Thanh Hóa ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 40/2025/QĐ-UBND về việc quy định hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quyết định mới không chỉ thay thế văn bản cũ từ năm 2012 mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quản lý, minh bạch hóa hoạt động này, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm của tỉnh Thanh Hóa sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Quy định mới về dạy thêm, học thêm của tỉnh Thanh Hóa sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Quy định rõ phạm vi và đối tượng áp dụng

Theo Quyết định, phạm vi điều chỉnh bao gồm hoạt động dạy thêm, học thêm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Đối tượng áp dụng là người dạy thêm, người học thêm, tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Việc phân định trách nhiệm quản lý được cụ thể hóa từ cấp tỉnh đến cấp xã, tạo nên hệ thống giám sát chặt chẽ và hiệu quả.

Trong quy định mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý toàn diện hoạt động dạy thêm, học thêm. Đồng thời, sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Đáng chú ý, công tác quản lý đăng ký kinh doanh cũng được quy định rõ: Sở Tài chính có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở dạy thêm, trong khi UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận cho các hộ kinh doanh cá thể, phù hợp với phân cấp quản lý của tỉnh.

Các cơ quan thuế sẽ tăng cường giám sát nghĩa vụ tài chính của các cơ sở dạy thêm, bảo đảm việc thu, nộp thuế diễn ra đúng quy định.

Đặc biệt, hiệu trưởng các trường học phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan chức năng đối với các vi phạm liên quan đến dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng như ngoài nhà trường của giáo viên thuộc quyền quản lý.

Đồng thời, hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm và chủ động huy động các nguồn kinh phí hợp pháp để phục vụ hoạt động này.

Quản lý tài chính minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người học

Quyết định số 40/2025/QĐ-UBND cũng đưa ra quy định chặt chẽ về tài chính trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Các trường học không được thu tiền dạy thêm, học thêm đối với một số đối tượng học sinh được quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, thể hiện sự quan tâm đến công bằng trong giáo dục.

Việc sử dụng kinh phí thu được từ hoạt động dạy thêm, học thêm phải đảm bảo đúng mục đích, bao gồm chi trả cho giáo viên, chi phí quản lý, tiền điện, nước và cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Đối với hoạt động trong nhà trường, tỷ lệ phân bổ kinh phí phải được Hội đồng trường và hội nghị viên chức, người lao động thông qua, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Trong khi đó, đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, tỷ lệ phân bổ kinh phí dựa trên sự thỏa thuận giữa cơ sở dạy thêm và người tham gia dạy thêm, bảo vệ quyền lợi của cả người dạy và người học.

Một trong những điểm nhấn của quyết định mới là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm. Hoạt động này sẽ chịu sự giám sát thường xuyên từ các cơ quan chức năng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định.

Hiệu trưởng các trường học có trách nhiệm kiểm tra nội bộ việc dạy thêm, học thêm của giáo viên và học sinh trong phạm vi quản lý. Đồng thời, các trường phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên khi phát hiện sai phạm, nhằm xử lý nhanh chóng, không để xảy ra tiêu cực.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Việc ban hành Quyết định 40/2025/QĐ-UBND được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại Thanh Hóa.

Quy định mới không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch mà còn hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho học sinh, giáo viên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh ngành giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới và hội nhập, việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đúng quy định sẽ giúp phát huy vai trò hỗ trợ kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả, đồng thời hạn chế tối đa các tiêu cực phát sinh.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết định này, ngành giáo dục Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc quản lý dạy thêm, học thêm, hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/thanh-hoa-ban-hanh-quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-130050.html