Thanh Hóa: Cá chết bất thường trên sông Lạch Bạng: Vì đâu nên nỗi?
Sau sự việc gần 60 tấn cá chết bất thường, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vào cuộc kiểm tra phát hiện 2 nhà máy chế biến hải sản xả thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng, đề xuất xử phạt gần 1 tỷ đồng.
Người dân ngán ngẩm
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào người dân nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng cũng chứng kiến tình trạng cá chết. Đỉnh điểm là ngày 19/7, hơn 44 tấn cá, bao gồm cá vược, cá hồng mỹ, cá mú, cá sủ nuôi trên sông Lạch Bạng, thuộc phố Dự Quần (phường Xuân Lâm, TX. Nghi Sơn), cân nặng từ 1-3 kg nổi lờ đờ, ngửa bụng, yếu dần và chết. Người dân đã sục khí, quạt tạo ô-xy, khuấy động nước để cứu cá nhưng bất thành. Khi phát hiện cá yếu dần và chết, người dân đã thu gom cho vào ướp đông lạnh, bán cho các đầu mối tiêu thụ và chuyển làm bột cá.
Từ hơn 10 năm trước, các hộ dân đã bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng.
Theo phản ánh của người dân nuôi cá lồng, thời điểm xuất hiện cá chết, nước trên sông Lạch Bạng chảy qua khu vực nuôi cá lồng có màu đen, bốc mùi hôi thối bất thường. Người dân cho rằng có thể do nguyên nhân nước sông bị ô nhiễm dẫn tới cá chết hàng loạt.
Tại phường Hải Bình, theo thống kê, có khoảng 15 tấn cá lồng nuôi trên sông Lạch Bạng cũng bị chết. Ông Nguyễn Văn Tính (54 tuổi, ngụ phường Hải Bình, TX. Nghi Sơn) là một trong những hộ nuôi cá lồng lớn, với hơn 100 lồng nuôi. Ông Tính cho biết, từ ngày 19/7 đến 16/8, cá lồng của gia đình ông chết ít nhất 3 đợt, với khoảng hơn 10 tấn các loại cá mú, cá hồng mỹ, cá vược, cá sủ. Chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng, gia đình ông thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Gia đình ông Cao Văn Bốn (57 tuổi, ngụ phường Hải Bình, TX. Nghi Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Hàng chục lồng cá của gia đình ông qua 2 đợt chết giờ chỉ còn lồng không, nằm trơ trọi giữa dòng sông đang bốc mùi hôi thối.
“Trước đây, cứ chiều đến là nhiều người vác cần ra bờ sông câu cá tự nhiên. Nhiều người, nhiều gia đình sống bằng nghề đánh bắt hải sản tự nhiên ở sông, vì hồi đó hàu, tôm, cá, ghẹ… nhiều lắm. Khoảng 4 năm nay, hải sản tự nhiên rất ít, và hầu như không ai còn mưu sinh được bằng nghề nữa. Nguyên nhân cũng bởi do nước sông ô nhiễm từ quá trình sản xuất của các nhà máy, các cơ sở chế biến hải sản, nước thải sinh hoạt… Cứ đà này, sông Lạch Bạng dần dần chẳng còn con gì sống được cả đâu”, ông Bốn lo âu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nghề nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng chủ yếu là tự phát, từ khoảng 10 năm trước. Nhiều hộ ở đây thuộc diện bị thu hồi đất để xây dựng các dự án trong khu Kinh tế Nghi Sơn nên chuyển đổi nghề nghiệp sang nuôi cá lồng.
Phát hiện hai doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm
Sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Lạch Bạng, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra nhà máy chế biến hải sản của hai doanh nghiệp: Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn (Công ty Ngọc Sơn) và Công ty CP vận tải và chế biến hải sản Long Hải (Công ty Long Hải).
Doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường từ đường ống D90.
Kết quả kiểm tra xác định, Công ty Ngọc Sơn đang sản xuất bột cá, toàn bộ nước thải phát sinh trong nhà máy thu gom qua các tuyến mương và dẫn về bể chứa 3 ngăn có dung tích khoảng 20m3, sau đó bơm xả thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng bằng máy bơm có công suất 105m3/h, qua đường ống kích thước D90.
Kiểm tra tại Công ty CP thương mại vận tải - chế biến hải sản Long Hải phát hiện, dù công ty này có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 600m3/ngày, nhưng thời điểm kiểm tra hệ thống xử lý nước thải không hoạt động, mà thải nước thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng. Nước thải từ công ty thải ra có màu đục, nhiều bã bột cá, mùi hôi và nước thải có nhiệt độ cao (hơn 60 độ C).
Từ kết quả kiểm tra ban đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã yêu cầu các công ty trên tạm dừng hoạt động kể từ ngày 25/7. Việc cho phép hoạt động lại chỉ được xem xét khi các doanh nghiệp khắc phục các lỗi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, và bị cơ quan chức năng xử lý các lỗi đã vi phạm.
Sau khi yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm tạm dừng hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã lấy mẫu nước thải ra sông Lạch Bạng kiểm tra, phân tích. Kết quả phân tích nước thải tại Công ty Ngọc Sơn cho thấy: chỉ tiêu TSS vượt 10,04 lần, BOD5 vượt 141,4 lần, COD vượt 89,8 lần, NH4 vượt 58,5 lần, Tổng N vượt 21,4 lần, dầu mỡ động thực vật vượt 18,8 lần, Coliform vượt 8,6 lần, tổng P vượt 4,46 lần.
Tại Công ty Long Hải, kiểm tra, phân tích mẫu nước thải cho thấy các chỉ tiêu: BOD5 vượt 2,86 lần, COD vượt 1,56 lần, NH4 vượt 1,1 lần.
Với những hành vi vi phạm nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt hai doanh nghiệp tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Ngọc Sơn bị đề nghị xử phạt 882 triệu đồng, Công ty Long Hải bị đề nghị xử phạt 104 triệu đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết trên sông Lạch Bạng, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thời điểm xảy ra vụ việc, trên biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới và bão số 3, khu vực thị xã Nghi Sơn có mưa to, các chất thải từ sinh hoạt của nhân dân 2 phường: Hải Bình và Hải Thanh, các chất thải từ cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản, chất thải từ hoạt động của cầu cảng Lạch Bạng, chất thải từ các tàu thuyền ra vào cảng đều đổ về sông Lạch Bạng và ra biển là nguyên chính làm cho hàm lượng NH4+ và chất rắn lơ lửng TSS trong nước tăng cao bất thường. Ngoài ra, trong khu vực Lạch Bạng có lượng bùn đáy lớn dẫn đến nguồn nước sông có sự xáo động lớn, gây đục màu, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cá nuôi lồng.