Thanh Hóa: 16 đoạn tường thành đá hơn 600 năm đứng trước nguy cơ sụp đổ
Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng khi 16 đoạn tường thành đá cổ kính đã xuống cấp và có dấu hiệu sụp đổ.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, tình trạng xuống cấp diễn ra tại nhiều vị trí trọng yếu của di sản. Cụ thể, 16 đoạn tường thành cần được tu sửa cấp thiết bao gồm: các đoạn từ số 01 đến 08 nằm ở mạn phía Đông cổng Bắc, các đoạn từ số 09 đến 14 ở mạn phía Tây cổng Bắc, 2 đoạn tường thành số 15 và 16 ở mạn phía Nam cổng Đông.

Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất Việt Nam và thế giới.
Hiện trạng các đoạn tường thành này cho thấy mức độ hư hại đáng lo ngại. Tại đoạn tường số 01 (mạn Đông cổng Bắc), dài 11,5m và cao 5,2m, các hàng đá thứ 03 và 04 từ dưới lên đang phình ra ngoài, trong khi các hàng đá phía trên lại đổ nghiêng vào bên trong.
Tương tự, đoạn tường số 02 dài 29,2m với chiều cao dao động từ 5,0m đến 7,2m cũng xuất hiện tình trạng phình ra ở các hàng đá thấp và đổ nghiêng ở các hàng đá cao hơn.
Đáng chú ý, đoạn tường số 03 (mạn Đông cổng Bắc) dài 36m đã bị đổ một phần lớn (26,10m), để lộ phần đá gia cố bên trong. Phần còn lại của đoạn tường cũng đang có dấu hiệu nghiêng ra ngoài. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các đoạn tường số 04 và 05, nơi nhiều đoạn đã bị đổ, đất đá tràn xuống đường dân sinh và đường bê tông.

Nhiều đoạn tường thành phình ra.
Không chỉ ở mạn Đông, các đoạn tường thành ở mạn phía Tây cổng Bắc cũng ghi nhận bị hư hỏng nghiêm trọng. Đoạn tường số 09 đang bị nghiêng vào bên trong và bề mặt đá rạn nứt. Đoạn tường số 10 dài 28,7m có nhiều đoạn bị nghiêng, xô lệch, thậm chí sụp đổ hoàn toàn phần đỉnh.
Đặc biệt, đoạn tường số 13 (mạn Tây cổng Bắc) không chỉ có hiện tượng đổ ngọn vào trong, phình hông ra ngoài mà còn chứng kiến tình trạng sạt lở tường thành đất phía bên trong, khiến người dân tự phát mở đường đi vào canh tác.

Trải qua hơn 600 năm nhiều đoạn tường thành đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ở mạn phía Nam cổng Đông, đoạn tường số 16 đang tiềm ẩn nguy cơ sập đổ cao khi một viên đá đỉnh tường kích thước lớn đã bị trượt ra ngoài 30cm do tác động từ hoạt động dân sinh bên trên.
TS Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ nhấn mạnh sự cẩn trọng trong quá trình trùng tu, tôn tạo di sản. Trước mắt, các biện pháp cấp thiết được triển khai gồm: chặt bỏ cây dại, dọn cỏ, vệ sinh khu vực tường thành, gia cố các viên đá nhô ra bằng khung thép và chèn gỗ cố định. Đồng thời, hệ thống thoát nước mặt trên tường thành bằng đất cũng sẽ được xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng xói mòn.

Cơ quan chức năng gia cố 16 đoạn tường thành bằng các khung sắt thép.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp gia cố, chống đỡ cấp thiết để bảo vệ "báu vật" kiến trúc độc đáo này. Hiện 16 đoạn tường thành có nguy cơ đổ sập đã được gia cố tạm thời bằng các khung sắt thép. Việc trùng tu, tôn tạo theo nguyên gốc 16 đoạn tường thành nêu trên sẽ tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn tới khi triển khai các dự án trong quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Việc khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi Thành Nhà Hồ vừa trải qua đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Sự xuống cấp của tường thành không chỉ ảnh hưởng đến giá trị lịch sử, văn hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách. Hy vọng rằng với sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, di sản Thành Nhà Hồ sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị bền vững.
Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất Việt Nam và thế giới.
Nơi đây từng được xem là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Trải qua hơn 600 năm, khu vực Hoàng Thành của công trình đồ sộ này vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.