Thánh địa xuất bản

Ngay từ những ngày đầu tiên, chủ nghĩa quốc tế tại Hội sách Frankfurt đã được các giám đốc Wilhelm Müller và Sigfred Taubert thúc đẩy mạnh mẽ.

 Hình ảnh tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: Roombites.

Hình ảnh tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: Roombites.

Tuần báo Le Nouvel Observateur của Pháp đã khiến độc giả chú ý tới chủ nghĩa quốc tế của Hội sách Frankfurt vào năm 1998. Họ đã chọn Giám đốc Hội chợ, người được mệnh danh là “Quý ông của Thế giới sách”, là “một trong 101 nhân vật đã đưa Lục địa già bước vào Thế giới mới”, chỉ ra thực tế là “trong năm qua, 107 quốc gia từ Albania đến Zimbabwe đều đã có mặt tại Hội sách Frankfurt với tổng số đơn vị tham gia triển lãm lên tới con số kỷ lục là 9.587”.

Ngay từ những ngày đầu tiên, chủ nghĩa quốc tế này đã được các giám đốc Wilhelm Müller và Sigfred Taubert thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong thời gian tác giả cuốn sách này làm Giám đốc Hội chợ (1975-2000), Frankfurt đã trở thành trung tâm kinh doanh sách quốc tế và một trung tâm hoạch định chiến lược. Mọi người trên khắp thế giới đã bắt đầu gọi Hội sách Frankfurt là “Thánh địa Xuất bản”.

Sigfred Taubert đã cố gắng vào năm 1973 và thử thêm lần nữa vào năm 1974 nhằm thu hút Trung Quốc đại lục trở lại Frankfurt sau khi nước này rút khỏi Hội chợ năm 1957. Nhưng mãi đến năm 1975, Trung Quốc mới quay trở lại hội chợ.

Sau 15 năm tẩy chay, Albania cũng quay trở lại vào năm 1975 và nhanh chóng gặt hái thành công. Vào thời điểm đó, lời mời riêng của tác giả, Giám đốc Hội chợ Peter Weidhaas đã thu được kết quả mong muốn. 14 ngày sau, các đại diện chính thức của Phái đoàn Thương mại Albania ở Vienna đã đến thăm Weidhaas tại Frankfurt và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia Hội chợ trong tương lai.

Đối với Hội sách Frankfurt, sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa quốc tế đã đóng vai trò là phương tiện cho giai đoạn cuối cùng trong quá trình biến đổi của nó.

Ban đầu, hoạt động kinh doanh dựa trên việc đặt hàng và ký kết các hợp đồng giữa nhà xuất bản và nhà bán lẻ. Rồi điều này lại dần nhường chỗ cho việc buôn bán từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác.

Sau đó, vào những năm 1960, với sự gia tăng rõ rệt về sự tham gia của quốc tế, hoạt động kinh doanh của Hội chợ bắt đầu tập trung vào các bản dịch, quyền thứ cấp, giấy phép và đồng sản xuất. Vào thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn này, người ta ước tính rằng 80% các giao dịch nhượng quyền trong lĩnh vực kinh doanh sách được đàm phán và ký kết ở Frankfurt.

[...]

Dựa trên sự thành công của các cuộc đàm phán này, các nhà quản lý Hội chợ đã quyết định tăng cường nỗ lực để đưa các nhà xuất bản quốc tế đến Frankfurt và bắt đầu thoát khỏi tư duy khuôn mẫu.

Họ không chỉ lưu ý tới các sự kiện quảng bá trong nước mà còn khả năng tư vấn, tổ chức workshop và tọa đàm, tham gia vào các sự kiện như vậy ở nước ngoài, cũng như tổ chức các hội sách song phương tại các quốc gia từng tham dự Hội sách Frankfurt.

Tuy nhiên, có một điều kiện được đặt ra trong các cuộc thảo luận kết thúc là sẽ hoàn tất bất kỳ một cuộc đàm phán nào giữa các bên tham gia. Hội sách Frankfurt, với vai trò là một “lãnh địa hội sách” được quốc tế công nhận, sẽ tiếp tục là địa điểm của “đàm phán đối thoại”.

Năm 1975, Giám đốc Hội chợ đã tiến hành các chuyến thăm tới các nhà xuất bản ở Colombia, Venezuela, Mexico, Peru, Bolivia, Brazil, Uruguay, Argentina và - lần đầu tiên - tới Havana, nơi ông có thể thiết lập quan hệ với các nhà xuất bản Cuba, đồng thời quảng bá chủ đề Nam Mỹ đã được lên kế hoạch cho năm 1976 tới tất cả các nước Mỹ Latin.

Một năm sau, một thỏa thuận văn hóa đã được ký kết với Liên Xô tại Moscow. Thỏa thuận này ban đầu nhằm mục đích tạo điều kiện cho các nhà xuất bản ở Berlin tham gia các cuộc triển lãm sách ở Tây Đức.

Tuy nhiên, nó đã trở thành cơ sở cho mọi hợp tác văn hóa giữa Cộng hòa Liên bang và Liên Xô. Đồng thời, các cuộc tham vấn đã diễn ra về việc thành lập Hội sách Moscow trong tương lai.

Peter Weidhaas/NXB Thế giới & Omega+

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-dia-xuat-ban-post1427562.html