Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu. Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi.
Thánh địa Mỹ Sơn bao gồm nhiều đền đài, từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa. Nơi đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Hindu giáo (Ấn Độ giáo) ở khu vực Đông Nam Á.
Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (ii) như một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và theo tiêu chuẩn C (iii), bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Hiện nay, nơi đây được đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt của nước ta.
Thánh địa Mỹ Sơn được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV. Nhiều thế kỷ sau, thánh địa này được bổ sung các ngọn tháp lớn nhỏ, đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, Thánh địa Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của các triều đại Chăm Pa và là nơi chôn cất vua, thầy tu quyền lực.
Có khoảng 70 công trình kiến trúc như đền đài, lăng mộ… được xây dựng tại Thánh địa Mỹ Sơn. Các công trình này đều được xây dựng bằng 2 loại vật liệu chính là đá và gạch nung. Trong đó, có một đền xây dựng bằng đá. Nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm Pa.
Những đền thờ chính ở Thánh địa Mỹ Sơn thờ biểu tượng văn hóa Linga và Yoni, hình tượng của thần Shiva (đấng bảo hộ của các dòng vua Chăm Pa). Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV kết hợp với tên thần Shiva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.
Năm 1885, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một toán lính Pháp. Năm 1898-1899, hai nhà nghiên cứu người Pháp là L.Finot và L.de Lajonquìere cùng kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến đây nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm
Ngoài Thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam còn có thêm phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là khu phố được hình thành từ thế kỷ 16-17, trước đây là thương cảng của miền Trung. Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể di tích kiến trúc, gồm nhiều loại hình như nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing