Thanh Hóa: Báo động vấn nạn phá rừng tại Quan Sơn

Từng được xem là huyện có an ninh rừng ổn định bậc nhất xứ Thanh nhưng từ cuối tháng 11/2021 đến nay trên địa bàn huyện Quan Sơn xảy ra nhiều vụ phá rừng gây bức xúc dư luận.

Điểm nóng phá rừng

Tính từ cuối tháng 11/2021 đến nay, trên địa bàn huyện vùng biên Quan Sơn đã xảy ra 4 vụ phá rừng, gây bức xúc dư luận. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 24/11/2021, tại khu vực suối Cướm, suối Toong thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy bị khai thác 3 cây gỗ giổi cổ thụ thuộc nhóm 3, với tổng khối lượng 13,69m3. Gần đó, tại khu vực Vũng Cộp cùng bản, lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện có 6 cây gỗ SP bị đốn hạ, với khối lượng hơn 9m3.

Vụ phá rừng thứ 2 tại khu vực suối Len, xã Na Mèo. Nơi đây có 6 cây gỗ SP với đường kính từ 20 đến khoảng 50cm bị khai thác tại lô 15, khoảnh 4, tiểu khu 211. Cùng tiểu khu 221, tại lô 13, khoảnh 1 cũng có 2 cây gỗ SP (gỗ tạp để mục mọt, không có giá trị kinh tế) bị chặt hạ. Tổng khối lượng gỗ rừng mà lực lượng kiểm lâm đo đạc được là hơn 5,4m3. Vị trí rừng bị phá thuộc rừng phòng hộ của chủ rừng Nhà nước là Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, hiện đã giao cho hộ nhận khoán bảo vệ là ông Phạm Văn Tú, trú tại bản Na Lộc, xã Sơn Điện. Vụ phá rừng này được phát hiện vào cuối tháng 1/2022, nhưng đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa điều tra ra thủ phạm.

Liên tiếp các vụ phá rừng tại huyện Quan Sơn được phát hiện

Liên tiếp các vụ phá rừng tại huyện Quan Sơn được phát hiện

Vụ thứ 3 xảy ra vào ngày 30/3, khi lực lượng kiểm lâm và cán bộ xã Na Mèo phối hợp tuần tra, phát hiện tại khu vực suối Salit có 5 cây gỗ tạp bị khai thác, với tổng khối lượng 8,727m3. Gần đó, tại các lô 24 và 28, khoảnh 3a, tiểu khu 210 cũng bị chặt hạ 3 cây gỗ tạp, với khối lượng gần 5,4m3. Điều đáng nói, số gỗ đã được khai thác trước đó nhưng vẫn còn bỏ lại hiện trường tất cả và đến nay cũng chưa điều tra được thủ phạm.

Vụ phá rừng thứ 4 mới được lực lượng kiểm lâm Quan Sơn phát hiện tại bản Cóc của xã Sơn Thủy, với hơn 9.500m2 rừng bị phá trọc. Qua kiểm tra, ngoài diện tích cây bụi, lau lách, thì có 28 cây gỗ, với khối lượng gần 18,2m3 và 8 bụi nứa, với 118 cây bị chặt hạ.

Thực tế, hiện tỷ lệ che phủ rừng của huyện Quan Sơn đã đạt 88% - lớn nhất tại Thanh Hóa và là một trong những nơi có tỷ lệ che phủ cao của cả nước. Sau nhiều vụ phá rừng liên tiếp, dư luận không khỏi hoài nghi liệu có hay không việc hình thành các đường dây ngầm của lâm tặc trong việc khai thác và tiêu thụ gỗ tại huyện Quan Sơn?

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan

Về việc này, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh cho biết: "Để mất rừng là lỗi của kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương các cấp, các bên liên quan phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, nếu đủ điều kiện, sớm khởi tố và đưa ra xét xử các đối tượng. Với một số cán bộ kiểm lâm địa bàn hay các trạm lẻ, hiện mỗi người phải phụ trách hàng chục héc-ta rừng, không thể quán xuyến hết. Việc kỷ luật hay xử lý một cán bộ, một con người thì phải xem xét thấu đáo, phải vừa thấu tình nhưng cũng đạt lý".

Hiện phía cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án

Hiện phía cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án

Thông tin từ Công an huyện Quan Sơn được biết, sau khi có các thông tin về 4 vụ phá rừng trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, xem xét và điều tra làm rõ 2 vụ trong số đó đủ yếu tố khởi tố.

Được biết, sau vụ việc trên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định phê bình nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn; ông Bùi Đình Lượng và Lê Văn Tuấn, đều là Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn vì đã có khuyết điểm liên quan đến trách nhiệm trong việc để xảy ra khai thác gỗ trái phép.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn "điểm nóng" phá rừng ở Quan Sơn hiện nay, cần có sự phối hợp sát sao hơn nữa của các lực lượng liên quan trên địa bàn. Mỗi lực lượng hay chính quyền địa phương cần phát huy tính chủ động, triển khai nhiều giải pháp mới có thể phát huy được hiệu quả bảo vệ rừng.

Gia Hân - Mạnh Linh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thanh-hoa-bao-dong-van-nan-pha-rung-tai-quan-son-172220601194544079.htm