ở Mỹ Latin và vùng Caribe đã xem vaccine do Cuba sản xuất là hy vọng tốt nhất trong các chương trình tiêm chủng đến năm 2025", bà Helen Yaffe – Giảng viên lịch sử kinh tế và xã hội tại trường Đại học Glasgow cho biết.
Không giống với các hãng dược Pfizer và Moderna đều sử dụng công nghệ mRNA, tất cả các loại vaccine của Cuba đều là loại vaccine tiểu đơn vị protein. Quan trọng hơn, những quốc gia có thu nhập thấp sẽ đủ chi phí để mua và sử dụng loại vaccine này trên diện rộng bởi không yêu cầu quy định bảo quản nghiêm ngặt.
Nhiều chuyên gia y tế quốc tế cho rằng chương trình vaccine của Cuba đã mang đến hy vọng cho khu vực này. Tuy nhiên, để hy vọng này trở thành hiện thực, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ phải phê duyệt 3 loại vaccine COVID-19 do nước này tự sản xuất. WHO vẫn cần thêm căn cứ đánh giá các cơ sở sản xuất phát triển vaccine của Cuba – một quan điểm mà các quan chức y tế Cuba cho rằng đang chậm tiến độ.
Ông Vicente Verez, Người đứng đầu Viện vaccine Finlay của Cuba nói trên Reuters, Cơ quan y tế của Liên hợp quốc từng đánh giá các cơ sở sản xuất của Cuba theo "tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Cuba đã đệ trình các tài liệu và dữ liệu cần thiết lên WHO trong quý đầu tiên của năm 2022. Sự chấp nhận của WHO sẽ là nền tảng quan trọng để vaccine của Cuba được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
Ý nghĩa to lớn
Khi được hỏi việc cấp phép của WHO đối với vaccine của Cuba có ý nghĩa ra sao đối với các nước có thu nhập thấp khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp, bà Yaffe cho rằng: "Tôi biết rất nhiều quốc gia và người dân ở khu vực Mỹ Latin và vùng biển Caribe sẽ xem vaccine của Cuba là hy vọng tốt nhất cho chương trình tiêm chủng của họ đến năm 2025".
"Và thực tế, điều này cũng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta bởi vì những gì chúng ta thấy là biến thể mới làm gia tăng nguy cơ và thách thức mới. Nếu dân số các quốc gia trên thế giới không thể đáp ứng độ bao phủ của vaccine thì sẽ không đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng", bà Yaffe nói thêm.
Chuyên gia Kirk đồng ý rằng phê duyệt của WHO đối với vaccine của Cuba sẽ mang ý nghĩa to lớn đối với các nước đang phát triển.
"Một điều quan trọng cần lưu ý là vaccine của Cuba không yêu cầu bảo quản nhiệt độ thấp nghiêm ngặt giống như Pfizer và Moderna. Vì vậy, các quốc gia ở châu Phi sẽ có thể sử dụng các loại vaccine này dễ dàng hơn", ông Kirk nhận định.
Hiện tại, Cuba đã đề nghị tham gia chuyển giao công nghệ để chia sẻ chuyên môn sản xuất vaccine đối với các nước thu nhập thấp.
"Mục tiêu của Cuba không phải kiếm tiền nhanh chóng mà là niềm tin vì một hành tinh khỏe mạnh. Vì vậy, thành công vaccine của Cuba đã mang đến lợi nhuận hoàn toàn trung thực cho quốc gia này", ông Kirk cho hay.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo vào tháng trước rằng "cơn sóng thần" về Covid do biến thể Omciron gây ra quá lớn và quá nhanh đã tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế trên toàn cầu.
Ông Tedros đã kêu gọi các quốc gia chia sẻ vaccine và đảm bảo bình đẳng vaccine trên thế giới. Vào năm ngoái, WHO cũng bày tỏ hy vọng thế giới sẽ có đủ vaccine cho năm 2022 để đảm bảo chương trình tiêm chủng đầy đủ cho người trưởng thành trên toàn cầu.
Chuyên gia Yaffe từ lâu đã bày tỏ tin tưởng vào chương trình tiêm chủng vaccine của người dân Cuba. Nói trên CNBC vào tháng Hai năm ngoái – thời điểm trước khi Cuba tự phát triển và sản xuất vaccine, bà Yaffe khẳng định Cuba sẽ nhanh chóng có thể sử dụng vaccine do nước này sản xuất trong nước.
"Điều đó không cần phải phỏng đoán mà dựa trên hiểu biết của tôi về hệ thống y tế công cộng của Cuba. Đặc biệt hơn, người dân Cuba không hề do dự về vaccine và sẵn sàng trong các chương trình tiêm chủng ", bà Yaffe nhận định./.